Qatar khó vận chuyển khí đốt đến châu Âu qua Syria, Thổ Nhĩ Kỳ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed bin Mohammed al-Ansari cho biết, các báo cáo cho rằng nước này có thể vận chuyển khí đốt tự nhiên đến châu Âu thông qua Syria và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là tin đồn.
"Chúng tôi đã thấy những đồn đoán trên phương tiện truyền thông về đường ống dẫn khí đốt này. Đó chỉ là đồn đoán của họ", ông nói khi được TASS hỏi về triển vọng xây dựng đường ống dẫn khí đốt đến Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu.
"Qatar quyết tâm hỗ trợ người dân Syria về mặt hỗ trợ nhân đạo và kỹ thuật, như trường hợp của Sân bay quốc tế Damascus, và cũng thảo luận về mọi loại hỗ trợ kỹ thuật nhằm tái xây dựng cơ sở hạ tầng. Về mặt kinh tế, liên quan đến nguồn cung cấp khí đốt, chúng tôi không thể nói gì về vấn đề này", vị quan chức này, cũng là cố vấn của thủ tướng, nói thêm.
Theo ông al-Ansari, Doha hiện đang tập trung vào việc duy trì sự ổn định ở Syria và "đáp ứng nhu cầu của người dân Syria".
Khả năng xây dựng đường ống dẫn khí Qatar-Thổ Nhĩ Kỳ đã được thảo luận từ năm 2009, nhưng việc thực hiện dự án, theo Ankara, đã vấp phải sự phản đối của chính quyền Syria trước đây.
Vào ngày 4/1, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar cho biết khí đốt của Qatar có thể đi đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, với điều kiện là một hệ thống vận chuyển an toàn được xây dựng ở Syria và đất nước cũng như khu vực này ổn định.
Qatar được xếp hạng là quốc gia nắm giữ trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ ba thế giới và là quốc gia sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ sáu. Theo Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt, Qatar đã trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ ba sau Hoa Kỳ và Úc vào tháng 11 năm 2024.
Năm 2022, Qatar đã nổi lên như nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG quan trọng nhất cho châu Âu khi khu vực này đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga.
Tuy nhiên, theo tờ Financial Times đưa tin, Qatar vừa đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng nước này sẽ dừng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang Liên minh châu Âu (EU) nếu các quốc gia thành viên áp dụng nghiêm ngặt luật mới về thẩm định doanh nghiệp, bao gồm các khoản phạt nặng đối với vi phạm về khí thải carbon, quyền con người và lao động.