Phản ứng của ngành công nghiệp Mỹ trước việc cấm khoan dầu ngoài khơi

Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực ngăn chặn vô thời hạn kế hoạch phát triển dầu khí ngoài khơi tại hơn 625 triệu mẫu Anh vùng biển ven bờ nước Mỹ, cảnh báo rằng việc khai thác tại đây là điều 'không đáng để mạo hiểm' và 'không cần thiết' để đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia.

Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực ngăn chặn vô thời hạn kế hoạch phát triển dầu khí ngoài khơi nước Mỹ. Ảnh AP

Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực ngăn chặn vô thời hạn kế hoạch phát triển dầu khí ngoài khơi nước Mỹ. Ảnh AP

Động thái của ông Biden được ghi nhận trong hai văn bản của Tổng thống được ban hành hôm thứ Hai, củng cố di sản của ông trong việc bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu chỉ hai tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Tuy nhiên, khác với các hành động khác mà ông Biden đã thực hiện để hạn chế phát triển nhiên liệu hóa thạch, động thái này có thể khiến ông Trump khó đảo ngược hơn, vì nó dựa trên một điều khoản 72 năm tuổi trong luật liên bang trao quyền cho các tổng thống rút vùng biển của Hoa Kỳ khỏi hợp đồng cho thuê dầu khí mà không một sự cần ủy quyền rõ ràng.

Ông Biden quyết định loại trừ việc cấp phép khoan dầu và khí đốt trong tương lai dọc theo bờ biển phía Đông và phía Tây của Mỹ, vịnh Đông của Mexico và một phần biển Bering Bắc, khu vực có nhiều loài chim biển, động vật biển, cá và nhiều loài động vật hoang dã khác. Hành động này không ảnh hưởng đến việc phát triển năng lượng dưới các hợp đồng cho thuê ngoài khơi hiện có, và sẽ không trì hoãn việc cấp quyền khoan dầu khí tại Vịnh Cook ở Alaska, nơi sở hữu lượng khí đốt dồi dào, hay tại khu vực trung tâm và phía tây Vịnh Mexico, những nơi này cung cấp khoảng 14% sản lượng dầu khí của Mỹ.

Tổng thống Biden đã nhấn mạnh rằng động thái này là một sự cân bằng đầy thận trọng giữa bảo tồn và an ninh năng lượng.

“Đối với tôi, tiềm năng nhiên liệu hóa thạch tương đối ít ỏi ở những khu vực mà tôi rút khỏi không đủ để biện minh cho các rủi ro về môi trường, sức khỏe cộng đồng và kinh tế sẽ phát sinh từ việc cấp phép mới và khoan dầu”, Biden nói. “Chúng ta không cần phải lựa chọn giữa việc bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế, hay giữa việc giữ cho đại dương khỏe mạnh, các bờ biển kiên cố, thực phẩm chúng ta sản xuất được an toàn và giữ giá năng lượng ở mức thấp”.

Nhóm chuyển giao của Trump đã chỉ trích kế hoạch này, phát ngôn viên Karoline Leavitt gọi đó là "một quyết định đáng xấu hổ được đưa ra nhằm trả thù chính trị đối với người dân Mỹ, những người đã trao cho Tổng thống Trump nhiệm vụ đẩy mạnh khoan dầu và giảm giá xăng".

“Joe Biden rõ ràng muốn giá xăng cao trở thành di sản trong nhiệm kỳ của mình”, cô nói trong một tuyên bố qua email. “Hãy yên tâm, Joe Biden sẽ thất bại, và chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác”.

Trump có thể ra lệnh thu hồi các quyết định này ngay khi ông nhậm chức, giống như cách ông đã làm với các quyết định của Tổng thống Barack Obama vào năm 2017. Tuy nhiên, một tòa án liên bang ở Alaska đã bác bỏ sự đảo ngược của Trump, và không có tòa phúc thẩm nào từng ra phán quyết về vấn đề này.

Các chính trị gia từ các tiểu bang ven biển, cả đảng Cộng hòa và Dân chủ, đã nỗ lực thúc đẩy việc bảo vệ một số vùng biển bị ảnh hưởng khỏi các kế hoạch khai thác, đặc biệt là vùng gần Florida và dọc theo bờ biển phía tây nước Mỹ. Thảm họa Deepwater Horizon năm 2010 đã cướp đi sinh mạng của 10 người và xả hàng triệu thùng dầu thô ra biển, làm nổi bật những rủi ro lâu dài của việc khoan dầu ngoài khơi, đặc biệt là đối với các cộng đồng ven biển có nền kinh tế gắn liền với du lịch.

“Chúng tôi rất phấn khích và biết ơn vì chính quyền Biden nhận ra giá trị to lớn của khu vực Vịnh Florida”, bà Martha Collins, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Healthy Gulf, phát biểu. “Từ những bãi biển cát trắng cho đến hệ sinh thái biển phong phú, Vịnh Florida định hình lối sống mà hàng triệu người yêu quý”, và “quyết định hôm nay giúp bảo vệ khu vực đặc biệt này khỏi các hoạt động dầu khí công nghiệp”.

Phản ứng của ngành công nghiệp

Các lãnh đạo trong ngành dầu khí đã chỉ trích động thái này, cho rằng các hạn chế rộng rãi, ngay cả đối với những vùng lãnh thổ không có nhiều tiềm năng khoan, sẽ làm giảm khả năng khai thác năng lượng trong nước.

“Những lệnh cấm rộng rãi có thể đe dọa đến an ninh kinh tế quốc gia bằng cách tạo ra các rào cản chính trị đối với nguồn tài nguyên của chính chúng ta”, ông Erik Milito, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đại dương Quốc gia (National Ocean Industries Association), phát biểu. “Ngay cả khi hiện tại không có sự quan tâm lớn đối với một số khu vực, thì điều quan trọng là chính phủ liên bang phải duy trì tính linh hoạt để điều chỉnh chính sách năng lượng, đặc biệt khi đối phó với những thay đổi bất ngờ như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine”.

Ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ từ lâu đã không ngừng vận động để có thêm cơ hội khoan ngoài khơi, nơi các giếng khai thác từ các mỏ truyền thống có thể cung cấp dầu thô trong nhiều thập kỷ, khác với những phát hiện nhỏ từ việc khai thác đá phiến trên đất liền. Tuy nhiên, có một chuỗi các hoạt động dài giữa việc bán hợp đồng cho thuê ngoài khơi ban đầu và quá trình khai thác cuối cùng.

Hiện không có hợp đồng cho thuê dầu khí nào đang hoạt động tại các vùng biển liên bang ở Biển Bering hay dọc theo bờ biển phía Đông của Mỹ, nơi Biden đang bảo vệ khoảng 334 triệu mẫu Anh, từ Canada đến mũi phía nam của Florida. Khoảng 40 giếng dầu đã được khoan ngoài khơi bờ biển phía Đông Mỹ vào những năm 1970 và 1980, nhưng lần bán hợp đồng cho thuê cuối cùng tại khu vực này là vào năm 1983, và dầu chưa bao giờ được khai thác từ khu vực này.

Các công ty dầu khí hiện giữ khoảng 10 hợp đồng cho thuê tại vùng vịnh Đông của Mexico và khoảng 30 hợp đồng ở các vùng biển liên bang gần miền Nam California, nơi thương vụ bán hợp đồng cho thuê cuối cùng được tổ chức vào năm 1984. Những khu vực này không bị ảnh hưởng bởi các quyết định rút lui.

Chính phủ Mỹ hiện đang trên lộ trình tổ chức ba cuộc đấu giá quyền khoan dầu tại Vịnh Mexico trong vòng 5 năm tới, theo một kế hoạch được chính quyền Biden phát triển. Các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội đang xem xét việc yêu cầu tổ chức nhiều cuộc bán đấu giá hơn như một cách để tăng thu nhập, qua đó bù đắp chi phí của việc gia hạn các đợt cắt giảm thuế.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phan-ung-cua-nganh-cong-nghiep-my-truoc-viec-cam-khoan-dau-ngoai-khoi-722881.html
Zalo