Sinh viên chi tiền triệu mỗi tháng đến quán cafe học bài
Chọn các quán cafe là không gian để học tập, làm việc thay vì ở nhà hay thư viện trường đang được nhiều sinh viên lựa chọn dù họ thừa nhận hoạt động này khá tốn kém.
Sức hút nào khiến sinh viên ra quán cà phê học tập?
Vũ Thành (SN 2003, quê Nam Định), là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Để viết bài thực tập và chuẩn bị ôn thi các chứng chỉ đầu ra phục vụ tốt nghiệp, mỗi tuần Thành thường lui tới quán cà phê gần nơi ở 3-4 lần.
Thành giải thích: "Khi đến đây, tôi tập trung và có động lực hơn học hơn. Ở nhà, tôi rất dễ bị xao nhãng bởi điện thoại hay TV, hoặc cảm thấy chán nản, chỉ muốn nằm trên giường và ngủ cả ngày. Ngoài ra, quán cafe là không gian mở, thấy mọi người tập trung, chăm chỉ cũng đốc thúc tôi thực hiện việc của mình hiệu quả hơn”.
Còn Phương Anh (SN 2004, quê Ninh Bình) nói lý do cô tới học ở quán cà phê vì thích một không gian nơi đây. "Ngoài ra, mình thường ôn tập vào cuối tuần khi thư viện trường không mở nên các quán cafe sẽ là lựa chọn tối ưu”, cô sinh viên năm 3 nói.
Mặc dù vậy, Phương Anh cho biết, nhiều khi cô phải hạn chế hoạt động này vì thấy chi phí khá tốn. "Tính ra, giá đồ uống không hề rẻ, có khi bằng tiền ăn cả bữa trưa và tối. Tiền ra cafe học của mình chiếm tầm 10-15% ngân sách bố mẹ chu cấp mỗi tháng. Hiện mình chưa làm ra tiền nên không dám tiêu tốn quá nhiều vào việc này”, Phương Anh nói.

Nhiều sinh viên chọn không gian quán cafe để ngồi học. Ảnh: Ngọc Anh
Với Đăng Khôi (SN 2005, Hà Nội), lý do tìm tới quán cafe để học tập lại có phần khác: Là một người ADHD (mắc Hội chứng Rối loạn tăng động giảm chú ý) khá nặng, Khôi thích học tại nhà vì cần không gian riêng có sự tĩnh lặng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Khôi tham gia học nhóm, được các bạn rủ ra quán cafe, đặc biệt là với những môn thi phải học thuộc hoặc những bài tập khó. "Học nhóm ở quán, chúng tôi dễ trao đổi cũng như bổ sung kiến thức cho nhau, kích thích sự sáng tạo nên việc học hiệu quả hơn”, Khôi kể.
Khoản chi phí không nhỏ với sinh viên
Việc tự học hoặc tổ chức học chung với nhóm bạn tại các quán cà phê ngày càng phổ biến trong đời sống của Gen Z, đặc biệt là với sinh viên. Hoạt động này có thực sự đem lại kết quả tốt hay không tùy thuộc vào từng trường hợp, nhưng có một thực tế dễ thấy là những buổi cafe học tập tiêu tốn phần không nhỏ trong ngân sách vốn chưa dư dả của sinh viên.
Minh Anh (SN 2003, Hà Nội) cho biết, mỗi tuần, cô học tại quán cafe 2-3 buổi. Đồ uống tại đây dao động từ 45.000 đến 65.000 đồng/cốc, có một vài quán giá sẽ cao hơn vì không gian ở đó chuyên dành cho việc học tập, làm việc. Mỗi dịp cao điểm của thi cử, chi phí "đóng họ" cho quán cafe của Minh Anh là cả triệu đồng, thậm chí cao hơn để đổi lấy khoảng thời gian tập trung cao độ cho ôn luyện.
Cô sinh viên năm 3 này bày tỏ: “Mình vừa học vừa làm, đã có chút thu nhập đủ để chi trả cho việc này. Dù vậy, theo mình, các bạn sinh viên nên cân nhắc khi dành thời gian và tiền bạc vào quán cà phê để lấy chỗ học! Đừng làm việc này chỉ để 'bắt trend' hay vì thấy 'chill', tránh lãng phí".
Theo TS Bùi Thị Vân, giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc học tập ở quán cà phê có thể mang lại hiệu quả nhất định nếu sinh viên biết cách tận dụng không gian này một cách hợp lý.
“Một số nghiên cứu cho thấy môi trường học tập linh hoạt, thoải mái có thể giúp tăng khả năng tập trung và sáng tạo, đặc biệt đối với những người thích sự đổi mới trong không gian làm việc. Đối với các buổi thảo luận nhóm, quán cafe cũng là nơi thuận tiện để trao đổi ý tưởng mà không bị gò bó như trong thư viện truyền thống”, TS Bùi Thị Vân cho hay.
Tuy nhiên, theo bà, nếu không kiểm soát tốt, xu hướng tới quán cafe để học có thể trở thành một kiểu "lãng phí” bởi chi phí thường xuyên cho đồ uống, cộng với nguy cơ mất tập trung do môi trường ồn ào, có thể khiến hiệu quả học tập giảm sút. Ngoài ra, quán cafe không thể thay thế hoàn toàn thư viện hay phòng học, nơi cung cấp tài nguyên học tập phong phú và không gian phù hợp để nghiên cứu chuyên sâu.
TS Bùi Thị Vân cho rằng, sinh viên Gen Z có nhiều lợi thế khi tiếp cận với công nghệ và các phương pháp học tập hiện đại, nhưng không nên lệ thuộc vào một không gian (quán cafe), hay dồn việc học vào một thời điểm (khi sắp thi, tốt nghiệp). Để nâng cao hiệu quả học tập, theo giảng viên này, các bạn có thể áp dụng nhiều phương pháp khoa học giúp tối ưu trí nhớ và sự tập trung như chia thời gian học thành các chu kỳ 25 phút tập trung - 5 phút nghỉ, giúp não bộ không bị quá tải. Ngoài ra, để tránh học dồn vào phút cuối, sinh viên nên quản lý thời gian hiệu quả, lập kế hoạch học tập theo tuần hoặc tháng để duy trì sự ổn định. Cuối cùng, các bạn hãy chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất thật tốt, vì một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn sẽ giúp việc học tập trở nên hiệu quả hơn.