Singapore có thêm ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng
Ngày 10/12, Bộ Y tế Singapore cho biết nước này ghi nhận thêm 3 ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, trong đó có một ca nhiễm trong cộng đồng.
Theo phóng viên TTXVN, ca nhiễm mới trong cộng đồng là nhân viên hỗ trợ hành khách làm việc tại nhà ga số 3 ở sân bay Changi. Hai ca nhiễm còn lại là các ca nhập cảnh từ Anh theo làn dành cho người đã tiêm vaccine (VTL).
Trước đó, ngày 9/12, Singapore đã ghi nhận ca lây nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng đầu tiên cũng là một nhân viên làm việc tại sân bay Changi và một ca nhập cảnh từ Đức. Đáng nói, các ca nhiễm này đều đã tiêm đủ vaccine, thậm chí đã tiêm mũi tăng cường.
Theo điều tra ban đầu, ca nhiễm mới ngày 10/12 không liên quan và không tiếp xúc với các ca nhiễm biến thể Omicron trước đó. Bộ Y tế Singapore đánh giá với khả năng lây lan cao của biến thể Omicron, Singapore sẽ còn có thêm các ca nhiễm biến thể này tại khu vực sân bay và trong cộng đồng thời gian tới.
Trong ngày 10/12, Singapore ghi nhận tổng cộng 454 ca mắc mới COVID-19 và 4 ca tử vong, con số thấp nhất kể từ ngày 8/9 tới nay. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống dưới 1.000 ca. Tổng số ca bệnh tại Singapore tới thời điểm này là 272.433 ca, trong đó có 783 ca tử vong.
Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, Singapore đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát đường biên từ ngày 26/11, tăng các yêu cầu xét nghiệm với người nhập cảnh từ ngày 4/12 và dừng triển khai thêm các VTL. Những bệnh nhân nhiễm biến thể mới Omicron sẽ được cách ly và điều trị tại Trung tâm Dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia (NCID) thay vì các cơ sở cách ly thông thường.
Trong khi đó, Lực lượng Liên bộ đặc trách COVID-19 của Singapore (MTF) đã chấp thuận đề nghị của Ủy ban Chuyên gia về vaccine COVID-19 (EC19V) về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi bắt đầu từ cuối năm nay khi vaccine về tới nước này. Theo EC19V, mặc dù trẻ em là đối tượng có nguy cơ thấp có triệu chứng nặng, nhưng một số trường hợp mắc COVID-19 đã xuất hiện những bệnh đe dọa tính mạng hoặc các biến chứng muộn nghiêm trọng, chẳng hạn như Hội chứng Viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) và cần được điều trị tại phòng hồi sức tích cực (ICU). Ngoài ra, trẻ em cũng dành nhiều thời gian tại các môi trường cộng đồng như trường học, sân chơi, trường mầm non… dẫn tới sự lây nhiễm có thể gia tăng nhanh chóng và do vậy khiến các thành viên khác trong gia đình có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là người già.
Trong khi đó, các kết quả thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3 của vaccine Pfizer/BioNTech liều trẻ em được gửi tới các cơ quan chức năng của Mỹ và tới Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HSA) gần đây đã cho thấy hiệu quả giảm khoảng 90% nguy cơ nhiễm COVID-19 có triệu chứng. Các trường hợp nhiễm COVID-19 trong giai đoạn thử nghiệm là diễn ra trong khoảng từ tháng 7 – 8/2021 - thời điểm biến thể Delta đang hoành hành tại Mỹ- nên theo MOH, các kết quả này phản ánh hiệu quả chống lại biến thể Delta của vaccine Pfizer/BioNTech liều trẻ em.
EC19V cũng cho biết các phản ứng phụ thông thường ở trẻ em khi tiêm vaccine Pfizer/BioNTech liều trẻ em nói chung là ở thể nhẹ cho đến trung bình và trẻ em trong độ tuổi 5-9 tuổi gặp ít tác dụng phụ toàn thân so với nhóm người từ 16 – 25 tuổi.
Ngoài ra, xuất phát từ đánh giá của EC19V rằng mũi tiêm bổ sung vaccine COVID-19 là có lợi cho việc bảo vệ sức khỏe của người từ 18 – 29 tuổi, bắt đầu từ ngày 14/12 tới, Singapore sẽ tiếp tục mở rộng chương trình tiêm vaccine COVID-19 cho những người trong độ tuổi 18 – 29 tuổi.