Phong tục lì xì đầu năm mới: Hiểu đúng để không mất đi ý nghĩa

Ý nghĩa lì xì ngày Tết là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người. Theo đó cả người nhận và người tặng phong bao đều nhận những điều tốt đẹp trong năm mới.

Bao lì xì tượng trưng cho sự may mắn, bình yên, chúc sức khỏe trong mỗi dịp Tết đến. (Ảnh: Vietnam+)

Bao lì xì tượng trưng cho sự may mắn, bình yên, chúc sức khỏe trong mỗi dịp Tết đến. (Ảnh: Vietnam+)

Mừng tuổi hay lì xì là một trong những phong tục đẹp của người dân Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Vào những ngày Tết, người lớn thường tặng cho trẻ nhỏ một phong bao đỏ, bên trong là một khoản tiền nho nhỏ có ý nghĩa tượng trưng cho may mắn, tài lộc.

Đối với trẻ nhỏ và cả người lớn, tiền mừng tuổi là một trong những điều được mong đợi nhất trong ngày Tết.

Ý nghĩa của việc lì xì đầu năm

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về lòng người lại xốn xang tiễn năm cũ đón năm mới với nhiều nét đẹp văn hóa ngày Tết và phong tục lì xì cũng là nét đẹp ấy. Theo truyền thống, sáng mùng Một Tết, cả gia đình sẽ sum họp lại với nhau thắp hương tổ tiên và cùng nhau vui vầy ăn Tết. Trẻ nhỏ trao cho người lớn những lời chúc tốt đẹp. Ông bà, cha mẹ thì gửi đến trẻ trong nhà những phong bao lì xì đỏ để lấy lộc đầu năm. Đây được xem như là phong tục chẳng thể thiếu vào ngày Tết cổ truyền Việt.

Ý nghĩa lì xì ngày Tết là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người. Theo đó cả người nhận và người tặng phong bao đều nhận những điều tốt đẹp trong năm mới.

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động.

Chiếc phong bao còn tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn người nhận có sự so bì, tị nạnh. Do đó, người nhận không mở phong bao trước mặt người tặng.

Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà quan trọng là ở thông điệp, con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn…

Trong ngày này bố mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu, con cháu chúc thọ bố mẹ, ông bà, bạn bè, những người thân thiết mừng tuổi cho nhau.

Khi con cháu họ hàng cũng như con cháu bạn bè, nếu còn nhỏ tuổi, đến nhà đều được chủ nhà cho tiền mừng tuổi, nhiều ít tùy tình tùy cảnh. Ngược lại, khách cũng mừng tuổi cho con cháu còn nhỏ của chủ nhà.

Vì thế, tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng gồm cả tiễn chẵn và tiền lẻ, ngụ ý tiền đó sẽ dư mãi ra.

Vì vậy, ý nghĩa tốt đẹp ấy không nằm ở giá trị vật chất (tiền nhiều hay ít) của phong bao lì xì mà nằm ở giá trị tinh thần: Năm mới nhận được lời cầu chúc may mắn sẽ hên và hanh thông cả năm.

Đừng để tục lệ mất đi ý nghĩa

Tuy nhiên câu chuyện tiền mừng tuổi đẹp và ý nghĩa là vậy, nhưng xung quanh đó cũng đã có không ít những câu chuyện dở khóc dở cười...

Ngày nay, trẻ em biết được giá trị của đồng tiền khá sớm cũng bởi do trẻ nhỏ ngày càng được tiếp xúc nhiều với đồng tiền hơn như bố mẹ cho trẻ tiền ăn quà sáng, tiền mua truyện sách, tiền lì xì…

 Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng gồm cả tiễn chẵn và tiền lẻ, ngụ ý tiền đó sẽ dư mãi ra. (Ảnh: Vietnam+)

Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng gồm cả tiễn chẵn và tiền lẻ, ngụ ý tiền đó sẽ dư mãi ra. (Ảnh: Vietnam+)

Thay vì chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mừng tuổi đã trở thành bài toán khó tìm được lời giải đối với nhiều người, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Chị Minh Châu (quê Phú Thọ) cho biết những năm trước tiền thưởng Tết của chị cũng được gọi là tạm ổn nên chị ít khi phải đau đầu chuyện mừng tuổi. Nhưng năm nay, nơi chị đang làm việc đã bị dừng phát sóng, giờ chị đang chuẩn bị đi tìm việc mới nên lương thưởng đều bị giảm. Vì vậy, chắc chắn chuyện tiền mừng sẽ bị cắt giảm hơn nhiều so với năm ngoái nhưng điều chị lo nhất vẫn là những lời bàn tán sau khoản mừng tuổi ấy.

Cùng cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Thành Trung (Hà Nam) cũng chẳng khấm khá gì nên mỗi lần Tết đến là nỗi trăn trở của hai vợ chồng anh. Vì các cháu đông nên anh chị cũng thường phải chuẩn bị trước phong bao lì xì và bỏ sẵn tiền trong đó. Tuy nhiên, vì nhiều cháu nên chỉ trong ngày mồng 1 đã hết số phong bao chuẩn bị sẵn.

Anh Trung kể: “Tưởng là hết rồi nên tôi không chuẩn bị thêm, ai ngờ hôm sau có cháu họ sang chơi, tôi móc ví ra tờ 20.000 đồng nhưng cháu nhìn thấy tờ 100.000 nên đã nói cháu thích tờ xanh kia hơn. Tôi cũng đành rút tờ xanh lì xì cho cháu nhưng trong lòng cảm thấy buồn. Bố mẹ cháu thấy vậy cũng ngại nên có mắng đứa trẻ lấy lệ.”

Theo các nhà giáo dục học, cha mẹ nên dạy trẻ tiêu tiền cũng như hiểu được giá trị của tiền ngay từ khi trẻ biết cầm những đồng tiền đầu tiên trong đời. Vì nhiều trẻ sau khi nhận được tiền lì xì đã dùng nó vào như chơi điện tử hay tiêu phung phí và những đồng tiền lì xì khi đó lại có thể làm hư trẻ.

Việc cha mẹ quản lý số tiền mừng tuổi cho trẻ là cần thiết nhưng cũng phải có sự thỏa thuận, đồng ý từ trẻ. Cha mẹ phải hướng dẫn trẻ tiêu tiền vào những việc phục vụ cho học tập hoặc những mục đích chính đáng cho trẻ. Qua việc giáo dục trẻ cách tiêu tiền, cha mẹ có thể dạy dỗ con cái biết quý trọng đồng tiền được làm ra từ sức lao động, biết trân trọng những giá trị tinh thần từ phong tục mừng tuổi đầu năm.

Bên cạnh đó cũng có quan điểm nên bỏ phong tục lì xì đầu năm mới cho rằng: “Nếu một cái Tết không phải lì xì, nhiều công dân sẽ cảm thấy nhẹ trong người,” “vì tiền lì xì mà nhiều người không dám đi thăm bạn bè, vì tiền lì xì không có mà nhiều công nhân nặng trĩu tấm lòng khi bước lên xe Tết về quê…”

Tuy nhiên, các nhà giáo dục học chỉ ra rằng lì xì chỉ trở nên xấu xí, khiến “lòng người nặng trĩu” khi người ta gán vào nó những cơ hội, những thước đo, đánh giá nhiều/ít, giàu/nghèo mà quên đi, làm mất đi bản chất thật sự của nó.

Trong khi đó đa phần người dân vẫn mong muốn ngày Tết nhận được phong bì màu đỏ. Quan trọng là lì xì lấy may, lấy lộc, một câu chúc cũng vui.

 Câu chuyện tiền mừng tuổi đẹp và ý nghĩa là vậy, nhưng xung quanh đó cũng đã có không ít những câu chuyện dở khóc dở cười. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Câu chuyện tiền mừng tuổi đẹp và ý nghĩa là vậy, nhưng xung quanh đó cũng đã có không ít những câu chuyện dở khóc dở cười. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không ít cư dân mạng tin rằng lì xì là lộc, là nét văn hóa đẹp nên gìn giữ và có giải pháp: "Mình chuẩn bị bao lì xì mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng... đến 100.000 đồng, đến ai người đó rút. Vì là lộc nên may thì được nhiều, ít may hơn thì được ít, vừa đỡ áp lực vừa có lì xì."

Ngoài ra, những năm gần đây, bên cạnh lì xì truyền thống, lì xì "ting ting" qua ví điện tử, app ngân hàng đang dần đi vào đời sống xã hội và được người Việt đón nhận tích cực. Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian hay một khoản tiền sắm phong bao, lì xì online còn xóa tan gánh nặng đổi tiền lẻ, tiền mới hay nguy cơ bị lừa đảo.

Dù vậy, những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, là lúc được thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phong-tuc-li-xi-dau-nam-moi-hieu-dung-de-khong-mat-di-y-nghia-post1008431.vnp
Zalo