Siết quản lý dạy thêm: Không đánh trống bỏ dùi
Hà Nội vừa tạm dừng hoạt động một số trung tâm dạy thêm chưa đúng quy định; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Các địa phương cũng tiếp tục có các giải pháp để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Kiên quyết xử lý việc tổ chức dạy thêm sai quy định
Chiều 24/4, kiểm tra đột xuất tại một cơ sở dạy thêm cách trường khoảng 100m, Ban Giám hiệu Trường THCS Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) đã phát hiện một số giáo viên của trường đang trực tiếp dạy thêm chính học sinh của mình. Việc này trái với Thông tư số 29 ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Sở GDĐT Hà Nội đã đề nghị Phòng GDĐT quận Hà Đông khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm nếu có.

Trung tâm Việt Nga, cơ sở 2 (quận Đống Đa, Hà Nội) bị tạm dừng hoạt động do vi phạm quy định Thông tư 29. Ảnh: Quốc Việt.
Trước đó, Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Việt Nga cơ sở 2 (quận Đống Đa, Hà Nội) bị các phương tiện truyền thông đại chúng và phụ huynh phản ánh tình trạng thuê cơ sở nhà dân không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, phòng học chật chội để dạy thêm ngoài giờ lên lớp với học sinh THCS, chủ yếu từ Trường THCS Láng Thượng. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra, bao gồm Phòng GDĐT Đống Đa, UBND phường Láng Thượng (quận Đống Đa) và đơn vị an ninh đã kiểm tra và phát hiện các vi phạm như: chưa niêm yết tại cơ sở các môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng dạy từng môn theo khối lớp, danh sách người dạy thêm và mức thu học phí trước khi tuyển sinh theo quy định. Hồ sơ giáo viên còn thiếu 4 hợp đồng lao động; các hợp đồng hiện có chưa đầy đủ thông tin về vị trí việc làm, thời gian làm việc. Trung tâm chưa xuất trình được sổ sách thu phí hàng tháng và các hồ sơ liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Vì vậy, đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu tạm dừng hoạt động của trung tâm từ ngày 23/4.
Trước đó, Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trạng Nguyên (quận Bình Tân, TPHCM) phải đóng cửa sau khi bị phát hiện dạy thêm môn Tiếng Việt cho học sinh tiểu học. Trung tâm có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và hồ sơ phương án phòng cháy, giáo viên đứng lớp không phải giáo viên công lập, có hợp đồng lao động nhưng do học sinh tiểu học là nhóm bị cấm dạy thêm, học thêm trừ các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu, thể thao, theo Thông tư 29 của Bộ GDĐT. Với cấp THCS, THPT, giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường nhưng không được thu tiền học sinh chính khóa. Trường học được dạy thêm miễn phí với 3 nhóm đối tượng học sinh chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn thi cuối cấp (nếu học sinh tự nguyện). Các doanh nghiệp, cá nhân (trừ công chức, viên chức) tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh.
Giải pháp từ các địa phương
Theo số liệu từ Sở GDĐT Tuyên Quang, trước khi có Thông tư 29, số cơ sở dạy thêm trên địa bàn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục chỉ có 1 - 2 trung tâm, nhưng hiện nay đã có khoảng 150 cơ sở được cấp phép kinh doanh và tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Tương tự các địa phương khác cũng ghi nhận số lượng các trung tâm và hộ kinh doanh dạy thêm tăng mạnh sau khi Thông tư 29 có hiệu lực. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin, hiện toàn thành phố có khoảng 15.000 trung tâm và hộ kinh doanh dạy thêm.
Với việc nở rộ các trung tâm, cơ sở dạy thêm đáp ứng nhu cầu dạy thêm, học thêm là điều bình thường khi Thông tư 29 của Bộ GDĐT không cấm dạy thêm, học thêm nhưng đó phải là dạy thêm tích cực, dạy thêm đúng quy định. Sau khi triển khai được hơn 2 tháng trên cả nước đã ghi nhận phần nào hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan, giảm gánh nặng chi phí cho phụ huynh cũng như dần khuyến khích, hình thành thói quen học tập chủ động đối với học sinh các cấp học. Tuy nhiên, vẫn còn những đơn vị, cá nhân vi phạm quy định này cần được tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ cũng như sự lên tiếng, đồng hành giám sát của phụ huynh học sinh và các tổ chức quần chúng.
Về phía các địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động dạy thêm, học thêm đúng quy định. Tỉnh Ninh Bình sẽ áp dụng từ ngày 2/5 các quy định cơ sở dạy thêm phải đảm bảo mỗi lớp học thêm có không quá 40 học sinh; không tổ chức dạy thêm, học thêm vào các ngày lễ, Tết trong năm theo quy định của Chính phủ; không tổ chức dạy thêm, học thêm vào các khoảng thời gian trước 7 giờ, từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 và sau 21 giờ 30 hàng ngày. Mỗi lớp học thêm không quá 2 giờ mỗi ngày và phải có thời gian cho học sinh nghỉ giữa buổi.
Một số địa phương khác cũng đã có đề xuất quy định thời gian học thêm không quá 20 giờ như tại TPHCM hay tại Hải Phòng là 19 giờ 30 phút…
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định để sớm chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, phải quán triệt quan điểm “5 không”: Không “đánh trống bỏ dùi”, không thỏa hiệp, không khoan nhượng, không biến tướng, không nói khó mà không làm.