Bảo vệ sức khỏe trẻ từ môi trường học đường
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, công tác vệ sinh môi trường tại các trường học và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải được chú trọng. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe học sinh (HS), xây dựng nền tảng bền vững cho sự phát triển của cộng đồng trong tương lai.

Môi trường học đường trong lành chính là nền tảng cho một thế hệ khỏe mạnh, an toàn và phát triển bền vững
“Lá chắn” phòng bệnh cho học sinh
Trường học không chỉ là nơi truyền đạt tri thức mà còn là môi trường hình thành và rèn luyện nếp sống vệ sinh, khoa học cho HS. Trong bối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng, đặc biệt là bệnh sởi, tay - chân - miệng, sốt xuất huyết,... vấn đề vệ sinh môi trường học đường đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành Y tế và ngành Giáo dục. Đây được xem là “lá chắn” quan trọng giúp HS phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh ngay tại nơi các em gắn bó mỗi ngày.
Phó Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Yến cho biết: “Các yếu tố như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải và sử dụng nước sạch trong trường học cần được quan tâm hơn nữa để phòng, chống dịch bệnh trong trường học một cách hiệu quả. Do đó, việc phối hợp giữa ngành Giáo dục, Y tế và phụ huynh là vô cùng cần thiết nhằm giáo dục và hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho HS”.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Yến, các bệnh truyền nhiễm học đường có thể phòng ngừa được nếu HS thực hiện vệ sinh cá nhân đúng như rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và đeo khẩu trang khi cần thiết. Tuy nhiên, những thói quen này chỉ có thể hình thành khi nhà trường tạo điều kiện đầy đủ về cơ sở vật chất và thường xuyên giáo dục các em về tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh.
Một môi trường học đường trong lành chính là nền tảng cho một thế hệ khỏe mạnh, an toàn và phát triển bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng của vệ sinh môi trường học đường, ngành Y tế phối hợp ngành Giáo dục triển khai các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng không gian học tập cho HS. Theo đó, công tác vệ sinh lớp học, sân trường, khuôn viên xanh, sạch, đẹp; kiểm soát chất lượng nguồn nước sinh hoạt; bảo đảm an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể cũng như thiết lập quy trình thu gom, phân loại và xử lý chất thải hợp lý được chú trọng.

Công tác vệ sinh lớp học được chú trọng nhằm phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe học sinh
Các nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh cá nhân được lồng ghép vào chương trình giảng dạy, thông qua các tiết học kỹ năng sống, hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng, phân loại rác và xử lý rác thải sinh hoạt, thi đua xây dựng “lớp học sạch - trường lớp đẹp”. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong hành vi của học sinh, giúp các em hiểu rằng bảo vệ môi trường học đường chính là bảo vệ chính bản thân mình.
Không dừng lại ở đó, các trường học còn chú trọng cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh, bố trí đầy đủ thùng rác phân loại, xây dựng các “góc xanh” trong khuôn viên trường,... Tất cả đều nhằm mục tiêu tạo nên một môi trường học đường xanh, sạch, an toàn.
Xử lý rác thải trong trường học
Một môi trường học đường sạch sẽ, thoáng mát sẽ giúp HS cảm thấy thoải mái, tập trung hơn trong học tập và rèn luyện. Việc phân loại rác tại trường học giúp giảm thiểu lượng rác thải phải xử lý, từ đó tiết kiệm chi phí cho nhà trường và xã hội cũng như góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm và những tác động tiêu cực đến môi trường. Chính vì thế, việc nâng cao ý thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS về phân loại và xử lý rác thải trong trường học có vai trò quan trọng trong xây dựng môi trường xanh, thân thiện và an toàn trong nhà trường.
Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải cũng là mối quan tâm của toàn xã hội. Phong trào phân loại rác, hạn chế sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần đang được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và bằng nhiều hình thức khác nhau. Các trường học đã quan tâm giáo dục HS có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định và tạo được thói quen tốt đối với HS thông qua các giờ học giáo dục bảo vệ môi trường. Hiện tại, đa số HS các trường được hướng dẫn kỹ năng phân loại rác và xử lý rác, đặc biệt là từ trong các trường mầm non.

Trẻ được hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh
Một số trường mẫu giáo, mầm non đầu tư thùng rác phân loại nhằm giúp trẻ tự phân loại rác. Các thùng có màu sắc, ký hiệu bắt mắt, phù hợp cho đối tượng trẻ mầm non. Nhà trường còn chú trọng giáo dục ý thức cho trẻ từ sớm giúp trẻ hình thành những thói quen tốt sau này. Bên cạnh đó, đa số các trường thực hiện tốt việc hợp đồng thu gom rác hàng tuần với công ty công trình đô thị địa phương, thực hiện tốt hợp đồng thu gom, xử lý rác thải tại cơ sở giáo dục, góp phần bảo vệ tốt môi trường trường học.
Hiệu trưởng Trường Mầm non 1/6 (TP.Tân An) - Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ: “Ở lứa tuổi mầm non, trẻ rất nhạy bén trong việc tiếp thu thói quen mới, vì vậy giáo dục trẻ biết bỏ rác đúng nơi quy định và bước đầu hình thành kỹ năng phân loại rác là vô cùng cần thiết. Trường xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế như phân loại rác bằng trò chơi, góc học tập về môi trường, các buổi ngoại khóa và sinh hoạt chuyên đề, trẻ được hướng dẫn cách nhận biết các loại rác hữu cơ, rác tái chế và rác thải khác. Trường cũng bố trí các thùng rác phân loại với hình ảnh minh họa dễ hiểu, sinh động, phù hợp độ tuổi. Mục tiêu của trường là giúp trẻ hình thành thói quen văn minh từ sớm, đồng thời góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến gia đình và cộng đồng”.
Công tác vệ sinh trường học và quản lý chất thải hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc bảo đảm cảnh quan sạch đẹp, mà còn đóng vai trò then chốt trong bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho HS - những chủ nhân tương lai của đất nước. Bảo vệ sức khỏe học đường hôm nay chính là đầu tư cho tương lai phát triển bền vững của toàn xã hội.
Để xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện cho HS đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, ngành Y tế, ngành Giáo dục, phụ huynh và toàn xã hội. Những hành động thiết thực như duy trì vệ sinh lớp học, kiểm soát nguồn nước, nâng cao ý thức phân loại rác, thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống,... không chỉ phòng, chống dịch bệnh hiệu quả mà còn góp phần nuôi dưỡng một thế hệ trẻ khỏe mạnh, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng./.