Thanh Hóa: Hiệu trưởng báo cáo cuối mỗi kỳ về quản lý dạy thêm của nhà trường

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đầu Thanh Tùng vừa ký Quyết định số 40/2025/QĐ-UBND ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/5/2025 và thay thế Quyết định số 2381/2012/QĐ-UBND ngày 27/7/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Quy định này quy định về dạy thêm, học thêm đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, bao gồm: trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm.

Quy định áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

 Ảnh minh họa: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.

Ảnh minh họa: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, tham mưu trong quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị có liên quan đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định này và quy định khác của pháp luật về dạy thêm, học thêm; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm (nếu có) về dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường công lập theo phân cấp quản lý. Khi có yêu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo phải tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài chính có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ sở dạy thêm theo đúng quy định của pháp luật; Chủ trì, phối hợp với sở giáo dục và đào tạo và các cơ quan liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí của tỉnh để tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường công lập;

Hướng dẫn thực hiện đúng các quy định quản lý kinh phí về dạy thêm, học thêm trong nhà trường; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh; Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) các thông tin liên quan về đăng ký kinh doanh và việc quản lý, sử dụng kinh phí về dạy thêm, học thêm trên địa bàn khi có yêu cầu.

Quy định cũng xác định các cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm quản lý việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các cơ sở dạy thêm; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các cơ sở dạy thêm, đồng thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh khi có yêu cầu.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh khác cũng có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm; tham gia kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định và tổng hợp các kiến nghị, đề xuất về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Định kỳ 6 tháng phải gửi văn bản cho Sở Giáo dục và Đào tạo về thông tin các cơ sở dạy thêm trên địa bàn.

Hiệu trưởng các trường xây dựng kế hoạch giáo dục, huy động kinh phí hợp pháp cho hoạt động dạy thêm, học thêm và tổng hợp nhu cầu kinh phí từ đầu năm học. Riêng hiệu trưởng trường công lập tổng hợp nhu cầu kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường (đầu năm học); đề nghị cấp quản lý trực tiếp tham mưu với các cơ quan quản lý cấp trên bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Quy định cũng đề cập rõ, hiệu trưởng chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và cơ quan cấp trên đối với mọi vi phạm trong, ngoài nhà trường liên quan đến hoạt động dạy thêm của giáo viên thuộc quyền quản lý.

Hiệu trưởng phải thực hiện báo cáo vào cuối mỗi học kỳ hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) về cơ quan quản lý trực tiếp công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường.

Các cơ sở dạy thêm chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp quản lý.

Minh Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thanh-hoa-hieu-truong-bao-cao-cuoi-moi-ky-ve-quan-ly-day-them-cua-nha-truong-post250950.gd
Zalo