Siết kiểm soát chất lượng sầu riêng Đắk Lắk, mở cơ hội xuất khẩu

VOV.VN- Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường, khoa học và công nghệ chính là 'chìa khóa' để ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk vượt qua thách thức.

Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát dư lượng Cadimi và chất vàng O trong sầu riêng nhập khẩu đang gây lo ngại cho người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu tại Đắk Lắk. Dù nguồn gốc các chất cấm này chưa được xác định rõ, nhưng hậu quả đã hiện hữu: giá sầu riêng giảm sâu, nông dân thất thu, doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong bối cảnh chính vụ thu hoạch đang đến gần, Đắk Lắk - địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng sầu riêng khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nguồn gốc gây dư lượng Cadimi và chất vàng O trong sầu riêng chưa được xác định rõ ràng khiến nhiều nông dân lo lắng.

Nguồn gốc gây dư lượng Cadimi và chất vàng O trong sầu riêng chưa được xác định rõ ràng khiến nhiều nông dân lo lắng.

Là một trong những hợp tác xã chuyên sản xuất sầu riêng tại Đắk Lắk, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 950 tấn sầu riêng quả tươi. Phần lớn sản lượng này được các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm 2024, doanh thu từ sầu riêng của Hợp tác xã đạt hơn 66 tỷ đồng, giúp nhiều thành viên cải thiện đáng kể đời sống.

Năm nay, bà con tiếp tục đầu tư chăm sóc, hy vọng vào một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, các quy định mới của Trung Quốc về kiểm tra dư lượng Cadimi và chất vàng O trong sầu riêng nhập khẩu đã khiến nhiều nông dân lo lắng. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập Đông, cho biết chưa từng được tập huấn hay cung cấp thông tin cụ thể nào về các chất này, cũng như cách kiểm tra, xử lý ra sao: “Về chất vàng O, chúng tôi rất bất ngờ và cũng không biết nó bắt nguồn từ đâu. Việc này phụ thuộc vào Cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời phát hiện nguyên nhân tồn dư chất này, từ đó triển khai cho hợp tác xã, rồi mới phổ biến đến người dân. Hiện tại, bà con không biết nó tồn tại ở giai đoạn nào, rất bị động”.

Không chỉ người trồng, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đứng ngồi không yên khi sầu riêng vướng những quy định mới. Ông Vũ Quang Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Bảo Tín - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản, cho biết phía Trung Quốc hiện kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng Cadimi và chất vàng O, buộc doanh nghiệp phải thận trọng hơn trong khâu thu mua, bảo quản và kiểm định. Tuy nhiên, nguồn gốc của các chất cấm vẫn chưa được làm rõ.

“Doanh nghiệp cũng không hiểu các chất này đến từ đâu. Có thể từ thùng đựng, tồn dư năm trước, hoặc lây nhiễm chéo trong quá trình kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn: lượng hàng đi được không nhiều, thủ tục lại phức tạp và kéo dài. Có xe hàng chờ đến cả tháng, nhưng đến khi được thông quan thì hàng đã hỏng”.

Theo Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, sầu riêng là một trong những cây trồng đang phát triển mạnh tại Đắk Lắk, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác còn lỏng lẻo; một số hộ dân chưa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đúng cách. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những phát sinh dư lượng thuốc, đặc biệt là cảnh báo về Cadimi. Tiến sĩ Phan Việt Hà cho rằng: đã đến lúc cần xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho sầu riêng và thay đổi thói quen canh tác.

“Các vấn đề này phải được giải quyết bằng phương pháp phát triển bền vững và lâu dài. Chẳng hạn, phải cải thiện sức khỏe của đất sau khi đánh giá hiện trạng xem có bị nhiễm vàng O hay Cadimi hay không. Viện sẽ phối hợp với Hiệp hội Sầu riêng để xây dựng quy trình canh tác dài hạn. Bà con cần nghĩ đến việc trồng sầu riêng theo hướng bền vững, tránh chạy theo năng suất cao trong thời gian ngắn mà tạo ra những hệ lụy về sau”.

Đắk Lắk hiện có khoảng 37.400 héc ta trồng sầu riêng, sản lượng dự kiến năm nay hơn 387.000 tấn.

Đắk Lắk hiện có khoảng 37.400 héc ta trồng sầu riêng, sản lượng dự kiến năm nay hơn 387.000 tấn.

Đắk Lắk hiện có khoảng 37.400 héc ta trồng sầu riêng, sản lượng dự kiến năm nay hơn 387.000 tấn. Tuy nhiên, diện tích được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn, chỉ có 68 mã số vùng trồng với hơn 2.500 héc ta và 23 cơ sở đóng gói. Trong vụ mùa sắp tới, bài toán đặt ra với tỉnh không chỉ là năng suất hay giá cả, mà còn là làm thế nào để mỗi trái sầu riêng rời vườn đều đảm bảo an toàn, không chứa các chất độc hại vượt ngưỡng cho phép và có thể thông quan thuận lợi.

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường, khoa học và công nghệ chính là "chìa khóa" để ngành hàng sầu riêng vượt qua thách thức. Hiệp hội đã ký kết hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhằm nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác sầu riêng giai đoạn 2025 - 2030.

“Chúng tôi xây dựng chương trình hợp tác vừa cấp thiết vừa lâu dài. Sắp tới sẽ lấy mẫu toàn tỉnh để đánh giá tình trạng nhiễm Cadimi và vàng O, từ đó xác định nguyên nhân tồn dư trong sản phẩm. Về lâu dài, chúng tôi sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở và sớm ban hành để kiểm soát chất lượng một cách chủ động”.

Đắk Lắk siết kiểm soát chất lượng, mở cơ hội xuất khẩu ngành hàng sầu riêng.

Đắk Lắk siết kiểm soát chất lượng, mở cơ hội xuất khẩu ngành hàng sầu riêng.

Với quy định nhập khẩu ngày càng chặt chẽ, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc, ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung buộc phải thay đổi nếu không muốn tự đánh mất lợi thế. Để làm được điều này, không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm nông dân mà cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, của công nghệ hiện đại. Cùng với đó là sự quyết tâm từ các bộ, ngành trong xây dựng giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề tồn dư chất cấm trong các sản phẩm nông sản hiện nay.

Hương Lý/VOV Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/siet-kiem-soat-chat-luong-sau-rieng-dak-lak-mo-co-hoi-xuat-khau-post1201132.vov
Zalo