Bài toán '4+4+2=10' bị giáo viên thẳng tay gạch sai, phụ huynh đòi giải thích và cái kết

Sau khi xem được bài toán của con bị giáo viên chấm sai, người mẹ cảm thấy khó hiểu nên đã tìm gặp cô giáo để yêu cầu giải thích.

Hiện nay, để kích thích tư duy logic và khả năng phân tích của học trò, ngay từ bậc tiểu học, các giáo viên đã lồng ghép các bài toán dạng đố mẹo. Tuy nhiên, cũng vì những bài toán mẹo nên không phải lúc nào học sinh cũng đưa ra được đáp án đúng. Thậm chí, cả phụ huynh cũng phải "bó tay" và cảm thấy khó hiểu với dạng đề bài đố mẹo này.

Trước đó, một phụ huynh ở Trung Quốc đã chia sẻ lên mạng xã hội một bài toán tiểu học của con mình. Theo đó, đề bài yêu cầu học sinh nhìn vào hình đã cho và điền phép tính thích hợp vào các ô trống.

Đề bài cho tiếp 4 ô vuông để học trò điền số và 2 ô tròn để điền dấu.

Qua hình ảnh, em học sinh phân tích: Đề bài cho 3 tốp gà: tốp 1 có 4 con, tốp 2 có 4 con, tốp 3 có 2 con. Do đó, em học sinh thực hiện đáp án: "4+4+2=10".

Đáng tiếc, đáp án này không những không được giáo viên công nhận mà còn bị gạch đi thẳng thừng.

Bài toán '4+4+2=10' bị giáo viên thẳng tay gạch sai.

Bài toán '4+4+2=10' bị giáo viên thẳng tay gạch sai.

Do cảm thấy khó hiểu trước cách chấm bài của giáo viên, người mẹ đã gặp trực tiếp giáo viên hỏi cho ra lẽ. Lúc này, giáo viên giải thích như sau: Đáp án đúng phải là: "8 - 4 + 2 = 6".

"Đây là một bài toán mẹo và chi tiết mà học sinh phải chú ý đến chính là hướng đi của đàn gà. 2 con gà phía bên phải quay mặt hướng vào trong, còn 4 con gà ở giữa quay mặt vào phía 2 con gà này, tạo thành một tốp. Còn 4 con gà phía bên trái quay lưng với số gà còn lại như đang tách đàn đi ra chỗ khác. Do đó, nhóm 8 con gà ban đầu phải trừ đi 4 con gà phía bên trái và cộng với 2 con gà đang gia nhập đàn thì mới chính xác", cô giáo nói.

Tuy nhiên, sau khi nghe lời giải thích của giáo viên, người mẹ vẫn không hài lòng vì cho rằng đề bài yêu cầu là "nhìn hình rồi điền đáp án thích hợp" nên học trò đưa ra đáp án "4+4+2=10" cũng không hề sai. Hơn nữa, đã là bài toán mẹo thì giáo viên nên tôn trọng cách phân tích của học sinh để chấm điểm linh động hơn. Sau đó, cô giáo có thể phân tích thêm góc nhìn khác chứ không nên chấm sai rạch ròi như vậy.

Nhiều cư dân mạng khác cũng đồng ý với ý kiến của người mẹ vì quả thực trong bài toán trên, đáp án "4+4+2=10" do học trò thực hiện cũng rất hợp lý.

Phương Linh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sao-hoc-duong/bai-toan-4-4-2-10-bi-gach-sai-me-tim-giao-vien-doi-giai-thich-202501081553288295.html
Zalo