Cấm dạy thêm, giáo viên trăn trở vì điều gì?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDDT quy định về dạy thêm, học thêm. Nhiều giáo viên rất trăn trở với Thông tư này khi cho rằng không ít quy định còn bất cập với thực tiễn dạy học hiện nay.
Dạy thêm trong nhà trường không thu học phí là bất khả thi
Bàn về dạy thêm, học thêm, giáo viên cho biết, nhiều học sinh có nhu cầu được học thêm trong trường.
Bởi vì, học sinh yếu cần học để tiến bộ hơn; học sinh khá, giỏi muốn giỏi hơn và toàn diện hơn; trong khi đó 45 phút thực học trên lớp thì không đủ.
Chưa kể, không ít môn Chương trình giáo dục phổ thông mới thì cả học kì chỉ có 1, 2 tiết dành cho việc ôn tập. Nếu nhà trường không phụ đạo, học sinh lớp 9, lớp 12 không được ôn tập thì bao nhiêu em có thể vượt qua kì thi tuyển sinh, xét tuyển vào đại học, nhất là những trường tốp đầu.
Cùng quan điểm, một giáo viên nói thêm, việc dạy ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong nhà trường không thu tiền học sinh là nan giải.
Hiện nay, ngân sách Nhà nước không cấp kinh phí cho việc dạy ôn thi tốt nghiệp. Giả sử Nhà nước bổ sung kinh phí thì việc tính thừa giờ cho giáo viên cũng không dễ thực hiện vì thiếu hành lang pháp lí.
Một giáo viên khác lo lắng, dạy thêm trong nhà trường không thu tiền thì bao nhiêu thầy cô giáo sẵn sàng dạy miễn phí? Dạy không thu phí là những giáo viên có điều kiện kinh tế, trên tinh thần tự nguyện. Nhưng đa phần thầy cô giáo đều phải lo cho bản thân và gia đình thì chuyện dạy miễn phí cũng khó lắm thay.
Vậy thì phụ huynh nghèo lấy tiền đâu mà thuê gia sư hay cho con, em học ở trung tâm? Rồi ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi chất lượng học tập của học sinh không đảm bảo?
Những gia đình không có điều kiện thì học sinh ở nhà tự học. Đáng nói, hiện nay hầu như em nào cũng có điện thoại thông minh, rồi bạn bè gọi nhau cả ngày, liệu những đứa trẻ có dễ vượt qua hay không?
"Học sinh có thể đăng kí học thêm tại trường hoặc ra trung tâm, tùy nguyện vọng các em và phụ huynh. Dạy thêm trong trường có chương trình, kế hoạch, được lãnh đạo giám sát về thời gian và chất lượng gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi giáo viên. Có điều không nên để việc dạy thêm trong trường trở thành dịch vụ giáo dục độc quyền", một giáo viên nêu quan điểm về Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm.
Một số nội dung quy định về dạy thêm, học thêm giáo viên cần nắm rõ
Thứ nhất, giáo viên công lập không được điều hành cơ sở dạy thêm. Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm, giáo viên trường công lập được đứng lớp để dạy thêm ngoài trường học nhưng không được tham gia điều hành hay quản lý việc dạy thêm này.
Thứ hai, giáo viên dạy thêm phải tuân thủ Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Cụ thể:
- Dạy thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên có nhu cầu, tự nguyện và được cha mẹ/người giám hộ đồng ý.
- Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
- Nội dung dạy thêm không trái luật Việt Nam, không mang định kiến sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội; không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục để đưa vào dạy thêm.
- Phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, không ảnh hưởng tổ chức chương trình giáo dục của nhà trường, thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
- Thời lượng, thời gian, địa điểm, hình thức dạy thêm phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe, phòng cháy, chữa cháy tại nơi tổ chức lớp dạy thêm.
Thứ ba, để được dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên không được tổ chức dạy thêm mà chỉ được tham gia làm giáo viên đứng lớp dạy và đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT gồm:
- Phải có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn phù hợp với môn học dạy thêm.
- Báo cáo với Hiệu trưởng/Giám đốc/người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Theo quy định này, giáo viên trường công không được tổ chức các lớp dạy thêm ngoài trường học mà thực chất chỉ tham gia đứng lớp dạy thêm học sinh cho cá nhân, tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đã đăng ký kinh doanh.
Riêng giáo viên trường tư thì không bị hạn chế này. Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức khi mở cơ sở dạy thêm phải đảm bảo các điều kiện trên và các điều kiện sau đây:
- Đăng kí kinh doanh;
- Công khai về các môn học; thời lượng với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm trên Cổng thông tin điện tử/niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở.