Siết chặt kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương sẽ kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu không phân biệt quy mô lớn, nhỏ

Theo chương trình kiểm tra năm 2024 được phê duyệt, Bộ Công Thương kiểm tra 6 doanh nghiệp (DN) đầu mối, 8 thương nhân phân phối xăng dầu về việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh.

Xử phạt nhiều doanh nghiệp

"Tất cả DN không phân biệt quy mô đều sẽ có kế hoạch kiểm tra" - đại diện Bộ Công Thương cho biết. Kết quả kiểm tra 4 thương nhân đầu mối và 20 thương nhân phân phối vừa được Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) công bố cho thấy nhiều vi phạm và đã xử lý theo quy định.

Trong đó, lực lượng QLTT đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt 35 triệu đồng với Công ty CP Dầu khí Nam Long, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Petrol Thành Phát HP, Công ty CP Thương mại Nhiên liệu Cửu Long, Công ty CP Nhiên liệu Đông Sài Gòn về hành vi không đăng ký hệ thống phân phối. Công ty TNHH Lan Lê cũng bị phạt 95 triệu đồng với các hành vi như không đáp ứng điều kiện cũng như không đăng ký hệ thống phân phối. Ngoài ra, qua kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện một số DN không còn hoạt động hoặc đang tạm dừng kinh doanh như Công ty CP Dầu khí và Dịch vụ Hàng Hải D.T.D (Hải Phòng), Công ty TNHH Thương mại Xăng dầu Hoàng Lâm Petrol (Hải Phòng), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư và Phát triển Thành Phát (Hà Nội).

Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới sẽ được bảo đảm

Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới sẽ được bảo đảm

Theo báo cáo tổng hợp từ các thương nhân đầu mối, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13,8 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 48% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao (28,44 triệu m3/tấn), giảm 0,28% so với 6 tháng đầu năm 2023 (6 tháng đầu năm 2023 đạt 14,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại). Bộ Công Thương đã chỉ ra có 2 thương nhân không thực hiện tổng nguồn; 3 thương nhân thực hiện không đạt tổng nguồn tối thiểu theo quý đã đăng ký; 3 thương nhân thực hiện thấp (dưới 7%) đã ảnh hưởng đến tình hình thực hiện tổng nguồn của cả nước trong nửa đầu năm 2024.

Không để đứt nguồn cung

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, khẳng định việc kiểm tra, xử lý sai phạm của một số DN xăng dầu sẽ không ảnh hưởng tới nguồn cung trong nước từ nay đến cuối năm. Theo bà Hiền, nhiều DN đầu mối báo cáo tổng nguồn tối thiểu đầy đủ, xăng dầu đầy kho nên không lo thiếu nguồn cung. Việc kiểm tra DN sẽ giúp thanh lọc thị trường xăng dầu, tạo cạnh tranh lành mạnh. Thực tế, Bộ Công Thương mới yêu cầu DN báo cáo điều kiện, song một số thương nhân đã chủ động xin trả giấy phép do không thể đáp ứng.

Theo một thương nhân phân phối xăng dầu, khó xảy ra nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu do chiết khấu xăng dầu vẫn được duy trì ở mức cao khoảng 1.200 đồng/lít, tùy mặt hàng. Bộ Công Thương dự báo tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu 6 tháng cuối năm 2024 (theo báo cáo của các thương nhân) ước khoảng 13,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước sẽ chịu tác động lớn từ thế giới. Trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như tình trạng căng thẳng tại khu vực Trung Đông tăng cao; xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; OPEC+ đã thống nhất sẽ cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1,4 triệu thùng/ngày, áp dụng trong cả năm 2024... sẽ tác động đến nguồn cung và giá cả hàng hóa, nhất là giá dầu.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian tới, Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và kế hoạch đăng ký theo từng quý. Đồng thời, bộ sẽ theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối, nhất là những thương nhân đạt thấp; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố điều tiết, bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng nếu thị trường hoạt động chưa được trôi chảy thì Bộ Công Thương cần xem xét lại các quy định điều kiện kinh doanh hiện hành có còn hợp lý hay không để hỗ trợ DN.

ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, đề nghị ngành xăng dầu cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế quản lý, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng cho DN. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kho cảng, vận chuyển để giảm chi phí logistics; có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động của DN, ngăn chặn tình trạng gian lận, buôn lậu xăng dầu.

N.Hải

Bài và ảnh: Lê Thúy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/siet-chat-kinh-doanh-xang-dau-196240810211749977.htm
Zalo