Sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc để Việt Nam trở thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới

'Việt Nam – Điểm đến mới của điện ảnh thế giới' là chủ đề cuộc tọa đàm trực tuyến diễn ra vào sáng 10-9 tại Hà Nội. Sự kiện do Báo Nhân dân phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức.

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Tham dự cuộc tọa đàm có đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cùng lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đại diện một số địa phương có tiềm năng du lịch, Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam và đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành.

Cuộc tọa đàm hướng đến làm rõ tiềm năng, thực trạng hợp tác phát triển du lịch - điện ảnh của Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch nói chung, hợp tác du lịch - điện ảnh nói riêng, tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam; khẳng định vai trò của ngành du lịch và ngành điện ảnh đối với nền kinh tế đất nước.

Ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

Ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

Chia sẻ mở đầu cuộc tọa đầm, ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, để việc quảng bá du lịch Việt Nam thông qua điện ảnh thì việc đổi mới phương thức, nội dung là nhiệm vụ bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, trong thời gian vừa qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu cho Bộ VHTT&DL triển khai một số nội dung quảng bá trong đó có kết hợp du lịch với hàng không, đườmg sắt, nông thôn…và bước đầu có kết quả nhất định. Ông Nguyễn Trùng Khánh nói thêm, trên thực tế thì hiện nay điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của mọi người, ở các quốc gia có nền điện ảnh phát triển (Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc…) có không ít bộ phim “bom tấn” mang lại giá trị kinh tế lớn lên tới hàng tỷ USD, qua đó nhiều điểm đến du lịch trở nên nổi tiếng và thu hút đông đảo khách du lịch. Ví dụ như phim “The Lord of the Rings” (2001) góp phần tăng 50% lượng khách du lịch đến NewZealand so với cùng kỳ; hay nhờ phim “Harry Potter” mà lượng khách du lịch đến các điểm quay bộ phim này đã tăng tới hơn 200%...

“Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến, trường quay cho các phim bom tấn. Đối tượng chúng ta hướng đến là các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, các nhà làm phim, hãng sản xuất phim nổi tiếng…nên cần có sự phối hợp một cách tốt hơn. Chúng ta cần tận dụng lợi thế này để chuẩn bị các điều kiện xúc tiến quảng bá khi các phim bom tấn được quay tại nước mình.” – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định.

Có mặt tại cuộc tọa đàm, ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình đã có những trao đổi và chia sẻ cởi mở về thành công bước đầu của địa phương này khi đưa Ninh Bình trở thành một trong những điểm đến lý tưởnhg của các đoàn phim nước ngoài. Cụ thể, đại diện Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, ngay từ khi Ninh Bình bắt đầu phát triển du lịch đã manh nha gắn với điện ảnh. Điển hình là khu du lịch Tam Cốc – Bích Động sau khi trở thành bối cảnh quay xuất hiện trong phim điện ảnh “Đông Dương” (1992) thì đã thu hút nhiều du khách ghé thăm, trong đó chiếm phần lớn là đến từ nước Pháp. Hiện nay thì khách tham quan khu du lịch này vẫn chủ yếu đến từ khu vực châu Âu, chiếm tới hơn 70% tổng số du khách nước ngoài ở khắp nơi trên thế giới.

Sau khi phim “bom tấn” – “Kong: Skull Island” (2017) quay tại khu du lịch Tràng An thì Ninh Bình cũng đã đẩy mạnh việc tái hiện lại bối cảnh quay, trường quay bộ phim này, thu hút đông đảo khách du lịch, tính riêng thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 đã có tới 6-7 triệu lượt khách, trong đó khách tham quan Tràng An chiếm tới hơn 60%.

“Trước đây Tràng An là sản phẩm du lịch mới, năm 2009 mới được đưa vào khai thác, đến năm 2014 mới được vinh danh, khách du lịch khi ấy chủ yếu là trong nước. Đến thời điểm hiện nay, lượng khách quốc tế tăng lên đáng kể, lan tỏa hình ảnh sản phẩm điểm đến. Tôi nghĩ điện ảnh có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. – ông Bùi Văn Mạnh cho biết, đồng thời cũng bày tỏ băn khoăn về việc địa phương này hiện vẫn đang gặp một số hạn chế trong vấn đề hỗ trợ các đoàn phim như: điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, mặt bằng…nên mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp tổng thể để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh, có cơ chế chính sách thiết thực để thu hút các đoàn phim đến Ninh Bình nói riêng và các tỉnh thành khác của Việt Nam nói chung.

TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam

TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam

Xoay quanh chủ đề của cuộc tọa đàm, TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam chia sẻ, với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành điện ảnh, bà nhận thấy khi thực hiện một tác phẩm điện ảnh thì không nên du lịch hóa, nói cách khác là tìm mọi cách để đưa thông điệp du lịch vào trong phim vì làm như thế vô hình chung cả hai yếu tố đều không đạt được hiệu quả. Một ví dụ tiêu biểu cho sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này chính là bộ phim “Hoa vàng trên cỏ xanh” (phim do Nhà nước và tư nhân cùng sản xuất). Về bộ phim từng được xem là “hiện tượng” giúp bối cảnh quay Phú Yên trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, TS Ngô Phương Lan cho biết, thời điểm đặt hàng sản xuất bộ phim này (Nhà nước đặt hàng, hỗ trợ một phần kinh phí – PV), phía Cục Điện ảnh đã phải mất 2-3 năm khai thông cơ chế, đưa dự án vào thực hiện, còn phía Hãng phim cũng đã cố gắng hết sức để làm tốt nhất việc quảng bá du lịch cho địa phương.

Cũng theo TS Ngô Phương Lan, gần đây bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất là “Đào, phở và piano” gây “sốt” mạng xã hội, sau đó được một số đơn vị phát hành tự bỏ tiền ra để chiếu ngoài rạp, doanh thu nộp về ngân sách Nhà nước. Việc làm này theo TS Ngô Phương Lan thì chỉ là nhất thời, thể hiện lòng hảo tâm của các doanh nghiệp, còn về lâu dài thì vẫn cần có cơ chế thúc đẩy phù hợp thì du lịch mới có thể lan tỏa được.

TS Ngô Phương Lan nói thêm, Luật Điện ảnh năm 2022 đã nhiều quy định mới, có nhiều khung pháp lý để tạo ra các cơ chế, tuy nhiên hiện cơ chế và các văn bản về luật thì gần như vẫn chưa có. Còn về cơ chế tài chính thì chúng ta có chính sách giảm thuế, ưu đãi thuế cho nhà làm phim nhưng trong Luật thuế thì chưa có quy định này, vì thế Bộ VHTT&DL đã phải nỗ lực phối hợp với Bộ Tài chính để làm sao tạo ra các ưu đãi khi các đoàn làm phim đến Việt Nam. Như Thái Lan hàng năm thu hút cả trăm đoàn làm phim lớn nhỏ, trong khi Việt Nam tính riêng trong năm vừa qua thì số lượng đoàn phim quốc tế đến quay đếm chưa hết một bàn tay. Việc chưa có những ưu đãi cụ thể về thuế, chính sách hoàn thuế…sẽ khiến các đoàn phim chọn sang các nước có cảnh quay tương tự để quay, khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội.

“Tôi rất sợ nói vẻ đẹp tiềm ẩn, tiềm năng, vì cứ nói thế thì 30 năm nữa, chúng ta vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta từng một lúc đón 3 đoàn làm phim lớn là: Đông Dương, Người tình, Điện Biên Phủ. Nhưng tới giờ số lượng các đoàn phim đến Việt Nam vẫn chưa có nhiều, vẫn đếm trên đầu ngón tay.” – TS Ngô Phương Lan thẳng thắn chia sẻ và cho biết, năm 2017, Cục Điện ảnh từng có gian hàng “Điện ảnh Việt nam” tại LHP Cannes, trong đó quảng bá bối cảnh quay cho Ninh Bình và nhiều nơi khác. Slogan của sự kiện này khi đó là “Việt Nam – Điểm đến mới của các bộ phim bom tấn”. Cũng trong năm đó, Cục Điện ảnh đã ký được biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Điện ảnh Quốc gia Pháp, tiếc là sau đó mọi việc chưa triển khai được nhiều. Đến năm 2019, Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam được thành lập với mong muốn nối tiếp những công việc ý nghĩa và hiệu quả cho ngành điện ảnh nước nhà.

TS Ngô Phương Lan cũng tiết lộ, sắp tới Hiệp hội có kế hoạch ký biên bản hợp tác với tỉnh Ninh Bình và một số địa phương khác để thúc đẩy phát triển điện ảnh. Hiệp hội đã gợi ý Ninh Bình nên theo mô hình trường quay phim cổ trang khi địa phương này có ý định phát triển trường quay và lĩnh vực điện ảnh.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong

Phát biểu tổng kết cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong cho biết, thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính Phủ giao, Bộ đã và đang phối hợp với các ngành, làm đầu mối xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2023. Trong chiến lược này thì ngành điện ảnh và du lịch cũng sẽ được lưu tâm phát triển và thúc đẩy mạnh mẽ hơn, tiến tới tháo gỡ các vướng mắc về thuế mà cả các luật liên quan khác.

Tới đây, một đoàn công tác của Bộ cùng các đơn vị, tổ chức xã hội hóa cũng sẽ thực hiện chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ, sự kiện dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều đạo diễn nổi tiếng, các hãng phim, công ty điện ảnh và những diễn viên có tầm ảnh hưởng của Hollywood. Trong chuyến xúc tiến này, Bộ VHTT&DL đặt ra một số mục tiêu như xác định rõ đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người, bối cảnh làm phim, du lịch, hợp tác, tiến hành quảng bá gắn liền với các sản phẩm du lịch, văn hóa, thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ tập trung vào việc kết nối doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm chủ thể. Bước đầu, có 5 hợp đồng sẽ được ký kết trong chuyến xúc tiến này, trong đó các địa phương cam kết sẽ bảo trợ và có cơ chế hỗ trợ các đoàn làm phim Mỹ.

“Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng cũng tồn tại một số điểm nghẽn, chưa bắt nhịp với dòng chảy chung, cho nên chúng ta cần có những chính sách cụ thể. Tôi được biết một số địa phương, doanh nghiệp du lịch sẵn sàng hỗ trợ về phòng nghỉ, máy bay, kể cả nhân lực, hạ tầng... cho đối tác để phát triển xúc tiến.” – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ An Phong chia sẻ.

Chúc An

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/se-thao-go-nhieu-vuong-mac-de-viet-nam-tro-thanh-diem-den-moi-cua-dien-anh-the-gioi-post588985.antd
Zalo