Nhà băng tung gói vay ưu đãi, đón nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng dịp cuối năm
Đón nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng dịp cuối năm, các ngân hàng đã dành nguồn vốn ưu đãi dồi dào, cùng giải pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Nhiều gói vay ưu đãi
Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 7/9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,15% so với đầu năm. Trước đó, nhà điều hành cũng công bố, tính đến 26/8, con số này mới ở mức 6,63%. Như vậy trong 2 tuần gần đây, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,52%, tương đương có khoảng 9.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế.
Mặc dù tín dụng diễn biến theo xu hướng tháng sau tăng trưởng cao hơn tháng trước, nhưng con số 7,15% vẫn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm mà Ngân hàng Nhà nước đạt ra là khoảng 15%.
Dù vậy, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: “Năm nay, nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là khoảng 15% do xu hướng chung của tình hình kinh tế đã khởi sắc rất nhiều, tốc độ tăng trưởng trên tất cả các mặt được đánh giá rất tích cực”.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, quan trọng nhất lúc này là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng. Tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân như tung ra các mức lãi suất cho vay với nhiều ưu đãi.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã triển khai loạt chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng cá nhân tìm kiếm nguồn vốn mở rộng kinh doanh trước mùa cao điểm cuối năm. Cụ thể, gói vay vốn kinh doanh của ngân hàng này chỉ có lãi suất từ 4,99%, thời gian vay tới 24 tháng. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ triển khai giải ngân “thần tốc” trong vòng 3 ngày, giúp khách hàng kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Ông Khương Đức Tiệp - Phó Tổng giám đốc thường trực ABBANK - chia sẻ: “Trong năm 2024, chúng tôi đã và đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân. Các gói ưu đãi của ABBANK hướng đến sự đa dạng lĩnh vực và mục đích sử dụng, đáp ứng tối đa các lựa chọn của khách hàng, mang lại nhiều lợi ích, phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính của mỗi người”.
Tương tự, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời hỗ trợ khách hàng phát triển, kinh doanh, chuẩn bị giai đoạn cuối năm 2024. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng triển khai gói vay với ưu đãi lãi suất chỉ từ 5,2%/năm, thời gian vay 24 tháng, hạn mức vay lên đến 10 tỷ đồng.
Lãnh đạo OCB cho biết, đây là cơ hội giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm bớt gánh nặng lãi suất và tận dụng nguồn vốn hiệu quả cho các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất hoặc cải tiến công nghệ. Đặc biệt, quy trình vay vốn tại OCB cam kết nhanh gọn, thủ tục đơn giản và đội ngũ nhân viên sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn giải pháp phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp.
Trước đó, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vốn vay trong gian đoạn nửa cuối năm, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) triển khai gói cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn với lãi suất vay chỉ từ 4,75%/năm. Điểm nổi bật của gói vay này là thủ tục nhanh gọn, chỉ trong vòng 8 giờ, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Eximbank còn linh hoạt về chứng từ kinh doanh lên đến 7,5 tỷ đồng và cho phép khách hàng lựa chọn kỳ hạn thanh toán phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế.
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Tổng giám đốc Phạm Như Ánh - cho biết, để thúc đẩy tín dụng từ nay tới cuối năm, ngân hàng đã phân nhóm các ngành nghề trong hoạt động tín dụng để phân bổ room tăng trưởng và điều hành hoạt động kinh doanh. Trong đó, tiếp tục định hướng vào danh mục bán lẻ, cho vay sản xuất - kinh doanh, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Tính đến gần cuối tháng 8/2024, tăng trưởng tín dụng của MB đạt 10,44% (hơn 679.000 tỷ đồng). MB dự kiến sẽ được tăng trưởng thêm khoảng 14.000 tỷ đồng và ngân hàng đã sẵn sàng với kế hoạch tăng trưởng 20 - 25% nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm
Theo nhận định của các chuyên gia, bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2024 có nhiều điểm sáng tích cực, sôi động hơn. Các chỉ số kinh tế như tăng trưởng GDP, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư công đều có xu hướng phục hồi mạnh mẽ.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, tình hình kinh tế vĩ mô tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024 ổn định, các hoạt động kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực hơn. Mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường song trong nước, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19, khẳng định sự phục hồi rõ nét.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4 - 4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Liên quan đến hoạt động tín dụng, sau khi giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng (khoảng 15%) theo nguyên tắc thông báo, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát tình hình thực hiện chỉ tiêu của các tổ chức tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, yêu cầu tổ chức tín dụng trong trường hợp căn cứ nhu cầu thực tiễn không sử dụng hết chỉ tiêu được phân bổ thì chủ động báo cáo để điều hòa trong hệ thống.
Kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu đã thông báo đầu năm 2024 được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng sẽ mở rộng đầu tư, từ đó góp phần tăng trưởng nền kinh tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hạ lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay những khoản mới trung bình hiện nay là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023; trong khi lãi suất huy động là 3,84%, có tăng 0,23%, mức tăng rất nhỏ.
“Lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều này cho thấy các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp từ nguồn lợi nhuận của mình, tức phải trả cho lãi suất cao hơn cho người gửi nhưng tiền cho vay lại giảm, chênh lệch đầu vào đầu ra sẽ thu hẹp và lợi nhuận của các ngân hàng thương mại năm nay chắc là có phần giảm hơn những năm trước” - lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá.
Giới chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế chung còn nhiều khó khăn, việc các nhà băng liên tục đưa ra nhiều gói cho vay lãi suất ưu đãi cùng quy trình thủ tục nhanh gọn là vô cùng thiết thực. Có được dòng vốn giá rẻ sẽ giúp người dân, doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.