Seaspimex (SPV) đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng cho năm 2025, dù ghi nhận kết quả 2024 tích cực
CTCP Thủy Đặc Sản (Seaspimex, mã ck: SPV) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với những con số ấn tượng, đánh dấu mức cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức từ thị trường, trong năm 2025, Công ty đặt ra kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu và lợi nhuận giảm so với năm 2024.

Theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, Seaspimex đạt doanh thu 564 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng đạt hơn 21 tỷ đồng, tăng 18% - cao nhất kể từ năm 2017. Biên lợi nhuận gộp đạt 21,16%, tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng từ năm 2015.
Một trong những động lực chính giúp Seaspimex đạt được kết quả tích cực là nhờ vào hoạt động xuất khẩu. Công ty ghi nhận doanh thu xuất khẩu vượt kế hoạch, đạt hơn 17 triệu USD, cao hơn so với mục tiêu 16 triệu USD đề ra. Hai nhà máy của Công ty tại Bình Chánh (TP HCM) và Ba Tri (Bến Tre) đều vận hành thuận lợi, trong đó doanh thu tại nhà máy Ba Tri đạt gấp 3 lần so với kỳ vọng ban đầu. Nhờ kết quả kinh doanh khả quan, Seaspimex đã vượt 26% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế.
Đại diện Seaspimex cho biết, năm qua xuất khẩu vẫn là động lực chính thúc đẩy doanh thu. Các sản phẩm chủ lực như ghẹ đóng hộp và đùi ếch tiếp tục duy trì doanh số ổn định, trong khi Công ty đẩy mạnh cải tiến sản phẩm và mở rộng ngành hàng xúc xích để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Tuy nhiên, ngành hàng cá ngừ, vốn là mặt hàng chủ lực lại đang đối mặt với không ít khó khăn.
Sự cạnh tranh về giá trong ngành hàng này ngày càng gay gắt, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như EU và Mỹ có dấu hiệu chững lại. Trong khi, EU duy trì các rào cản kỹ thuật khắt khe đối với thủy sản nhập khẩu, từ quy định truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đến tiêu chuẩn khai thác bền vững, gây áp lực lớn lên Seaspimex trong việc đáp ứng các yêu cầu kiểm soát chất lượng.
Ngoài ra, chi phí logistics cũng tăng cao do bất ổn tại các tuyến vận tải biển trọng yếu, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Seaspimex. Bên cạnh đó, xuất khẩu ếch đông lạnh cũng gặp khó khăn khi các thị trường lớn như Mỹ và EU siết chặt quy định về dư lượng kháng sinh, nâng cao tiêu chuẩn nuôi trồng.
Không chỉ gặp khó khăn trong xuất khẩu, Seaspimex còn đối mặt với vấn đề nhân lực. Việc tuyển dụng và giữ chân lao động phổ thông ngày càng khó khăn, khi môi trường làm việc khắc nghiệt và chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nhiều lao động chuyển sang ngành nghề khác. Công ty cũng phải đối mặt với áp lực nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và trang thiết bị sản xuất để duy trì chất lượng sản phẩm, tăng năng suất.
Trước những thách thức trên, Seaspimex đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2025 với dự kiến doanh thu đạt 550 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 25 tỷ đồng, giảm so với kết quả đạt được trong năm 2024. Sản lượng sản xuất và gia công dự kiến giảm, nhưng giá trị xuất khẩu kỳ vọng tăng 6,6%, đạt 18,4 triệu USD, với động lực chính từ nhà máy Ba Tri.
Để thích ứng với thị trường, Seaspimex cho biết sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Công ty cũng có kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa dây chuyền công nghệ, giảm phụ thuộc vào lao động thủ công và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, Seaspimex sẽ tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm và khách hàng gia công nhằm giảm thiểu rủi ro. Đối với ngành hàng cá ngừ, Công ty dự kiến theo sát các quy định mới từ EU và đẩy mạnh hợp tác với các nhà cung cấp nguyên liệu có chứng nhận khai thác bền vững để đảm bảo khả năng xuất khẩu ổn định.