Sẽ quy định cụ thể về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng dự thảo Thông tư Hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói với các quy định nghiêm ngặt về điều kiện canh tác, an toàn thực phẩm...

Công nhân dán tem sầu riêng để phục vụ cho công tác xuất khẩu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Công nhân dán tem sầu riêng để phục vụ cho công tác xuất khẩu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Tại Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 24/, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã giới thiệu dự thảo Thông tư Hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Lơ là trong công tác quản lý vì thiếu các quy định

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Đến nay, cả nước đã có 8.086 mã số vùng trồng tại 56 tỉnh thành phố và 1.597 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Newzealand, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…. Tuy nhiên, Việt Nam liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật từ các thị trường.

Ở trong nước, hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng; tranh chấp về quyền sở hữu mã số vẫn còn diễn ra ở một vài nơi. Tình hình vi phạm này đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.

Hiện nay, các cơ quan chức năng chưa có quy định hướng dẫn cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Các quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng chưa có.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá sự thiếu các quy định dẫn đến một số địa phương lơ là trong công tác quản lý, không thực hiện giám sát định kỳ, theo quy định của nước nhập khẩu.

 Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thông qua mã số vùng trồng. (Ảnh: TTXVN)

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thông qua mã số vùng trồng. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy các chủ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói chưa ý thức rõ trách nhiệm trong việc duy trì việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật lại chưa có các chế tài xử lý vi phạm liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Xuất phát từ đòi hỏi từ thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng Thông tư Hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Quy định yêu cầu nghiêm ngặt với vùng trồng và cơ sở đóng gói

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Văn bản đặt ra yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt đối với cả vùng trồng và cơ sở đóng gói, từ điều kiện canh tác, ghi chép truy xuất đến kiểm soát an toàn thực phẩm và sinh vật gây hại.

Theo dự thảo, vùng trồng muốn được cấp mã phải sản xuất tập trung một loại cây trồng, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP hoặc tương đương), sử dụng bảo vệ thực vật đúng quy định và duy trì vệ sinh đồng ruộng. Cơ sở đóng gói cần đảm bảo sơ chế theo quy trình một chiều, có biện pháp phòng chống tái nhiễm, đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc sản phẩm và hóa chất sử dụng.

Dự thảo đưa ra 3 phương án phân cấp cơ quan có thẩm quyền cấp mã số gồm cấp tỉnh, cấp xã hoặc linh hoạt theo điều kiện địa phương. Với sản phẩm xuất khẩu, dữ liệu mã số sẽ được tổng hợp để phục vụ đàm phán và kiểm tra theo yêu cầu từ nước nhập khẩu.

Việc giám sát mã số sẽ được thực hiện định kỳ hàng năm, cập nhật kết quả lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ quan địa phương có quyền tạm dừng hoặc thu hồi mã số nếu phát hiện vi phạm trong quá trình giám sát hoặc có thông báo từ đối tác nhập khẩu.

Thông tư cũng đề xuất áp dụng mã số cho thị trường nội địa nhằm từng bước đồng bộ hệ thống, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc toàn diện. Các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch triển khai, bố trí nguồn lực và tập huấn cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, các quy định tại dự thảo được xem là bước đi cần thiết trong bối cảnh nhiều thị trường ngày càng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, buộc nông sản Việt phải nâng chuẩn nếu muốn duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được xem là khâu then chốt trong bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Hiện cả nước có 1.396 mã vùng trồng sầu riêng được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn so với diện tích trồng khoảng 180.000ha.

“Việc tăng cường kiểm soát các chủ sở hữu mã vùng và cơ sở đóng gói là cần thiết để nâng cao tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc và duy trì uy tín của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế,” ông Huy chia sẻ./.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/se-quy-dinh-cu-the-ve-quan-ly-ma-so-vung-trong-co-so-dong-goi-phuc-vu-xuat-khau-post1040458.vnp
Zalo