Lãnh đạo ba tỉnh và chuyên gia hội bàn phát triển Ninh Bình sau sáp nhập

Ngày 24/5, tại thành phố Hoa Lư, (Ninh Bình), Hội thảo 'Tham vấn về định hướng phát triển ngành - lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, vùng động lực gắn với tổ chức lại không gian phát triển Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050' đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo ba tỉnh, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Không gian mới – Tiềm năng lớn

Ông Trương Quốc Huy – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại hội thảo.

Ông Trương Quốc Huy – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo là hoạt động khởi động quan trọng, nhằm chuẩn bị cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập. Nội dung trọng tâm là nhận diện toàn diện tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển ngành - lĩnh vực chủ lực, tổ chức không gian phát triển hợp lý, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực và thúc đẩy phát triển bền vững.

Sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình mới sẽ có diện tích gần 3.900km², dân số hơn 4,4 triệu người, trở thành một trong những đơn vị hành chính có quy mô lớn tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2024, tổng quy mô kinh tế của ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình ước đạt trên 310.000 tỷ đồng; thu ngân sách hơn 55.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 17,56 tỷ USD.

Tỉnh mới sở hữu vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, hành lang kết nối Bắc Trung Bộ – Đồng bằng sông Hồng, với nhiều tầng giá trị về di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và hệ thống danh thắng nổi tiếng như Tràng An, Tam Chúc, Vụ Bản, Phủ Giày...

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Quốc Huy – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, việc sáp nhập ba tỉnh sẽ giúp tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường quy mô kinh tế, cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, mở rộng không gian phát triển và khai thác hiệu quả các nguồn lực như kinh tế biển, du lịch, công nghiệp và logistics.

Ba nội dung trọng tâm

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn phát biểu tại hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo tập trung vào ba chủ đề lớn gồm: Nhận diện tiềm năng, lợi thế và bối cảnh quốc tế - khu vực ảnh hưởng đến tỉnh Ninh Bình mới; Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực và không gian kinh tế trọng điểm; Xác định con đường phát triển và mục tiêu đến năm 2035 – xây dựng Ninh Bình mới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mang đặc trưng đô thị di sản.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn nhấn mạnh, đây là “cơ hội vàng” để tái cấu trúc toàn diện không gian phát triển, giải phóng các điểm nghẽn hiện hữu, huy động và phát huy tối đa mọi nguồn lực. Việc sáp nhập là thời điểm lý tưởng để định vị lại ngành – lĩnh vực theo đặc trưng của từng vùng, từ du lịch di sản, nông nghiệp đặc hữu đến công nghiệp công nghệ cao, logistics, và phát triển biển xanh bền vững.

Định hướng chiến lược đa ngành, đa trung tâm

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương phát biểu tại hội thảo.

Các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo đều thống nhất cao về mô hình phát triển đa trung tâm, bền vững, với các trụ cột chính: Công nghiệp xanh và công nghệ cao; Du lịch di sản – sinh thái – biển; Kinh tế số và logistics thông minh; Nông nghiệp đặc hữu, sinh thái, đa giá trị và Công nghiệp văn hóa, giải trí gắn với di sản.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương và GS.TS Đào Xuân Học khẳng định: Khu vực hợp nhất có tiềm năng lớn về công nghiệp văn hóa, cần lập bản đồ điểm đến di sản, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gắn với du lịch, nghệ thuật, lễ hội.

GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, việc tích hợp không gian hành chính mới mở ra cơ hội lớn cho kinh tế số và đổi mới sáng tạo, cần hình thành các khu công nghệ, trung tâm khởi nghiệp. TS Nguyễn Đức Toàn và KTS Trần Ngọc Chính đồng thuận đẩy mạnh phát triển hành lang kinh tế ven biển, đầu tư cho logistics, năng lượng tái tạo, và đô thị biển sinh thái.

Từ “tĩnh” sang “động” – Biến tiềm năng thành động lực

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh ba định hướng cốt lõi: Nhận diện toàn diện các tiềm năng hữu hình và vô hình; Tái cấu trúc vùng động lực phát triển; Định vị vai trò, vị thế Ninh Bình mới trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo ông Huấn, cần chuyển hóa các nguồn lực tĩnh (như vị trí địa lý, di sản, đất đai, văn hóa) thành động lực tăng trưởng – tức là tài sản được vốn hóa, khai thác có chiến lược, kết nối liên vùng và hội nhập quốc tế. Du lịch, văn hóa, công nghệ, giáo dục và đô thị sinh thái cần được xác định là các lĩnh vực đột phá chiến lược.

Với đặc điểm sông – biển – núi – đồng bằng, tỉnh cũng có điều kiện phát triển mạnh các đô thị ven sông, ven biển gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Nông nghiệp cần chuyển dịch sang mô hình sinh thái, đa giá trị, tích hợp du lịch và bảo tồn cảnh quan.

Đặc biệt, Ninh Bình mới sẽ không chỉ là vệ tinh hay đối trọng của các siêu đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, mà cần xác lập là “đô thị đối ngẫu” – nghĩa là bổ khuyết những điểm thiếu hụt, đồng thời dẫn dắt xu thế phát triển về du lịch, giáo dục, khoa học – công nghệ của vùng.

Ông Đoàn Minh Huấn bày tỏ lòng cảm ơn các chuyên gia, doanh nghiệp đã tham gia hội thảo, đồng thời khẳng định tỉnh sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, triển khai thêm các hội nghị chuyên đề để hoàn thiện chiến lược phát triển tổng thể, đột phá và bền vững cho giai đoạn tới.

Minh Đức

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lanh-dao-ba-tinh-va-chuyen-gia-hoi-ban-phat-trien-ninh-binh-sau-sap-nhap-post1745177.tpo
Zalo