Sẽ có các cơ chế, chính sách cho Khu Thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, trong đó thành lập và các cơ chế, chính sách trong khu Thương mại tự do thế hệ mới tại TP Hải Phòng với 17 chính sách.

Phiên họp Thường vụ sáng 17/4. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Phiên họp Thường vụ sáng 17/4. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Sáng 17/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng.

Trình bày Báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra rằng TP Hải Phòng đã đạt được một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao; khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế đóng góp cho phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phát triển liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Đóng góp cho cả nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, chủ yếu dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); quy hoạch, đô thị, đất đai, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đồng bộ; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự đột phá…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Báo cáo tóm tắt. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Báo cáo tóm tắt. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội cho thấy một số cơ chế, chính sách đã thực hiện đạt được kết quả nhất định nhưng chưa tạo ra sự phát triển đột phá của TP; một số cơ chế, chính sách chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm; còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực lan tỏa.

Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng để khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo đột phá, có sức lan tỏa lớn trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước là cần thiết và phù hợp với mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Kết luận số 96-KL/TW.

Dự thảo Nghị quyết quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: Quản lý đầu tư; Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP Hải Phòng quản lý; đặc biệt là thành lập và các cơ chế, chính sách trong khu Thương mại tự do thế hệ mới tại TP Hải Phòng với 17 chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và nhận thấy hồ sơ cơ bản đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, cùng với việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng về thay đổi địa giới hành chính, Tờ trình cần đánh giá tổng thể, từ đó mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết này cho địa bàn mới được sáp nhập; xây dựng chính sách đột phá, sáng tạo, bao quát, toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, dự thảo Nghị quyết mở rộng phạm vi phân cấp, phân quyền theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và tinh thần được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiều lần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kiến tạo và giám sát. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa, nhất là trước đó dự thảo Nghị quyết được xây dựng trong bối cảnh chưa có chỉ đạo sáp nhập đơn vị hành chính và chỉ đạo phân cấp, phân quyền.

Về các cơ chế chính sách, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, TP Hải Phòng đi đầu trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; tiếp tục thể chế hóa, đưa Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các luật về khoa học, công nghệ vào phát triển TP Hải Phòng…

H.Hoài

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/se-co-cac-co-che-chinh-sach-cho-khu-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-tai-hai-phong-post545664.html
Zalo