SCG rót thêm 500 triệu USD cải tạo tổ hợp hóa dầu hơn 5 tỷ USD
Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn đầu tư thêm 500 triệu USD để cải tạo nhà máy, nhằm sử dụng khí ethane nhập khẩu từ Mỹ làm nguyên liệu đầu vào.
Chia sẻ chiều 13/2, ông Kulachet Dharachandra, Giám đốc Quốc gia của SCG tại Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) cho biết tập đoàn đã quyết định đầu tư 500 triệu USD để cải tạo tổ hợp, nhằm tích hợp nguồn nguyên liệu đầu vào ethane.
Số vốn được hỗ trợ từ dòng tiền nội bộ của tập đoàn mẹ SCG, phần lớn được dùng để xây dựng bể chứa ethane và cải tạo nhà máy cracking. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027. Hiện, công ty đang hoàn tất các thủ tục để xin giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn đang phải tạm dừng hoạt động thương mại để chờ thị trường hồi phục. Ông Kulachet gọi dự án cải tạo này là "liều vaccine" cho LSP giữa cơn "đại dịch" của ngành hóa dầu, giúp LSP giảm chi phí sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh dài hạn.
Đáng chú ý, ông Kulachet tiết lộ dù chỉ mới bắt đầu dự án cải tạo này khoảng 3-4 tháng, vừa qua, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng nhập khẩu ethane trong vòng 15 năm với đối tác Enterprise Products Partners L.P (Mỹ). Sản lượng lên đến 1 triệu tấn/năm.
Đồng thời, LSP cũng ký hợp đồng thuê tàu trong cùng thời hạn 15 năm với đối tác Mitsui O.S.K Lines (MOL), cố định phí thuê và chi phí nhiên liệu để vận chuyển ethane từ Mỹ về Việt Nam.
Doanh nghiệp dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng xây dựng 2 bể chứa, dung tích 50.000 tấn/bể để lưu trữ chuyên dụng ethane ở nhiệt độ -90 độ C; cũng như tiến hành thiết kế tiền cơ bản để hoàn thành các phương án cải tạo nhà máy Olefins.
![Ông Kulachet Dharachandra, Tổng giám đốc LSP chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51471654/2134db6eea20037e5a31.jpg)
Ông Kulachet Dharachandra, Tổng giám đốc LSP chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn có tổng mức đầu tư ban đầu 5 tỷ USD, chiếm phần lớn trong tổng cộng 7 tỷ USD mà Tập đoàn SCG đã đầu tư tại Việt Nam. Đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, được triển khai xây dựng từ năm 2018 và chính thức vận hành thương mại vào cuối tháng 9/2024. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng sau, LSP tạm dừng hoạt động thương mại.
Theo ông Kulachet, sự chững lại của kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu về hạt nhựa - sản phẩm của ngành hóa dầu - sụt giảm mạnh, kéo giá hạt nhựa xuống thấp, trong khi chi phí đầu vào biến động tăng theo giá dầu thô.
Hiện, chênh lệch giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá bán đang chạm đáy, khoảng 300 USD/tấn, dẫn đến biên lợi nhuận thấp kỷ lục của ngành hóa dầu. Ông cho rằng không chỉ LSP mà toàn bộ lĩnh vực hóa dầu trong khu vực và thế giới đều bị ảnh hưởng.
"Những khó khăn này có thể kéo dài trong quý I và quý II năm nay, thậm chí lâu hơn tùy tình hình thị trường", ông dự báo.
Ra đời giữa giai đoạn đáy kéo dài của chu kỳ do dư thừa nguồn cung, đồng thời ngành hóa dầu ở Việt Nam còn non trẻ so với các quốc gia khác, LSP nhận định cách tốt nhất là bảo toàn tài sản để sẵn sàng tái khởi động khi thị trường có dấu hiệu tích cực hơn.
Trong lúc này, bên cạnh việc tiếp tục đào tạo đội ngũ, SCG đã quyết định cải tạo LSP để có thể linh hoạt sử dụng 70% nguyên liệu đầu vào là khí.
Ông Kulachet cho hay khoảng 7-8 năm trở lại đây, Mỹ mới bắt đầu xuất khẩu ethane và hiện vẫn là quốc gia duy nhất xuất khẩu mặt hàng này, nhưng nguồn cung khá dồi dào. Trong khi đó, giá ethane cũng thấp hơn 30% so với nguyên liệu đầu vào hiện tại của LSP (naphtha và propane), hiện ở mức 290 USD/tấn và được dự báo trong tương lai vào khoảng 250 USD/tấn. Do đó, việc linh hoạt sử dụng ethane sẽ giúp LSP tiết giảm chi phí sản xuất, qua đó cải thiện biên lợi nhuận.
Ông Kulachet đánh giá kinh tế thế giới trong ngắn hạn vẫn bất ổn. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ với các chính sách kiểm soát dầu thô được kỳ vọng giúp giảm nhiệt giá nhiên liệu này, qua đó chi phí đầu vào của LSP được tiết giảm, hỗ trợ biên lợi nhuận.
"Mặt khác, LSP sẽ nhập khẩu 1 triệu tấn ethane mỗi năm từ Mỹ, điều này cũng góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ", ông bổ sung, đồng thời bày tỏ tin tưởng Việt Nam vẫn sẽ là một trong những quốc gia được các doanh nghiệp toàn cầu lựa chọn là cứ điểm sản xuất trong thời gian tới.