Sau vụ lăng mộ vua Lê Túc Tông bị đào bới: 'Lỗ hổng' bảo vệ di sản có được xử lý?

Chỉ khi di sản trở thành một phần thiết thân của đời sống hiện đại, thì những hành vi xúc phạm như ở Lam Kinh mới thực sự không còn đất sống.

Lăng mộ vua Lê Túc Tông. Ảnh: INT.

Lăng mộ vua Lê Túc Tông. Ảnh: INT.

Việc lăng mộ vua Lê Túc Tông, thuộc quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) bị xâm hại đã gióng lên hồi chuông báo động về lỗ hổng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đồng thời phản ánh thực trạng đáng lo ngại về ý thức bảo vệ di sản văn hóa của một bộ phận người dân.

Lộ khoảng trống bảo vệ

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa), kết quả kiểm tra bước đầu của các cơ quan chức năng cho thấy lăng vua Lê Túc Tông đã bị 3 người Trung Quốc xâm hại.

Cụ thể, những người này có hành vi đào bới và phá vỡ bia đá. Lực lượng chức năng phát hiện một hố đào có kích thước 90cm x 52cm, sâu 1,6m; thu giữ 14 mảnh bia mộ bằng đá, trên đó có khắc chữ Hán và họa tiết rồng thời Lê.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, vụ việc lăng mộ vua Lê Túc Tông - một phần thiêng liêng trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh - bị đào bới để tìm kiếm cổ vật không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là một cú sốc văn hóa, gây tổn thương sâu sắc đến ký ức lịch sử và niềm tự hào dân tộc.

Hành vi xâm phạm di tích là đòn giáng mạnh vào đời sống tinh thần và nền tảng đạo lý của cộng đồng hiện tại. Nó gây ra những hệ lụy sâu xa, vượt xa phạm vi vật chất của một vụ đào trộm, bởi di tích không chỉ là công trình kiến trúc, mà còn là nơi neo giữ ký ức, lòng tôn kính và niềm tự hào dân tộc.

“Trước hết, đó là sự tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin văn hóa. Lăng mộ của vua Lê Túc Tông không đơn thuần là nơi an táng một vị vua, mà còn là biểu tượng thiêng liêng của một thời kỳ trị vì minh quân, của truyền thống ‘uống nước nhớ nguồn’, tôn kính tổ tiên.

Khi nơi an nghỉ vĩnh hằng của một bậc quân vương bị xâm phạm, cộng đồng cảm thấy mất mát như thể một phần linh hồn lịch sử bị xúc phạm, một sợi dây liên kết giữa các thế hệ bị đứt gãy”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá.

Từ góc độ người nghiên cứu và xây dựng chính sách văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định, sự việc này gióng lên một hồi chuông báo động về những lỗ hổng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

“Khi một di tích quốc gia đặc biệt đã được công nhận nhưng vẫn bị xâm phạm một cách ngang nhiên, thì buộc chúng ta đặt ra câu hỏi về hệ thống giám sát, cơ chế quản lý và đặc biệt là ý thức xã hội. Tôi cho rằng, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đặc biệt là cấp cơ sở trong việc quản lý, giám sát và bảo vệ di tích vẫn còn những điểm mờ. Di tích quốc gia đặc biệt như Lam Kinh đáng lẽ phải được bảo vệ nghiêm ngặt, có hệ thống camera, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, quy trình tuần tra định kỳ.

Nhưng thực tế lại cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu phối hợp, thiếu đầu tư về con người, công nghệ, và cơ chế cảnh báo sớm. Đây là khoảng trống mà kẻ xấu có thể lợi dụng”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh và đưa ra đề xuất, cần một hệ thống pháp lý mạnh hơn để xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm. Không chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính, mà phải xử lý như tội xâm hại tài sản quốc gia, gây tổn hại đến nền tảng tinh thần của dân tộc.

 Khu vực lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm hại. Ảnh: bvhttdl.gov.vn.

Khu vực lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm hại. Ảnh: bvhttdl.gov.vn.

Nâng cao ý thức bảo vệ di sản

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, hệ lụy lớn nhất có thể là sự bào mòn dần bản sắc văn hóa dân tộc. Một khi di sản, vốn là gốc rễ tinh thần, bị xâm phạm liên tục mà không được gìn giữ đúng mức, thì quá trình tha hóa văn hóa sẽ diễn ra âm thầm nhưng dai dẳng.

Di sản không còn là niềm tự hào, mà trở thành đối tượng trục lợi; lịch sử không còn là tấm gương soi chiếu, mà bị bóp méo vì lòng tham. Đó là lúc xã hội không chỉ mất đi một công trình, mà còn đánh mất phần linh hồn.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, vụ việc phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về ý thức bảo vệ di sản văn hóa của một bộ phận người dân. Khi người ta còn nhìn di tích như nơi chứa đựng “vàng bạc, cổ vật” hơn là ký ức lịch sử và giá trị tinh thần của dân tộc, thì sự xúc phạm sẽ còn tiếp diễn. Điều này cho thấy công tác giáo dục văn hóa, giáo dục lịch sử chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa chạm đến trái tim và nhận thức cộng đồng.

Mặc dù sự xúc phạm vừa qua là một mất mát đau lòng, nhưng cũng là cơ hội để buộc mỗi người chúng ta phải nhìn lại một cách nghiêm túc và toàn diện về cách thức bảo vệ di sản trong bối cảnh hiện đại, không thể chỉ trông chờ vào biển bảng hay hàng rào bảo vệ. Việc bảo vệ di sản không chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa, mà là trách nhiệm chung của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Cần thay đổi cách tiếp cận: từ quản lý theo kiểu hành chính sang kiến tạo hệ sinh thái di sản, nơi di tích được sống, được kể chuyện, được kết nối với cộng đồng, du lịch, giáo dục và sáng tạo. Chỉ khi di sản trở thành một phần thiết thân của đời sống hiện đại, thì những hành vi xúc phạm như ở Lam Kinh mới thực sự không còn đất sống.

Di sản chỉ thực sự được gìn giữ khi nó sống trong trái tim mỗi người dân. Muốn làm được điều đó, cần một chiến lược truyền thông sâu rộng, một hệ thống giáo dục lấy văn hóa làm nền tảng, và một nền chính sách pháp luật đủ mạnh để răn đe, đủ linh hoạt để thích ứng với những thách thức mới. Không ai có thể bảo vệ di sản tốt hơn chính cộng đồng địa phương và chính thế hệ trẻ - những người cần được trang bị kiến thức, khơi dậy niềm tự hào, và trao quyền chủ động trong gìn giữ văn hóa.

Nhật Hạ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sau-vu-lang-mo-vua-le-tuc-tong-bi-dao-boi-lo-hong-bao-ve-di-san-co-duoc-xu-ly-post732194.html
Zalo