Số hóa di sản
Những năm gần đây, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tư liệu trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Qua đó, nhằm giúp các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh thêm gần gũi, sống động hơn đối với mỗi người dân và du khách, góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Xứ Lạng.

Khách tham quan quét mã QR tìm hiểu thông tin về các hiện vật tại Bảo tàng tỉnh
Tháng 12/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Quyết định đề ra mục tiêu: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; các di tích quốc gia đặc biệt; các bảo vật quốc gia... phải được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số.
Thực hiện chủ trương trên, cùng với các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp. Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Thực hiện chương trình số hóa di sản, thời gian qua, Ngành VHTT&DL tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai theo từng năm tập trung vào các nội dung như: số hóa hồ sơ di sản, số hóa tại các điểm di tích, bảo tàng … Kết quả từ năm 2022 đến nay, Sở VHTT&DL đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh với 3.440 hiện vật, tư liệu, tài liệu được cập nhật đầy đủ thông tin trên phần mềm. Trên hệ thống phần mềm quản lý di sản văn hóa đã số hóa được 1.390 hồ sơ di sản với tổng số 137.052 trang. Đồng thời, sở đã thành lập ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể lưu trữ khoảng 60 phim và gần 5.000 ảnh tư liệu về văn hóa phi vật thể. Những cơ sở dữ liệu trên là nguồn tài nguyên quý giá cho việc phát triển hệ thống du lịch thông minh của tỉnh.
Đáng chú ý, hiện nay Bảo tàng tỉnh đã thực hiện đặt mã QR cho trên 200 hiện vật gốc tại nhà trưng bày. Việc số hóa hiện vật không chỉ giúp ích cho công tác quản lý, bảo vệ tài liệu, hiện vật; mà còn tạo nên một bảng thông tin mô phỏng được lưu trữ trên hệ thống bộ nhớ máy tính. Từ đó, giúp thu hút đông đảo du khách nghiên cứu, tìm hiểu thông tin.
Chị Nguyễn Thị Thanh, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, sử dụng thao tác quét mã QR đơn giản, tôi đã có một trải nghiệm mới mẻ khi tham quan bảo tàng. Tôi thấy việc quét mã QR rất thuận tiện, mọi thông tin về các hiện vật tại Bảo tàng đã được số hóa, giới thiệu sinh động giúp cho tôi dễ dàng tìm hiểu thông tin mà không cần đến thuyết minh viên.
Hiện Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, quản lý trên 75.000 tài liệu, hiện vật. Trong đó, có gần 12.800 tài liệu, hiện vật gốc đã qua kiểm kê khoa học và được đưa vào hệ thống quản lý bằng phần mềm “Quản lý thông tin hiện vật” trên không gian mạng.
Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Cùng với hoạt động quản lý, cài đặt mã QR cho các tư liệu gốc, Bảo tàng tỉnh cũng đang xây dựng bảo tàng 3D và xây dựng thuyết minh cho 250 hiện vật. Qua đó, nhằm mang đến sự trải nghiệm đa dạng, phong phú, giúp du khách tiếp cận với di sản văn hóa một cách mới mẻ và hấp dẫn. Trong thời gian tiếp theo ngoài việc đẩy mạnh số hóa các hiện vật, chúng tôi cũng tiếp tục tham mưu thực hiện tốt dự án 3D bảo tàng với mục đích cho khách tham quan tìm hiểu được kỹ thêm, sâu rộng thêm về những hiện vật bảo tàng đang trưng bày.
Ngoài việc số hóa các hiện vật, tư liệu, hồ sơ di sản thì từ năm 2022 đến nay, Sở VHTT&DL còn phối hợp với Tỉnh đoàn chọn lọc tài liệu lịch sử, tổng hợp những bài thuyết minh chuyển thành dữ liệu số, tích hợp trong mã QR trang bị cho hơn 30 điểm di tích trên địa bàn tỉnh. Mọi thông tin được mã hóa trong mã QR đều đảm bảo chuẩn xác, có sự kiểm tra, thẩm định của ban quản lý di tích các huyện, thành phố.
Bà Hoàng Thùy Ninh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhằm nâng cao trải nghiệm khám phá cho du khách, hiện nay, thành phố đã xây dựng mô hình thuyết minh tự động với công nghệ 360 tại khu di tích Nhị Thanh - Tam Thanh, núi Tô Thị, Thành Nhà Mạc. Đặc biệt, chúng tôi cũng phối hợp xây dựng hoàn thiện số hóa được 8 điểm du lịch nâng tổng số điểm du lịch được số hóa trên địa bàn thành phố lên 11 điểm. Điều này giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin chi tiết về di tích chỉ với một thao tác quét đơn giản trên điện thoại thông minh.
Như vậy, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số là công cụ hiệu quả nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, di tích, góp phần vào sự phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh. Đồng thời từng bước giúp cho khách tham quan có những trải nghiệm thú vị và nhiều cảm xúc hơn trong mỗi dịp đặt chân tới Lạng Sơn.