Đẩy mạnh bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số

Tỉnh ta có hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc có lịch sử phát triển riêng, có ngôn ngữ riêng, có những hoạt động kinh tế, văn hóa đặc thù, những phong tục, tập quán riêng biệt tạo nên bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú. Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số đã sáng tạo ra những giá trị di sản văn hóa, truyền thống giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (Quảng Hòa) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (Quảng Hòa) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với bề dày lịch sử và văn hóa, là nơi hội tụ của đồng bào các dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ; là chiếc nôi phát triển của thực hành Then Tày, Nùng, Thái - được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…, nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc trên địa bàn tỉnh được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Một số loại hình đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành, nghề rèn của người Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa)… Số lượng di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại trên địa bàn tỉnh sau kiểm kê gồm 2.000 di sản, trong đó về tiếng nói có 6 di sản, chữ viết có 2 di sản, ngữ văn dân gian 150 di sản, nghệ thuật trình diễn dân gian 300 di sản, tập quán xã hội và tín ngưỡng 745 di sản, lễ hội truyền thống 200 di sản, nghề thủ công truyền thống 112 di sản, tri thức dân gian 487 di sản. Trong đó phải kể đến di sản tiếng nói và chữ viết, hiện nay hầu hết đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều bảo tồn tốt tiếng nói của dân tộc mình và thường xuyên sử dụng làm ngôn ngữ giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày; 100% gia đình dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ cư trú tại các thôn bản nói tiếng mẹ đẻ. Tiêu biểu là dân tộc Tày chiếm trên 40,83% dân số, có số dân đông nhất tỉnh, 80% người Tày thường xuyên sử dụng tiếng Tày làm ngôn ngữ giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày. Tiếng Tày còn là ngôn ngữ chung khi giao tiếp của các dân tộc khác sinh sống trên cùng địa bàn như: Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ. Về chữ viết có 2 di sản: chữ Nôm Tày và chữ Nôm Dao. Chữ viết của người Dao là một hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao (hay nói cách khác người Dao mượn chữ Hán để ghi chép tiếng nói của mình), hiện nay ở hầu hết các gia đình dân tộc Dao có người cao tuổi còn giữ được nhiều cuốn sách cổ do ông cha để lại. Trong kho Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ 39 đầu sách chữ Hán và Nôm Tày sử dụng trong nghi lễ của thầy tào dân tộc Tày, 22 đầu sách sưu tầm được trong cộng đồng người Dao.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như: tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thường xuyên được quan tâm đẩy mạnh thông qua các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch và nhiều hình thức hoạt động khác như: Tổ chức Liên hoan hát Then - đàn tính. Hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Lô Lô... nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương. Các chương trình, kế hoạch được tỉnh ban hành, triển khai thực hiện nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, như Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030”.

Việc hỗ trợ kinh phí được quan tâm để thu thập nguồn tư liệu nghiên cứu, sưu tầm và hỗ trợ kinh phí sáng tạo, xuất bản các công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn học dân gian. Tuyên truyền, giáo dục quảng bá văn hóa của đồng bào, tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Với trên 100 lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức với quy mô lớn nhỏ khác nhau, công tác bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc được bảo tồn mang đậm nét văn hóa dân tộc địa phương, góp phần quảng bá thu hút khách du lịch. Xây dựng kịch bản, phục dựng, bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống gần như bị mai một như: Lễ hội Pháo Hoa, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa); Lễ hội Nàng Hai, xã Kim Đồng (Thạch An); Lễ hội chùa Sùng Phúc, thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang); Lễ hội đền Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang (Thành phố); Lễ hội Thanh Minh (Sinh Mình), xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Bên cạnh đó, xác định phát triển du lịch cộng đồng là hướng phát triển bền vững cho địa phương, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương gắn với đời sống văn hóa các dân tộc: Lô Lô (xã Kim Cúc, Bảo Lạc), Tày (Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, Trùng Khánh), Dao Tiền (Hoài Khao, xã Quang Thành, Nguyên Bình)…

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn và thách thức. Riêng đối với loại hình di sản ngữ văn dân gian trên địa bàn tỉnh còn tồn tại 150 di sản, đây là loại hình di sản bị mai một rất nhiều, hiện chỉ còn tồn tại một số ít truyền thuyết, các bài hát ru, đồng dao, các bài ca sử dụng trong nghi lễ cúng tế của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô. Xu hướng ở hầu hết các địa phương có dân tộc Tày sinh sống chủ yếu giao tiếp trong gia đình bằng tiếng Kinh, trẻ em dân tộc Tày ít nói tiếng dân tộc, chủ yếu sử dụng tiếng Kinh, điều này làm cho tiếng Tày tự mai một chính trong nội bộ con em dân tộc Tày. Hiện nay, dân tộc Tày không còn duy trì chữ viết riêng, chỉ còn một phần nhỏ trong hệ thống sách cúng, sách Then, sách của thầy cúng và một số người hành nghề thầy cúng vẫn lưu giữ một số sách chữ Hán và sử dụng chữ Hán; số người biết về chữ Nôm Tày hầu như không còn. Những người nắm giữ tri thức chữ viết của người Dao chủ yếu là những người thực hành nghi lễ tín ngưỡng trong cộng đồng người Dao. Chữ viết của người Dao hiện nay đang trong tình trạng có nguy cơ bị mai một cao, cần có những biện pháp bảo tồn, lưu giữ…

Bên cạnh giữ gìn, lưu giữ đối với những người nghiên cứu, việc sưu tầm các giá trị truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng. Cần quan tâm xây dựng môi trường trao truyền di sản văn hóa trong cộng đồng, đây là cách để đồng bào các dân tộc thiểu số nuôi dưỡng, vun trồng, làm phong phú đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa. Các địa phương có giải pháp phục dựng, bảo tồn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc để tạo sức hút mạnh mẽ với du khách, trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của mỗi địa phương.

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/day-manh-bao-ton-phat-trien-van-hoa-van-nghe-dan-gian-cac-dan-toc-thieu-so-3177371.html
Zalo