Sau sắp xếp, số lượng cấp phó có thể được vượt quy định tối đa trong 5 năm
Chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.

Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Nghị quyết quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm: nguyên tắc xử lý; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị (cơ quan), chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc xử lý một số vấn đề khác khi thực hiện sắp xếp.
Các vấn đề được xử lý theo Nghị quyết này là vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước có nội dung khác hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (trừ Hiến pháp), văn bản hành chính và các hình thức văn bản khác đang còn hiệu lực tại thời điểm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Theo đó, khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền đã quy định tại các văn bản được chuyển đổi theo tên gọi của cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó.
Trường hợp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, mô hình, cơ cấu tổ chức của cơ quan sau sắp xếp có thay đổi thì cơ quan, người có thẩm quyền được ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan hình thành sau sắp xếp khác với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đã ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhưng phải bảo đảm phù hợp với phương án sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật thì chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Nghị quyết cũng quy định, văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.
Không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thông báo công khai một số nội dung ngay khi có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức hoặc quy định liên quan đến việc thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình.
Gồm, các văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, trừ các văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; việc thay đổi cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính; việc thay đổi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua (19/2/2025) được thực hiện đến hết ngày 28/2/2027.