Chuẩn bị khởi công dự án đường dây 500kV Tây Bắc
Thông tin tại cuộc họp về tiến độ dự án đường dây 500kV Tây Bắc, dự án cần được khởi công trong tháng 2-2025, hoàn thành trong 6 tháng kể từ khi khởi công.

Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên đi qua 4 tỉnh, gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN
Chiều qua (21-2), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp về tiến độ dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (dự án đường dây 500kV Tây Bắc), TTXVN đưa tin.
Tại cuộc họp, bộ trưởng cho biết, dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên là dự án rất quan trọng trong việc truyền tải điện mua từ Trung Quốc, giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và phục vụ nhu cầu điện tăng cao trong các năm tiếp theo.
Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khởi công trong tháng 2-2025, hoàn thành trong 6 tháng kể từ khi khởi công (chậm nhất đến tháng 9-2025 phải hoàn thành).
Trước đó, ngày 3-1-2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống người dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Trong đó, Thủ tướng giao EVN khởi công, phấn đấu hoàn thành dự án trong 6 tháng, chậm nhất đến tháng 9-2025 phải hoàn thành.
Dự án được EVN giao Ban Quản lý dự án điện 1 (EVNPMB1) quản lý, có tổng mức đầu tư khoảng 7.411 tỉ đồng. Điểm đầu là trạm biến áp 500kV Lào Cai, điểm cuối là trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên, với chiều dài khoảng 229,5km, đi qua địa phận 4 tỉnh gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Tổng diện tích chiếm đất bởi chân móng cột điện hơn 63 hecta, ảnh hưởng đến gần 2.200 hộ dân; trong đó, có 248 hộ phải tái định cư.
Báo cáo về việc lựa chọn nhà thầu của EVN cho biết, tập đoàn đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể của dự án. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành lập, thẩm tra, phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu tất cả các gói thầu PC (cung cấp cột thép và xây lắp), cung cấp vật tư thiết bị. Trong số đó các gói thầu xây lắp mở thầu ngày 23-2 tới, dự kiến hoàn thành việc đánh giá hồ sơ mời thầu, ký kết hợp đồng trước ngày 5-3-2025.
Tuy nhiên, việc bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng của các huyện nếu phải triển khai thực hiện thủ tục, trình tự bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của UBND các tỉnh sẽ mất nhiều thời gian (thời gian xác định giá đất cụ thể từ 2-3 tháng, thời gian niêm yết công khai phương án bồi thường 30 ngày, thời gian bổ sung, hoàn thiện phương án bồi thường 60 ngày). Điều này dễ dẫn đến việc không đáp ứng được tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công dự án vào cuối tháng 2-2025.