'Không lo thừa, chỉ sợ thiếu trách nhiệm' khi sắp xếp trụ sở công sau sáp nhập tỉnh

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm 'cần ưu tiên dùng trụ sở các cơ quan dôi dư sau sáp nhập cho trường học và cơ sở y tế', việc sắp xếp, xử lý trụ sở công dôi dư bây giờ 'không lo thừa, chỉ sợ người thực hiện thiếu trách nhiệm'.

Tinh gọn bộ máy tổ chức đang thực sự là một cuộc cách mạng khi tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến mọi cơ quan, tổ chức, con người, từ Trung ương đến địa phương, tạo ra sự chuyển động và có sức lan tỏa toàn xã hội.

Tránh “tái lãng phí” trụ sở công

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy không chỉ đặt ra những vấn đề trong công tác cán bộ để có đội ngũ tinh gọn nhưng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới mà còn phải tính đến hàng loạt biện pháp để xử lý những hệ quả của sự trì trệ, chồng chéo, quan liêu kéo dài nhiều chục năm nay.

Bên cạnh đó, cần giải quyết những bài toán nhãn tiền về việc xử lý tài sản công, trụ sở công sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Trước hết, phải nói rằng việc dư thừa hàng loạt trụ sở cơ quan nhà nước cũng chính là “chiến lợi phẩm” đầu tiên thu được sau khi sắp xếp bộ máy.

Vấn đề đặt ra hiện nay là loạt trụ sở dư thừa này phải được quản lý và sử dụng sao cho thật hiệu quả, để tránh bị “tái lãng phí” thêm một lần nữa.

Trụ sở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hà

Trụ sở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hà

Chỉ nhẩm sơ qua có thể thấy đây là khối lượng tài sản rất lớn, đòi hỏi phải có những phương án cụ thể để xử lý. Với con số sáp nhập một số tỉnh để giảm từ 63 tỉnh, thành hiện nay còn 34 tỉnh, thành, sẽ có 29 trụ sở tỉnh ủy, thành ủy và 29 trụ sở UBND tỉnh dôi dư, kèm theo đó là nơi làm việc của các sở, ngành. Còn việc không tổ chức cấp huyện sẽ để lại gần 700 trụ sở chờ xử lý.

Điều đáng nói, hầu hết các trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước đều ở vị trí trung tâm, trên những khu “đất vàng, đất bạc” mà một ngày bỏ hoang, không sử dụng cũng đã là thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực công. Đó là chưa kể việc không sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh chóng, tốn kém thêm chi phí bảo trì, bảo quản…

Đất đai, nhà cửa của bất cứ ai để không cũng đều được coi là lãng phí. Tình trạng trụ sở, tài sản công bị bỏ hoang, sử dụng không vì lợi ích chung là một trong những tình trạng nhức nhối nhiều năm qua, đúng kiểu “cha chung không ai khóc”.

Điều kỳ lạ là trước đây, không ít cơ quan đã chuyển về trụ sở mới khang trang, to đẹp hơn nhưng vẫn “khư khư” không trả lại trụ sở cũ năm này qua năm khác. Đây không chỉ bởi sự thiếu trách nhiệm mà đằng sau đó là những nguyên nhân khác về lợi ích ngành, lợi ích nhóm...

Đừng để “đục nước béo cò”

Xin nhắc lại rằng Nhà nước không có bất kỳ lợi ích nào khác là lợi ích của nhân dân. Vì vậy, không thể cho phép tồn tại những lợi ích có tính chất cục bộ trong hệ thống các cơ quan nhà nước.

Thực trạng lãng phí trong việc sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai, trụ sở đã được phản ánh đầy đủ và cụ thể trong các báo cáo kết quả giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội. Đây là điều không thể chấp nhận, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà số lượng các trụ sở, tài sản dôi dư sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy là rất lớn.

Thật mừng là mối lo của người dân cũng chính là sự trăn trở của những nhà lãnh đạo đất nước. Trước kia, chúng ta từng "không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng" thì bây giờ "không lo thừa, chỉ sợ thiếu trách nhiệm". Các trụ sở công dôi dư sau sáp nhập sẽ được thống kê đầy đủ, đánh giá về quy mô, chất lượng để có giải pháp sử dụng sao cho hiệu quả nhất.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa trước thềm kỳ họp thứ 9 của Quốc hội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định "sẽ không có sự lãng phí nếu tính toán phương án sử dụng phù hợp".

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần ưu tiên dùng trụ sở các cơ quan dôi dư sau sáp nhập cho trường học và cơ sở y tế. Thông điệp của Đảng và Nhà nước là rất rõ ràng: Mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần đề cao trách nhiệm, cùng suy nghĩ và bắt tay ngay vào công việc.

Đương nhiên việc tính toán để sử dụng có hiệu quả trụ sở và tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy không hề dễ dàng bởi cần được cân nhắc, để từng công trình được chuyển đổi công năng sao cho phù hợp nhu cầu cụ thể của mỗi địa phương. Tuy nhiên, việc thay đổi trụ sở cũ thành những công trình phục vụ đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân sẽ được ưu tiên.

Cũng có những công trình có thể cải tạo để cho thuê, thậm chí có thể đấu giá thu ngân sách nhà nước, miễn là mọi việc minh bạch vì lợi ích chung. Quá trình này cũng đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan có trách nhiệm cũng như của toàn xã hội để tránh xảy ra tình trạng “đục nước béo cò”, móc nối vụ lợi trong ngoài gây thất thoát, tổn hại.

Có thể nói chưa khi nào người dân được chứng kiến những đổi thay nhanh chóng đến như vậy, giữa quyết tâm và hành động, giữa lời nói và việc làm. Ý Đảng lòng dân hòa quyện, Nhà nước xã hội chung lòng, cùng cố gắng để vượt qua mọi thách thức trên con đường hướng tới ấm no hạnh phúc.

Điều làm cho nhân dân rất phấn khởi là mọi quyết sách, định hướng lớn lao mà Đảng và Nhà nước đưa ra đều hướng về lợi ích quốc gia, dân tộc. Mọi trăn trở, nghĩ suy thường trực trong đầu những nhà lãnh đạo cũng đều đau đáu về lợi ích quốc dân, đồng bào.

Đó là chủ trương xóa nhà dột nát, nhà tạm với lộ trình và bước đi cụ thể; quyết định miễn học phí để trẻ em ai cũng được cắp sách tới trường; quyết tâm phấn đấu để miễn viện phí cho toàn dân…

Những điều lớn lao ấy không chỉ còn nằm trong ý tưởng, mong muốn mà đã và đang biến thành những hành động cụ thể, nhanh chóng và quyết liệt, trước hết ở những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.

Những việc này đáp ứng mong chờ của người dân, thực hiện đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm”.

TS Đinh Văn Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khong-lo-thua-chi-so-thieu-trach-nhiem-khi-sap-xep-tru-so-cong-sau-sap-nhap-tinh-2395111.html
Zalo