Sau sáp nhập, An Giang là tỉnh có dân số, diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 28-4, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021–2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề) và biểu quyết thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương hợp nhất hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, thành tỉnh mới mang tên An Giang.

Đại biểu HĐND biểu quyết thông qua các nghị quyết
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, việc lựa chọn tên gọi tỉnh An Giang cho đơn vị hành chính sau sáp nhập dựa trên nhiều yếu tố lịch sử, địa lý và thực tiễn. Đây là địa danh đã tồn tại từ lâu, dễ đọc, dễ nhớ, dễ nhận diện và nhận được sự đồng thuận cao từ cử tri. Việc giữ lại tên gọi này cũng giúp hạn chế xáo trộn về thủ tục hành chính, tránh lãng phí và giảm tải khối lượng công việc liên quan đến chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân.
Sau khi sáp nhập, tỉnh An Giang sẽ trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh có quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL, với diện tích 9.888,91 km², dân số 4.952.238 người, gồm 102 đơn vị hành chính cấp xã (85 xã, 14 phường, 3 đặc khu). Thành phố Rạch Giá được chọn làm trung tâm hành chính cấp tỉnh.
Với tiềm năng và lợi thế của cả hai địa phương, tỉnh An Giang mới sẽ hướng tới phát triển thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao, trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, hành lang kinh tế và các đô thị động lực. Tỉnh cũng xác định ba trụ cột chiến lược là: phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển, kinh tế du lịch.
Về nông nghiệp, sau sáp nhập, An Giang trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước với sản lượng hơn 9 triệu tấn/năm, đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu lúa gạo quốc gia. Đồng thời, tỉnh giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực ĐBSCL.
Về du lịch, tỉnh An Giang sau sáp nhập sở hữu hàng loạt điểm đến nổi tiếng như Phú Quốc, Hà Tiên, U Minh Thượng, Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư... được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch sôi động bậc nhất cả nước, thu hút trên 15 triệu lượt khách/năm.
Với sự hợp nhất này, tỉnh An Giang sẽ giáp các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, TP Cần Thơ và Vương quốc Campuchia, tạo ra hành lang kinh tế – du lịch – nông nghiệp chiến lược tại vùng Tây Nam bộ và khu vực biên giới Tây Nam.