Tham tán Thương mại: Việt Nam trong nhóm được Mỹ ưu tiên đàm phán

Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/4.

 Quý I/2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 21%. Ảnh: Quỳnh Danh.

Quý I/2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 21%. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cụ thể, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Mỹ cho hay Việt Nam nằm trong nhóm các nước Mỹ ưu tiên đàm phán, cùng với Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia.

Theo ông, hiện nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Walmart, Target (nhập khẩu hàng Việt Nam chiếm 30%), Costco, HomeDepot... vẫn bày tỏ sự ủng hộ và tin tưởng Việt Nam sẽ sớm đạt được thỏa thuận thông qua việc gỡ bỏ các mức thuế đối ứng.

"Các doanh nghiệp, tập đoàn phân phối hàng đầu của Mỹ đang cân nhắc tham dự sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing & Diễn đàn xuất khẩu TP.HCM 2025 diễn ra vào tháng 9, do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức, thực hiện", ông Đỗ Ngọc Hưng nói, đồng thời cho biết có nhiều tín hiệu tích cực trong vấn đề đàm phán thuế quan giữa hai nước.

Thách thức đi kèm cơ hội

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cho rằng chính sách thuế quan của Mỹ đã khiến thị trường thế giới biến động, tuy nhiên thách thức luôn đi liền với cơ hội.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại tại Canada, thông tin căng thẳng thương mại giữa Canada và Trung Quốc cùng nhu cầu tìm kiếm đối tác mới của các doanh nghiệp Canada đang mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam. Việc Canada giảm phụ thuộc vào hàng hóa Mỹ cũng tái định hình chuỗi cung ứng, tạo thêm lợi thế cho Việt Nam nhờ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Còn bà Nguyễn Thu Hường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết xuất khẩu của Việt Nam sang Australia trong quý I đã tăng hơn 13,2%, đạt gần 1,6 tỷ USD.

Đà tăng trưởng này được hỗ trợ bởi quan hệ song phương thuận lợi và chính sách thuế quan ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Australia đều là thành viên như CPTPP, AANZ, RCEP. Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam và châu Á ở Australia rất lớn.

Tuy vậy, bà Hường cảnh báo do chiến tranh thương mại trên thế giới nên sức mua của thị trường giảm, giá cả tăng lên, khiến đồng đô la Australia mất giá nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

"Hàng hóa Việt Nam chắc chắn sẽ gặp cạnh tranh lớn với hàng hóa Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác. Chưa kể, nếu Australia giảm thuế cho hàng hóa của Mỹ thì nông sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nông sản Mỹ", bà Hường nói.

Do đó, theo các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các doanh nghiệp cần cải thiện năng lực sản xuất để có thể xuất khẩu bền vững tới các thị trường đang có, đồng thời tăng cường tiếp cận thị trường mới.

Các cơ quan thương vụ sẽ nắm bắt thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng và chính sách mới của nước sở tại để cung cấp tới doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới và thâm nhập thị trường toàn cầu, thị trường tiềm năng.

Hiệp hội đề nghị cập nhật thông tin các thị trường

Góp ý thông qua hội nghị, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ.

Do đó, ông đề nghị cơ quan thương vụ thông tin thường xuyên tình hình thị trường, xu hướng mới nhất của người tiêu dùng Mỹ, cũng như tiến độ đàm phán chính sách thuế.

"Hiện các doanh nghiệp đang dồn sức hoàn thành đơn hàng trong 90 ngày Mỹ hoãn thuế, song doanh nghiệp rất cần thông tin mới nhất để đánh giá tình hình thị trường và quyết định có nên tiếp tục ký kết đơn hàng hay không", ông Cẩm nói.

Ngoài ra với các thị trường khác, ngành dệt may cũng cần thông tin cụ thể về khả năng đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là Nga, Brazil, Chile, Trung Đông...

Cũng là ngành xuất khẩu lớn, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Mỹ. Trong 90 ngày hoãn thuế của Mỹ, các doanh nghiệp đang chạy đua sản xuất.

Dù tin tưởng vào các giải pháp ứng phó của các cơ quan chức năng, song ông Nam cho biết doanh nghiệp đối mặt nhiều lo ngại. Ông mong muốn các cơ quan chức năng và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ ngành khơi thông các thị trường tiềm năng để doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại chuyên sâu tại các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Nga..., đồng thời thường xuyên cảnh báo sớm về chính sách thương mại, thuế quan của nước sở tại.

Ngoài ra, hiệp hội mong được cung cấp thông tin về các dòng sản phẩm điện tử có nhu cầu sử dụng cao, những lưu ý để được xuất khẩu sản phẩm điện tử, các danh mục có thể tiếp cận với doanh nghiệp ngành điện tử...

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/tham-tan-thuong-mai-viet-nam-trong-nhom-duoc-my-uu-tien-dam-phan-post1549604.html
Zalo