Việt Nam sẽ có nhà máy silicon đa tinh thể dùng cho bán dẫn

Tại Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác trong các ngành công nghiệp chiến lược, đại diện lãnh đạo một số tập đoàn Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đối trong hoạt động đầu tư kinh doanh; cam kết mở rộng việc đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

(Ảnh: PV/Vietnam+)

(Ảnh: PV/Vietnam+)

Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác trong các ngành công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn được tổ chức chiều 28/4 tại Văn phòng Chính phủ dưới sự đồng chủ trì của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.

Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo một số tập đoàn Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đối trong hoạt động đầu tư kinh doanh; cam kết mở rộng việc đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp chiến lược, chuyển đổi xanh, công nghệ cao, y tế, phát triển cơ sở hạ tầng…

Đại diện Tokuyama - công ty hàng đầu thế giới về silicon tinh thể dùng trong chất bán dẫn cho biết, doanh nghiệp này đang chuẩn bị triển khai một cơ sở sản xuất tại Việt Nam. "Với các chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, chúng tôi quyết định xây dựng nhà máy silicon đa tinh thể tại Bà Rịa – Vũng Tàu," đại diện Tokuyama nói.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cho hay, hồi tuần trước, Sumitomo Corporation và SBI Holdings đã hợp tác với FPT xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo cùng NVIDIA tại Nhật Bản. Theo ông Trương Gia Bình, Việt Nam có thể bổ khuyết cho Nhật Bản bằng nguồn nhân lực trẻ, tài năng và đầy khát vọng.

 Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Chúng ta đã nhìn thấy là giữa Việt Nam và Nhật Bản đang có hợp tác chặt chẽ. Cần bổ khuyết chính là nguồn nhân lực tài năng, trẻ và đầy khát vọng của Việt Nam. FPT có 4.500 nhân viên tại Nhật Bản ở 17 văn phòng từ Sapporo đến Yakushima. Song, tập đoàn không muốn hợp tác chỉ có tính chất doanh nghiệp với doanh nghiệp mà FPT rất là mong muốn làm tốt hơn nữa; rất mong muốn khuôn khổ hợp tác mở rộng liên Chính phủ và FPT trân trọng đề xuất hai Thủ tướng hỗ trợ cho chương trình hợp tác quan trọng này."

Thành lập trung tâm R&D tại Việt Nam từ sớm, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam, ông Taka Fujino cho biết, trung tâm hiện có 180 nhân viên tài năng người Việt. Nơi đây được định hướng "trở thành công ty phát triển phần mềm với các công nghệ tiên tiến nhất, cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các nhà máy."

Tiềm năng hợp tác Việt Nam - Nhật Bản là không giới hạn

Thủ tướng Nhật Bản - Ishiba Shigeru nhận định, Việt Nam là điểm đến tiềm năng với các doanh nghiệp Nhật Bản nhờ sở hữu thị trường 100 triệu dân, cộng với nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bất ổn, Thủ tướng Ishiba Shigeru cho rằng, đây là cơ hội để 2 nước thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp công nghệ cao, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài. "Đó là lợi ích chung của cả 2 quốc gia," ông nói.

 Thủ tướng Nhật Bản - Ishiba Shigeru nhận định, Việt Nam là điểm đến tiềm năng với các doanh nghiệp Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thủ tướng Nhật Bản - Ishiba Shigeru nhận định, Việt Nam là điểm đến tiềm năng với các doanh nghiệp Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo, phát triển nguồn nhân, tiếp nhận 250 nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ về bán dẫn. Thủ tướng Ishiba Shigeru cam kết sẽ giúp Việt Nam phát triển công nghiệp công nghệ cao, giảm phát thải carbon, xây dựng nhà máy sản xuất silicon đa tinh thể - loại vật liệu không thể thiếu trong bán dẫn.

Theo Thủ tướng Ishiba Shigeru, tiềm năng hợp tác Việt Nam - Nhật Bản là không giới hạn. Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác, xây dựng mối quan hệ bền chặt với Việt Nam. "Chính phủ 2 nước sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để mối quan hệ hợp tác này đóng góp cho sự hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới," Thủ tướng Ishiba Shigeru chia sẻ.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những chia sẻ chân thành, thực chất của các doanh nghiệp cho thấy khát vọng hợp tác cùng kiến tạo, cùng phát triển bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp vốn ODA và hợp tác lao động lớn nhất, là đối tác đầu tư lớn thứ 3, đối tác thương mại, du lịch lớn thứ 4 của Việt Nam.

Tính đến tháng 3/2025, Nhật Bản hiện có 5.500 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng số vốn gần 80 tỷ USD, trải rộng trên 59 tỉnh thành Các dự án của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, năng lượng, công nghệ cao, y tế, giáo dục. Trong Quý I/2025, vốn đầu tư từ Nhật đã tăng 20% so với cùng kỳ, đây là tín hiệu tích cực cho giai đoạn hợp tác mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ là 'chìa khóa' cho sự phát triển nhanh và bền vững của cả 2 nước.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị chính phủ Nhật Bản đồng hành và tăng cường hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình ODA thế hệ mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị chính phủ Nhật Bản đồng hành và tăng cường hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình ODA thế hệ mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ với các doanh nghiệp, ông cho biết, Việt Nam đang cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với tinh thần 3 thông: thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người thông minh.

Cùng lúc đó, Việt Nam đang thực hiện "bộ tứ chiến lược" gồm cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phát triển kinh tế số; coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế quốc gia; cùng với đó là việc hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng đề nghị chính phủ Nhật Bản đồng hành và tăng cường hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình ODA thế hệ mới, nhất là với các công nghệ chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo.

Ông mong muốn Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong chuyển giao công nghệ tài chính xanh, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, AI,… Các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tin tưởng, gắn bó, mở rộng đầu tư hơn nữa.

Tại diễn đàn, cả 2 Thủ tướng đều nhấn mạnh vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) như một đầu mối, đóng vai trò hạt nhân về hợp tác đổi mới sáng tạo giữa 2 nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng của hai nước Việt Nam - Nhật Bản đã chứng kiến cộng đồng doanh nghiệp hai nước trao đổi các văn bản hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp chiến lược, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và bán dẫn./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-se-co-nha-may-silicon-da-tinh-the-dung-cho-ban-dan-post1035623.vnp
Zalo