Sau Nghị quyết phải là hành động
Sau niềm vui mừng trước một văn kiện quan trọng nhất từ trước tới nay dành cho kinh tế tư nhân, điều cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi là các định hướng phát triển, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nêu trong Nghị quyết 68-NQ/TW phải được thực thi nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Khu vực kinh tế tư nhân - vốn đóng góp hơn 40% GDP, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động - lần đầu tiên được đặt ở một vị thế rõ ràng và chiến lược trong một văn kiện trung ương. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một mốc quan trọng, không chỉ bởi những định hướng cụ thể, mà bởi tinh thần cải cách mạnh mẽ, trực diện, tiếp cận đúng những “điểm nghẽn” lâu nay của khối doanh nghiệp tư nhân.
Điều đáng chú ý nhất trong Nghị quyết 68-NQ/TW, có lẽ, không phải là những mục tiêu về số lượng doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng mà là những chuyển động trong tư duy phát triển, trong quan điểm chỉ đạo. Nếu như trước đây, tư nhân được khuyến khích theo kiểu “bổ sung cho Nhà nước”, thì nay đã được xác định là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Đi kèm với đó là yêu cầu “xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân”, “đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước”.
Đặc biệt, tư duy quản lý đối với khối kinh tế tư nhân có bước đổi mới đột phá. Từ việc “tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế”, đến “bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm”, “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”... cho thấy sự “đổi vai” của Nhà nước. Theo đó, với kinh tế tư nhân, Nhà nước sẽ “kiến tạo” thay vì “quản lý”, sẽ “bảo vệ” thay vì “khuyến khích”.
Nghị quyết 68-NQ/TW là một văn kiện mang tính lịch sử, nhưng như mọi nghị quyết khác, giá trị của nó sẽ không nằm ở văn bản, mà nằm ở khả năng chuyển hóa thành chính sách cụ thể, hành động nhất quán và kết quả đo lường được.
Nhìn lại những năm qua, rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp tư nhân là sự thiếu nhất quán, thiếu minh bạch và phân biệt đối xử trong thể chế và chính sách. Dù pháp luật không cấm, nhưng trong thực tế, không ít doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn khi tiếp cận đất đai, vốn vay, các gói hỗ trợ, hoặc bị lép vế trong đấu thầu, phân bổ tài nguyên so với doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có yếu tố “thân hữu”. Hệ thống chính sách đã dành không ít nỗ lực để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, từ hỗ trợ vốn, ưu đãi thuế, đến chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo..., song lại bỏ qua điều mà doanh nghiệp tư nhân cần nhất, đó chính là sự bảo vệ.
Bảo vệ ở đây không phải theo nghĩa xin - cho, mà là đảm bảo cho họ một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, và đáng tin cậy. Khi hành lang pháp lý thiếu rõ ràng, khi chính sách thay đổi bất ngờ, khi các quan hệ kinh tế - dân sự có thể bị hình sự hóa dễ dàng, thì dù có hàng trăm hội nghị xúc tiến, hàng ngàn cam kết cải cách, doanh nhân vẫn “co mình lại”. Chỉ khi nào được yên tâm làm ăn, khu vực tư nhân mới dám mở rộng đầu tư, chấp nhận rủi ro, theo đuổi đổi mới sáng tạo - những yếu tố làm nên một nền kinh tế năng động và bền vững.
Lần này, Nghị quyết 68-NQ/TW đã chạm đến điều cốt lõi: trao cho doanh nghiệp tư nhân thứ họ cần nhất, đó là sự yên tâm để dấn thân và phát triển, bằng những cam kết chính trị mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ Nghị quyết đến hành động luôn là một chặng đường dài. Chúng ta có thể bảo vệ được doanh nghiệp tư nhân, không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động cụ thể hay không - đó mới là câu hỏi lớn nhất sau Nghị quyết này? Sau niềm vui mừng vì lần đầu tiên có một văn bản ở cấp cao nhất khẳng định vai trò trụ cột của kinh tế tư nhân với những đổi mới đột phá trong nhận thức và tư duy quản lý, điều cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi nhất là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nêu trong Nghị quyết 68-NQ/TW phải được thực thi nhanh nhất, hiệu quả nhất. Những cam kết như “không hình sự hóa”, “bình đẳng tiếp cận nguồn lực”, “bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh” cần được luật hóa, thể chế hóa và đưa vào hoạt động của cơ quan hành pháp - tư pháp ở mọi cấp.
Những định hướng đúng đắn cũng cần được thực thi đúng cách. Chẳng hạn, chủ trương hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt trong các ngành chiến lược, nền tảng như công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, năng lượng tái tạo, dược phẩm, logistics... là cần thiết. Nền kinh tế Việt Nam không thể chỉ dựa vào các doanh nghiệp nhỏ lẻ, manh mún. Muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phải có những doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt cả ngành và đủ sức “ra biển lớn”. Tuy nhiên, cần cảnh giác với nguy cơ “chọn sai người chơi”. Việc hỗ trợ hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân lớn phải dựa trên năng lực thực sự, hiệu quả kinh tế và minh bạch tài chính, thay vì dựa trên quan hệ, lợi ích nhóm hay sự ưu ái đặc biệt. Nếu không, chúng ta sẽ lặp lại mô hình “doanh nghiệp sân sau” đội lốt tư nhân, gây méo mó thị trường và phá vỡ niềm tin vào chính sách.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp chia sẻ một nghịch lý: chính sách Trung ương rất cởi mở, nhưng xuống địa phương thì “rào cản còn nguyên”. Chính quyền địa phương vì tâm lý e ngại trách nhiệm, sợ sai, hoặc vì lợi ích nhóm, thường né tránh các quyết định có lợi cho tư nhân. Tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” vì thế vẫn tồn tại. Do đó, phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm thực thi Nghị quyết 68-NQ/TW ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, cấp sở. Không thể chỉ kêu gọi chung chung. Cần thiết lập chỉ số theo dõi thực hiện Nghị quyết, gắn với xếp hạng chính quyền địa phương, thậm chí cả mức thưởng - phạt rõ ràng.
Nghị quyết 68-NQ/TW là một văn kiện mang tính lịch sử, nhưng như mọi nghị quyết khác, giá trị của nó sẽ không nằm ở văn bản, mà nằm ở khả năng chuyển hóa thành chính sách cụ thể, hành động nhất quán và kết quả đo lường được. Nếu làm được điều đó, đây có thể sẽ là dấu mốc khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của kinh tế tư nhân Việt Nam: tự tin, bản lĩnh và sẵn sàng vươn ra toàn cầu.