Sau khi cắt trĩ gặp tình trạng táo bón, cần chữa thế nào?
(Anh Minh Quân, 32 tuổi, ngụ huyện Long Thành)
Bác sĩ trả lời:
Chào anh!
Táo bón là bệnh lý phổ biến nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hóa trên thế giới với tỷ lệ 17% dân số toàn cầu. Táo bón xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi với tỷ lệ 30-40%. Phụ nữ có tỷ lệ mắc táo bón cao gấp 3 lần nam giới. Táo bón cũng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đi phân không đều, phân khó đi kèm với cảm giác đau và cứng. Hiện có rất nhiều định nghĩa về táo bón khác nhau, nhưng nhìn chung ở người lớn, là việc không đi đại tiện quá 3 ngày, phân cứng khô, gây đau; ở trẻ em, đại tiện dưới 3 lần/tuần thì được coi là táo bón.
Trong việc chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ thường chia táo bón thành 2 nhóm, đó là táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát. Bác sĩ cần căn cứ vào nguyên nhân để lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể.
Nhưng về cơ bản, việc điều trị táo bón sẽ thường bao gồm:
• Chế độ ăn uống: Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm cả việc uống các loại nước ép trái cây; tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống như ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc nguyên cám, ăn thức ăn lỏng như cháo, súp; ăn một số loại thức ăn có tác dụng nhuận tràng như: mật ong, vừng, hạch đào, bơ, sữa trâu bò... Ăn một số thức ăn chứa vitamin nhóm B một cách thích hợp như các loại đậu, lương thực thô, khoai lang, khoai tây..., để thúc đẩy nhu động ruột. Hạn chế tối đa các loại thức ăn, đồ uống kích thích như rượu mạnh, trà đặc, cà phê, hẹ, tỏi, ớt, các thức ăn tanh mặn vị đậm, các loại quả xanh chát; nước ngọt đóng chai, thực phẩm nhiều đường...
• Vận động: Người bệnh nên tập 30 phút thể dục mỗi ngày. Khi di chuyển cơ thể, các cơ trong ruột cũng được hoạt động nhiều hơn giúp thúc đẩy tiêu hóa.
• Không nhịn đi đại tiện: Việc trì hoãn đại tiện sẽ gây áp lực lên hậu môn trực tràng, càng làm cho tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn.
• Tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ mỗi ngày để hình thành giờ sinh học cho cơ thể. Điều này giúp cho việc đại tiện luôn đều đặn trong một khung giờ mỗi ngày.
• Thuốc: Một số loại thuốc nhuận tràng có thể giúp chữa trị táo bón. Tuy nhiên, người
bệnh nên dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.
Chúc anh có thật nhiều sức khỏe!
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang,
Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai