Sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy để thúc đẩy phát triển

Việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, hiệu lực quản lý, tạo ra một hệ thống quản trị linh hoạt để tăng trưởng toàn diện và bền vững. Quyết tâm chính trị đó của Đảng cùng sự đồng thuận cao của nhân dân sẽ bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Các đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến về việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Ảnh: Hoa Hiên

Các đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến về việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Ảnh: Hoa Hiên

Đòi hỏi gắt gao từ thực tiễn

Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng chính là “điểm nghẽn”, gây lãng phí, làm trì trệ quá trình ra quyết định, kìm hãm sự phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tổ chức bộ máy cồng kềnh, thiếu linh hoạt sẽ trở thành rào cản đối với quá trình hội nhập kinh tế. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Những điều đó dẫn đến hiệu suất công tác thấp, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Các cấp trung gian rườm rà dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, chi phí vận hành bộ máy lớn, tiêu tốn nguồn lực cho đầu tư phát triển v v. Đó là gánh nặng mà ngân sách phải chi “nuôi”, với những công chức giả vờ mẫn cán nhưng thiếu năng động và nhiệt tình giải quyết công việc. Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra: “Hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy, trong khi đó công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập, một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý”(1).

Tổ chức bộ máy đã bộc lộ nhiều bất cập. Tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước đã không còn phù hợp. Tinh gọn để bộ máy mang đặc tính ưu việt “tinh - gọn - mạnh” là đòi hỏi cấp thiết và tất yếu của thực tiễn. Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện cuộc cách mạng xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trong lý luận, Đảng luôn coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Văn kiện các Đại hội Đảng IX, XII, XIII đều nhấn mạnh nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Trong thực tiễn, Đảng đang tập trung lãnh đạo thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đóng vai trò quyết định đối với việc nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý đất nước.

Tinh gọn bộ máy được tổ chức một cách khoa học, hợp lý, giúp hệ thống vận hành hiệu quả, linh hoạt hơn. Bộ máy tinh gọn, vận hành linh hoạt không chỉ giúp đất nước phát triển bền vững, mà còn tăng khả năng thích ứng với biến động của tình hình thế giới. Việc cắt giảm thủ tục hành chính, loại bỏ “điểm nghẽn” trong hệ thống quản lý tạo thuận lợi hơn cho môi trường, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không chỉ là giảm đầu mối, mà điều quan trọng là hướng đến sự vận hành hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực. Tinh giản không phải là giảm con số thống kê mà hướng đến chất lượng của bộ máy, loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả. Điều cần/cấp thiết là gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh, đủ tiêu chí phẩm chất, nâng cao năng lực để ngang tầm nhiệm vụ.

Giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý

Trong cuộc cách mạng nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính quyền đang diễn ra có thể nhìn rõ: Các tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, tạo “điểm nghẽn”, làm lỡ cơ hội phát triển, gây bức xúc cho người dân. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn đương nhiên dẫn đến làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển… Sự hiện hữu của nhiều tầng nấc trung gian và sự rườm rà của thủ tục hành chính đã làm chậm trễ quá trình ra quyết định từ phía chính quyền và hệ lụy liền sau đó là gây cản trở sự vận hành của doanh nghiệp.

Những bất cập hiện nay gắn với hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị là quá trình ra quyết định chưa linh hoạt, kéo dài, gây chậm trễ trong xử lý công việc. Cùng với đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, phải trải qua nhiều cấp xét duyệt, gây khó khăn cho người dân, gây trì trệ cho xã hội. Điều này không chỉ làm suy giảm hiệu quả quản lý, mà còn gia tăng chi phí chấp hành và là rào cản đối với phát triển. Việc giảm cấp trung gian và tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được xác định là một nhiệm vụ chiến lược, mang tính đột phá. Việc tối ưu hóa cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng thời cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc cắt giảm quy trình xét duyệt không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước không chỉ giúp rút ngắn thời gian xử lý công việc, mà còn nâng cao chất lượng phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp.

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm cấp trung gian và đơn giản hóa thủ tục hành chính không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng dịch vụ công và tăng cường niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào bộ máy chính quyền. Trong mô hình quản lý mới, vai trò của cấp Trung ương sẽ tập trung vào hoạch định chính sách và định hướng chiến lược. Cấp địa phương được trao quyền nhiều hơn trong việc triển khai thực hiện. Điều này sẽ giúp rút ngắn quá trình ra quyết định, tăng tốc độ xử lý công việc, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tinh gọn bộ máy mở đường cho phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Tính chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương được nâng cao.

Hiệu quả bước đầu đã hiện rõ

Sau khi sắp xếp lại, bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã giảm từ 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ. Việc sáp nhập các sở, ngành có chức năng tương đồng - như sở giao thông vận tải và sở xây dựng, sở kế hoạch và đầu tư với sở tài chính, sở lao động - thương binh và xã hội và sở nội vụ, sở khoa học và công nghệ và sở thông tin truyền thông, báo và đài địa phương... ở các tỉnh, thành phố giúp tăng cường công tác phối hợp, hạn chế chồng chéo và nâng cao hiệu quả quản lý. Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ giúp tăng cường hiệu quả vận hành, mà còn khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khi một số đơn vị vừa thực hiện chức năng quản lý, vừa trực tiếp triển khai hoạt động, dẫn đến nguy cơ xung đột lợi ích, lãng phí nguồn lực.

Không chỉ triển khai ở các ngành và cấp trung ương, việc tinh gọn tổ chức bộ máy được triển khai đồng bộ ở các địa phương. Các địa phương đã thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, giảm cấp hành chính trung gian phù hợp với thực tiễn, chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo hai cấp là tỉnh và xã, phường. Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025.

Sáp nhập các tỉnh, thành phố để mở rộng địa giới hành chính gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, không tổ chức cấp huyện nhằm giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm chi phí hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý. Trong các tỉnh đã sáp nhập, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để mở rộng quy mô quản lý, bảo đảm phục vụ nhân dân tốt hơn. Mục tiêu đầu tiên hướng đến khi sáp nhập là mở rộng không gian phát triển cho các địa phương. Đồng thời với việc sáp nhập là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy với đích đến là tổ chức được bộ máy “tinh - gọn - mạnh”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cùng với đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp hơn, mẫn cán hơn. Mục tiêu quan trọng sau sắp xếp là chính quyền phải sát dân, gắn với dân hơn, giải quyết những công việc của dân trực tiếp, nhanh chóng và hiệu quả.

Tinh gọn và/để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy là công việc khó, cũng không thể đạt kết quả ngay lập tức, nhưng để tiến lên chúng ta không thể không làm. Việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và quản lý không chỉ là yêu cầu nội tại, mà còn là điều kiện tất yếu để Việt Nam tiến lên trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, được số hóa và vận hành hiệu quả sẽ là công cụ thúc đẩy tạo bước ngoặt phát triển đất nước. Để làm được nhiệm vụ nặng nề đó đòi hỏi ý chí quyết tâm, tinh thần quyết liệt của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất ở tất cả các đảng viên. Người đứng đầu các cấp, các cơ quan phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự thống nhất nhận thức và có sức lan tỏa rộng rãi, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân.

Ngô Vương Anh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc/sap-xep-to-chuc-tinh-gon-bo-may-de-thuc-day-phat-trien-160444.html
Zalo