Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Lợi ích và thách thức cần vượt qua?

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là chủ trương đúng đắn và mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, quá trình cải cách cũng đặt ra không ít thách thức phải vượt qua để thực hiện thành công chủ trương quan trọng này.

Quyết định sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm tình trạng chồng chéo, tiết kiệm ngân sách và cải thiện chất lượng phục vụ Nhân dân. Tuy nhiên, quá trình cải cách cũng đặt ra không ít thách thức phải vượt qua để thực hiện thành công chủ trương quan trọng này.

Lợi ích to lớn

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích về hiệu quả quản lý, tiết kiệm ngân sách và cải thiện chất lượng phục vụ Nhân dân.

Hiện tại, bộ máy hành chính còn tình trạng chồng chéo chức năng, nhiều cơ quan cùng thực hiện một nhiệm vụ, dẫn đến lãng phí nguồn lực và giảm hiệu lực quản lý (xây dựng đô thị, quản lý đất đai…). Việc tinh gọn sẽ giúp phân định rõ trách nhiệm, tránh đùn đẩy công việc. Khi giảm số lượng đơn vị hành chính, cán bộ, công chức sẽ được sắp xếp lại theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, nhờ đó hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước sẽ được nâng cao.

Cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động từ 1/7/2025

Cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động từ 1/7/2025

Theo đề án cải cách, từ 1/7, chính quyền địa phương sẽ chỉ còn 2 cấp (tỉnh và xã), giảm khoảng 60-70% số lượng xã và sáp nhập còn 34 tỉnh/thành phố. Việc cắt giảm đầu mối giúp giảm đáng kể chi phí vận hành. Ngân sách nhà nước sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng điểm thay vì dàn trải cho quá nhiều đơn vị nhỏ lẻ, tiết kiệm được ngân sách, giảm gánh nặng chi tiêu công và tối ưu hóa nguồn lực.

Khi bộ máy gọn nhẹ, quy trình giải quyết công việc sẽ nhanh chóng hơn, rút ngắn thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch, cải thiện chất lượng phục vụ, giảm tình trạng phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Việc hợp nhất các tổ chức đoàn thể, giải thể hoặc sáp nhập, tinh giản các hội, hiệp hội (Mặt trận Tổ quốc, công đoàn, hội chữ thập đỏ…) giúp giảm đầu mối, tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy tạo động lực cho đổi mới, phá bỏ tư duy cũ, thúc đẩy cải cải thể chế, tạo niềm tin xã hội, thích ứng với xu thế phát triển hiện đại. Một bộ máy tinh gọn sẽ linh hoạt hơn trong ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, dễ áp dụng Chính phủ số, tự động hóa quy trình, đáp ứng yêu cầu hội nhập (các nước phát triển đều có bộ máy tinh gọn). Đây cũng là bước đệm quan trọng để hoàn thiện thể chế, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới.

Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng vấp phải một số thách thức cần vượt qua, bao gồm: chế độ cho người về hưu sớm, việc làm cho cán bộ dôi dư, đào tạo lại nguồn nhân lực và việc tái cơ cấu. Khi bỏ cấp huyện và giảm mạnh số lượng xã, hàng nghìn cán bộ có nguy cơ mất việc làm hoặc phải chuyển công tác khác. Nhiều cán bộ cấp huyện, cấp xã (phường) có thể chưa đáp ứng với yêu cầu, cần được đào tạo lại để phù hợp với mô hình mới.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính, mở rộng địa bàn có thể dẫn đến khó khăn trong quản lý, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Nếu triển khai không đồng bộ, có thể gây khó khăn trong tiếp cận dịch vụ công (y tế, giáo dục). Việc tái cơ cấu cũng phải lường trước những tiêu cực có thể xảy ra như bị lợi dụng để gạt bỏ cán bộ “không hợp” hoặc những bất hợp lý trong bố trí nhân sự. Ngoài ra, tâm lý lo ngại bị giảm quyền lực, ngân sách hoặc ảnh hưởng lợi ích cục bộ có thể xuất hiện.

Cần giải pháp quyết liệt và đồng bộ

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cần xây dựng kế hoạch chi tiết từng bước, lộ trình rõ ràng, tránh thực hiện ồ ạt gây xáo trộn. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân từ cơ sở và các chuyên gia, nhà nghiên cứu để đảm bảo tính dân chủ, tính thực tiễn, tránh cải cách “từ trên xuống” thiếu khả thi, đồng thời tạo sự đồng thuận xã hội, giảm thiểu phản ứng tiêu cực. Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình sắp xếp, tái cơ cấu bộ máy.

Giải quyết thật tốt vấn đề nhân sự, thực hiện phân loại để có chính sách phù hợp (nhóm tiếp tục làm việc, nhóm chuyển đổi vị trí, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu sớm). Ưu tiên giữ lại cán bộ có năng lực, chuyên môn phù hợp với vị trí mới. Bố trí công việc đúng thế mạnh của cán bộ. Tổ chức đào tạo lại cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu mới. Áp dụng chính sách hỗ trợ một lần đối với nhóm nghỉ hưu sớm, đào tạo nghề mới hoặc tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp cho nhóm nghỉ việc.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đảm bảo sự đoàn kết, đồng thuận khi thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đảm bảo sự đoàn kết, đồng thuận khi thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy

Tái bố trí nhân sự một cách linh hoạt, thực hiện luân chuyển cán bộ giữa các địa phương (cán bộ huyện có thể sang làm việc tại các xã hoặc cơ quan tỉnh). Tăng cường cán bộ cho lĩnh vực thiếu nhân lực sau khi đào tạo (y tế, giáo dục, dịch vụ công).

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, số hóa dữ liệu hành chính, giảm bớt thủ tục, nâng cao hiệu quả quản lý dù bộ máy gọn nhẹ hơn, đảm bảo tính liên thông giữa các cấp, tránh gián đoạn các dịch vụ công đang được tiến hành.

Tổ chức giám sát chặt chẽ, tránh các lợi ích nhóm. Nghiên cứu thành lập cơ quan kiểm tra độc lập để đảm bảo quá trình sắp xếp diễn ra công bằng, không bị “biến tướng”. Cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, cá nhân, tổ chức lợi dụng cải cách để trục lợi.

Như vậy, sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là một chủ trương đúng đắn. Để thành công, cần kết hợp đồng bộ các giải pháp từ chính sách nhân sự đến ứng dụng công nghệ, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong suốt quá trình thực hiện. Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là bước đột phá quan trọng, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước.

CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/sap-xep-tinh-gon-bo-may-loi-ich-va-thach-thuc-can-vuot-qua-post1193994.vov
Zalo