SẮP XẾP ĐVHC: Bố trí CBCC hợp ý; có chính sách thỏa đáng với nhân sự dôi dư

Đại biểu Quốc hội đề xuất quá trình sắp xếp, sáp nhập các tỉnh cần có lộ trình khoa học, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đảm bảo quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Đồng thời sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý và có chính sách thỏa đáng đối với nhân sự dôi dư.

Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung cấp thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ được tiến hành theo 02 đợt. Đợt 1 dự kiến diễn ra từ ngày 05/5 đến 29/5/2025. Đợt 2 dự kiến từ ngày 11/6 đến hết ngày 28/6/2025. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, trong đó Quốc hội sẽ ưu tiên xem xét, quyết định các nội dung thực sự cấp thiết phục vụ công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động; những vấn đề điều chỉnh luật, nghị quyết có liên quan mật thiết tới sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước.

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung (3 nghị quyết về công tác lập hiến; 49 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước).

Đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghiên cứu, làm cơ sở thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Đại biểu Trần Văn Khải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Trần Văn Khải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Tạo xung lực mới cho công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ

Trao đổi trên Cổng TTĐT Quốc hội, đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, bám sát chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn, ông đặc biệt quan tâm đến chương trình nghị sự quan trọng của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến nhiều vấn đề hệ trọng thuộc cả hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề lớn của quốc gia.

Đặc biệt, hàng loạt dự án luật nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững sẽ được xem xét.

Chẳng hạn, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đồng thời sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước nhằm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cùng các chính sách kinh tế – xã hội trọng điểm khác.

Đây là sự cụ thể hóa các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng, thể hiện quan điểm coi khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ chốt cho phát triển nhanh, bền vững.

Đại biểu Trần Văn Khải tin tưởng kỳ họp sắp tới sẽ tạo xung lực mới cho công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ.

Sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnhcần phù hợp với đặc thù của từng địa phương

Bày tỏ tán thành chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy Nhà nước, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng: Quan trọng hơn, chủ trương này thể hiện tư duy phát triển mới, không chỉ dừng ở mục tiêu tinh giản đầu mối mà hướng đến mục tiêu cuối cùng là phát triển đất nước hưng thịnh.

Việc sắp xếp lại các tỉnh sẽ giúp giảm tầng nấc trung gian, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị; đồng thời tạo không gian phát triển mới và động lực mạnh mẽ để các địa phương, vùng miền cùng phát triển.

Để triển khai hiệu quả, đại biểu đề xuất quá trình sắp xếp, sáp nhập cần có lộ trình khoa học, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đảm bảo quyền lợi chính đáng của Nhân dân.

Đồng thời sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý và có chính sách thỏa đáng đối với nhân sự dôi dư.

Đại biểu nhấn mạnh: Nếu làm tốt, việc sáp nhập tỉnh sẽ góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, phát huy nguồn lực và tạo động lực cho phát triển bền vững lâu dài.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/sap-nhap-dvhc-can-lo-trinh-khoa-hoc-phu-hop-sap-xep-cbcc-hop-y-co-chinh-sach-thoa-dang-voi-nhan-su-doi-du-119250504095543578.htm
Zalo