Thông tin mới việc lấy ý kiến Nhân dân về sửa Hiến pháp năm 2013

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ tiến hành từ 6-5 đến 5-6-2025.

Chiều 4-5, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp từ 06-5 đến 05-6

Báo cáo tóm tắt nội dung kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết theo dự kiến, Kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc vào sáng mai (5-5) và bế mạc vào ngày 30-6; được tổ chức thành 2 đợt (đợt 1: từ 5-5 đến 29-5; đợt 2: từ 11-6 đến 30-6).

"Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc sớm hơn thường lệ để xem xét, quyết định khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung có tính cấp thiết, quan trọng vừa được Trung ương thống nhất chủ trương tại Hội nghị lần thứ 11" - theo ông Vũ Minh Tuấn.

 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn báo cáo tại buổi họp báo. Ảnh: CHÂN LUẬN

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn báo cáo tại buổi họp báo. Ảnh: CHÂN LUẬN

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Đáng chú ý, liên quan công tác lập hiến, lập pháp, ông Vũ Minh Tuấn thông tin Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trong đó, xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, có nhiều đổi mới trong cách làm. Tuy nhiên, thời gian thực hiện không nhiều và phải hết sức khẩn trương, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30-6-2025, có hiệu lực từ ngày 01-7-2025.

Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 là nhằm thể chế hóa kịp thời kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào hai nhóm nội dung. Nhóm nội dung thứ nhất là các quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại các điều 9, 10 và 84 để sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng).

Nhóm thứ hai là quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX để tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương. Qua đó, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

“Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời gian 30 ngày, từ 06-5 đến 05-6-2025” – ông Tuấn nêu rõ.

 Các đại biểu tại buổi họp báo. Ảnh: CHÂN LUẬN

Các đại biểu tại buổi họp báo. Ảnh: CHÂN LUẬN

Báo cáo việc gỡ vướng cho các dự án tồn đọng

Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ cho ý kiến về đối với 6 dự án luật gồm Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Dẫn độ, Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước như Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình triển khai năm 2025. Trong đó, có nội dung về cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng.

Cùng đó là xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025. Trong đó có báo cáo về các nội dung về việc điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp tục nâng lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo; việc thực hiện các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với sắp xếp bộ máy, miễn giảm học phí…

Kỳ họp còn xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.

Một nội dung khác là Quốc hội xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031… cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

CHÂN LUẬN

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/thong-tin-moi-viec-lay-y-kien-nhan-dan-ve-sua-hien-phap-nam-2013-post847873.html
Zalo