Sắp xếp đơn vị hành chính: Không để gián đoạn giải quyết TTHC về đất đai
Còn gần một tháng nữa là đến thời điểm huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang sáp nhập; điều chỉnh địa giới huyện Lục Ngạn và một phần huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới. Dù còn nhiều việc phải làm song các cơ quan, địa phương liên quan vẫn tập trung cao giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân.
Chủ động các khâu công việc
Lo ngại phải đi xa cũng như việc thay đổi về hạn mức giao đất, mức nộp phí, lệ phí khi Yên Dũng và TP Bắc Giang sáp nhập, nhiều người dân đã đến nộp hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC về đất đai tại bộ phận một cửa huyện Yên Dũng. Tính từ ngày 1/8/2024 tới nay, tại đây đã tiếp nhận 519 hồ sơ về đất đai; trong đó riêng tháng 10 và 11 tiếp nhận 405 hồ sơ. Dự kiến lượng hồ sơ còn phát sinh nhiều từ nay cho đến khi sáp nhập. Các hồ sơ chủ yếu của hộ gia đình, cá nhân đề nghị đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Hiện nay, hệ thống phần mềm tiếp nhận, thụ lý hồ sơ TTHC về đất đai theo bộ thủ tục mới chưa được thiết lập. Ngoài ra, Luật Đất đai mới ban hành, các nghị định, thông tư hướng dẫn đã có nhưng việc đưa vào thực hiện còn lúng túng (đặc biệt là những hồ sơ xử lý một phần ở cấp xã),... nên tiến độ giải quyết hồ sơ tại bộ phận chuyên môn bị chậm. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện vừa đề nghị cho duy trì tổ công tác hỗ trợ đến hết 31/12/2024. Cùng đó, động viên cán bộ, viên chức làm thêm giờ để tập trung xử lý hồ sơ, rà soát, bố trí giải quyết các công việc như giải phóng mặt bằng cầu Đồng Việt, Khu công nghiệp Yên Lư; thiết lập hồ sơ cưỡng chế và triển khai một số dự án mới…
Tại huyện Lục Ngạn, lượng hồ sơ gửi đến bộ phận một cửa không biến động lớn. Tuy nhiên, do số hồ sơ lưu nhiều, cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu chia tách nên đơn vị chuyên môn phải tập trung cao cho việc rà soát, sắp xếp, phân loại hồ sơ. Theo ông Ngô Sách Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) Lục Ngạn, toàn huyện hiện có hơn 70 nghìn hồ sơ giao dịch phải lưu không thời hạn và khoảng 30 nghìn hồ sơ giao dịch bảo đảm lưu có thời hạn. Hiện Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh giao Chi nhánh tiếp tục quản lý, lưu trữ hồ sơ của cả thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới cho đến khi bố trí được kho lưu. Do đó, từ nhiều ngày nay, Chi nhánh phân công cán bộ rà soát, phân loại, sắp xếp, đóng gói hồ sơ của từng xã, thị trấn riêng biệt, khoa học, tạo thuận lợi cho việc tra cứu, giải quyết hồ sơ sau khi chia tách đơn vị hành chính.
Tiếp nhận hồ sơ giải quyết thông suốt
Được biết, phục vụ cho việc điều chỉnh địa giới hành chính, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, UBND cấp huyện, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai sắp xếp bố trí, kiện toàn tổ chức bộ máy tại các đơn vị hành chính mới.
Sở TN&MT đã xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP Bắc Giang, thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới theo hướng sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và viên chức phù hợp với vị trí việc làm, năng lực, trình độ của từng người, bảo đảm số lượng đáp ứng yêu cầu công việc. Theo đề án này, Sở TN&MT dự tính bố trí Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP Bắc Giang gồm 35 người (26 biên chế và 9 hợp đồng); Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thị xã Chũ 14 người (9 biên chế và 5 hợp đồng); Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Lục Ngạn mới 15 người (11 biên chế và 4 hợp đồng).
Bên cạnh công tác nhân sự, việc bố trí trang thiết bị, máy móc phục vụ công việc tại các đơn vị mới sáp nhập, chia tách được quan tâm, bảo đảm yêu cầu giải quyết các TTHC về đất đai liên tục, thông suốt. Đơn cử như trang thiết bị phục vụ hoạt động tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Lục Ngạn mới, máy tính, máy in, bàn làm việc… trước đó được trang bị cho cán bộ, nhân viên nào thì người đó mang theo sang đơn vị mới để tiếp tục sử dụng. Máy photocopy, máy đo chuyển từ Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ Yên Dũng đến. Các vấn đề phát sinh (thiếu, hỏng..) nếu không tự giải quyết được thì báo cáo lãnh đạo Sở chỉ đạo, giải quyết.
Về cơ sở vật chất, Sở đề nghị UBND TP Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn bổ sung thêm phòng làm việc, kho lưu trữ hồ sơ tài liệu và các điều kiện vật chất khác để ngay sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, các chi nhánh có thể đi vào hoạt động ngay.
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở TN&MT thông tin: "Các đơn vị sáp nhập và chia tách địa bàn rộng, cách xa nhau. Sau sắp xếp, các chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ biên chế không tăng, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu về tiến độ, chất lượng ngày càng cao. Để cán bộ được luân chuyển yên tâm công tác, bảo đảm việc giải quyết hồ sơ TTHC về đất đai thông suốt, bên cạnh quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền các chủ trương về tinh gọn cơ cấu tổ chức, biên chế, tạo sự đồng thuận, Sở đã có văn bản đề nghị HĐND tỉnh quan tâm, có chính sách hỗ trợ cho lãnh đạo, viên chức, lao động hợp đồng từ Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP Bắc Giang và huyện Yên Dũng đến làm việc tại Chi nhánh thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới theo quy định".
Thời điểm này, số hồ sơ hành chính về đất đai lớn, khối lượng công việc trước thời điểm sáp nhập nhiều, lãnh đạo UBND huyện Yên Dũng đã quan tâm động viên các bộ phận, đơn vị liên quan khắc phục khó khăn, tăng ca kíp làm việc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu giải quyết hồ sơ của tổ chức, cá nhân.
Bài, ảnh: Tuấn Dương