Sáp nhập tỉnh, thành phố: Thời cơ chín muồi cho cuộc sắp xếp mang tầm lịch sử!
Năm 2025 là năm đánh dấu bước tiến mới với Kết luận số 126-KL/TW và 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đặc biệt, chủ trương sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện thể hiện tư duy đột phá trong cải cách hành chính.
Tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa tiềm năng của từng địa phương
Cả nước đang triển khai chủ trương sáp nhập tỉnh thành - một phần của quá trình tinh gọn bộ máy hành chính với mục tiêu giảm từ 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh xuống còn khoảng một nửa. Quyết định sáp nhập tỉnh, thành phố nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và quản lý hiệu quả hơn. Trước hết, việc sáp nhập giúp tinh gọn bộ máy hành chính, giảm bớt các đơn vị trung gian, từ đó cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả quản lý Nhà nước. Điều này cũng tạo điều kiện tối ưu hóa nguồn lực, khai thác tiềm năng kinh tế và tăng khả năng tự cân đối ngân sách, đặc biệt đối với các tỉnh nhỏ hoặc có nguồn thu hạn chế. Việc sáp nhập cũng góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hình thành các trung tâm kinh tế lớn, tăng cường sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng Chính phủ số và ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo thuận lợi lớn trong quản lý hành chính, cho phép giải quyết thủ tục hành chính không biên giới, giảm thiểu các rào cản địa lý giữa các tỉnh. Cùng với đó, hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng cơ bản đã hoàn thành, bao gồm các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và hạ tầng giao thông công cộng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các địa phương sau khi sáp nhập. Việc tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp sẽ tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.
Việc sáp nhập tỉnh, thành phố sẽ mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế và khai thác các đặc trưng, đặc thù của từng địa phương để hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi tỉnh, thành phố đều có những lợi thế riêng về tài nguyên, văn hóa, du lịch hay công nghiệp và khi sáp nhập thì các địa phương có thể phối hợp, bổ trợ lẫn nhau để phát triển toàn diện hơn, tạo động lực phát triển chung cho cả khu vực và đất nước.
Kết luận số 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nêu việc sáp nhập không chỉ dựa trên các yếu tố truyền thống như quy mô dân số và diện tích mà cần có nghiên cứu kỹ lưỡng về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế. Một mục tiêu quan trọng được nhấn mạnh là việc sáp nhập phải hướng tới mở rộng không gian phát triển cho các địa phương và quốc gia.

Việc sáp nhập góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hình thành các trung tâm kinh tế lớn, tăng cường sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Các tiêu chí cụ thể hơn đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố vào ngày 5/3, bao gồm diện tích tự nhiên, quy mô dân số, tình hình phát triển kinh tế, đặc trưng văn hóa và khả năng bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương dự kiến sáp nhập. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vào ngày 11/3 cũng nhấn mạnh rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính không phải là giải pháp tình thế hay thay đổi ngắn hạn, mà là một bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian để phát triển ổn định trong hàng trăm năm tới.
Sự chú trọng vào yếu tố kinh tế tiếp tục được thể hiện trong phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc ngày 17/3 với Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội 14 của Đảng. Ông khẳng định rằng việc sắp xếp tỉnh thành không chỉ đơn thuần là thay đổi về mặt địa lý hành chính mà còn là sự điều chỉnh sâu sắc đối với không gian kinh tế và việc phân bổ nguồn lực.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng việc giảm số lượng tỉnh từ 63 xuống còn hơn 30 là bước đi cần thiết và hợp lý trong bối cảnh phát triển hiện nay của Việt Nam. Nguyên tắc bao trùm cho quá trình sắp xếp là tạo động lực phát triển mạnh mẽ và bền vững cho các địa phương.
Việc sáp nhập tỉnh thành sẽ tạo ra không gian và dư địa phát triển mới, đồng thời giải quyết nhiều vấn đề tồn tại trong liên kết vùng và sự liên thông tự nhiên giữa các khu vực. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sáp nhập là phải xóa bỏ được thực trạng phân mảnh lãnh thổ tự nhiên bởi đây chính là nền tảng vững chắc để duy trì sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội.
Thấm nhuần quan niệm “trăm sông đổ về biển cả”, ông Nguyễn Chu Hồi đề xuất nguyên tắc then chốt cho sáp nhập tỉnh thành là ưu tiên tối đa việc hình thành các tỉnh có biển, đồng thời thiết lập mối liên kết chiến lược giữa biển và đất liền - tỉnh biển sáp nhập với tỉnh núi rừng hoặc tỉnh duyên hải với nội địa. Đây được xem là chìa khóa để khai thác triệt để sức mạnh biển, mở ra một kỷ nguyên phát triển cân bằng và bền vững cho Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, chỉ rõ Việt Nam là quốc gia biển với 28 tỉnh thành có biển, cùng nhiều vùng núi rừng, đồng bằng. “Vậy thì cần sáp nhập sao cho tỉnh thành sau sắp xếp phải có biển, trừ các tỉnh quá sâu trong đất liền”, ông đề xuất và cho rằng điều này mở ra không gian phát triển mới, tạo sự tự chủ trong hoạt động xuất nhập khẩu qua đường biển cho các địa phương.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh mục tiêu then chốt của việc sáp nhập tỉnh thành là kiến tạo sức mạnh kinh tế mới cho cả địa phương và quốc gia. Do đó cấp có thẩm quyền cần tính toán để chủ trương sáp nhập tỉnh thành mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời bổ sung nguồn lực và lợi thế giữa các địa phương.
Theo bà, Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh là “quá nhỏ và manh mún”, gây trở ngại cho các dự án quy mô lớn như xây dựng đê chống lũ. Do đó, việc sáp nhập các tỉnh trong khu vực này cần hướng đến phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.


Việc sáp nhập các tỉnh trong khu vực ĐBSCL sẽ khai mở một không gian phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Đối với các đô thị lớn như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, bà Chi Lan đề xuất nguyên tắc sáp nhập tập trung vào việc mở rộng động lực tăng trưởng kinh tế cho cả nước. Việc sáp nhập các đô thị không đơn thuần tạo ra một đô thị lớn hơn về diện tích và dân số, mà phải hình thành một mô hình tăng trưởng mới dựa trên chất lượng với các ngành kinh tế mới và giá trị gia tăng cao. “Đô thị mới này phải đóng vai trò là đầu tàu, thúc đẩy sự phát triển của các vùng lân cận”, chuyên gia Phạm Chi Lan hiến kế.
Để “ổn định trăm năm”, chuyên gia Phạm Chi Lan lưu ý quá trình sáp nhập tỉnh cần tính đến yếu tố văn hóa, tập quán, hướng tới sự hòa hợp giữa cộng đồng các vùng miền và ngăn ngừa xung đột.
Cần cơ chế thu hút, giữ chân nhân tài trong hệ thống hành chính
Chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện đã trở thành mệnh lệnh cải cách cấp bách. Với các Kết luận 126-KL/TW, 127-KL/TW, 128-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng với quyết định của Bộ Chính trị ngày 14/3/2025, Đảng, Nhà nước đã xác định rõ lộ trình cải tổ bộ máy hành chính triệt để, hướng tới một mô hình quản lý tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển. Theo đó, Quốc hội sẽ sửa Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan để hoàn thiện cơ sở pháp lý, việc còn lại là triển khai thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Đây không chỉ là một cuộc tinh giản về mặt tổ chức, mà là một cuộc đổi mới toàn diện tư duy quản trị, hướng tới một bộ máy linh hoạt, hiệu lực hơn, hoạt động vì dân. Việc sáp nhập sẽ giúp giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng nếu không triển khai tốt, quá trình thực hiện có thể gặp vướng mắc, gây gián đoạn, tạo tâm lý không tốt trong bộ máy và xã hội. Cần quyết liệt hành động, giải quyết ngay các vấn đề then chốt để bảo đảm việc triển khai khẩn trương, hiệu quả.
Khi sáp nhập đơn vị hành chính, một trong những thay đổi lớn mà cán bộ, công chức, viên chức phải đối mặt chính là địa điểm làm việc, đi lại và điều kiện sinh hoạt. Việc di chuyển trung tâm hành chính có thể dẫn đến nhiều cán bộ, công chức phải làm việc xa nơi ở hiện tại, thậm chí phải chuyển gia đình đến nơi khác. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, điều này có thể gây ra tâm lý lo lắng, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, thậm chí dẫn đến tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do đó, chính quyền các địa phương cần chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức một cách hợp lý và nhân văn như: có chính sách hỗ trợ chỗ ở hợp lý, có thể theo hình thức nhà công vụ hoặc hỗ trợ chi phí thuê nhà cho những cán bộ phải di chuyển xa; bố trí phương tiện công vụ hoặc có chính sách hỗ trợ chi phí đi lại để cán bộ, công chức không bị áp lực tài chính khi phải làm việc ở trung tâm hành chính mới… Các chính sách này giúp họ yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến; cũng là để các địa phương xây dựng cơ chế thu hút, giữ chân nhân tài trong hệ thống hành chính. Chỉ khi họ có điều kiện làm việc tốt, có chỗ ở ổn định, được quan tâm đúng mức mới có thể toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hành chính, phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể nói, sáp nhập đơn vị hành chính là cơ hội lớn để tái thiết hệ thống hành chính. Đây sẽ là một cuộc cải cách mang ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với một bộ máy quản lý hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Do đó, việc sáp nhập là phải làm ngay, làm nhanh, làm thành công.
Sáp nhập tỉnh sẽ có hiệu lực từ 1/7Sáng 25/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7 khóa XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp 9 tới đây.Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang bước sang giai đoạn 2. Tại kỳ họp thứ 9 sắp tới, Quốc hội sẽ tiến hành sửa Hiến pháp, sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện. Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp 9 tới đây sẽ diễn ra trong gần 2 tháng. Trong thời gian nghỉ khoảng gần 1 tháng sẽ tiến hành lấy ý kiến nhân dân về việc sửa Hiến pháp. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ họp liên tục để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.“Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước ngày 30/6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ thông qua nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại cấp xã trước ngày 30/6. Từ 1/7 các nghị quyết sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, xã sẽ có hiệu lực thi hành”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.