Sáp nhập phường, xã: Tinh lọc cán bộ, phục vụ dân tốt hơn
Theo các chuyên gia, khi sắp xếp cấp xã thì điều đầu tiên là cần đảm bảo các dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục… và các thủ tục hành chính không bị gián đoạn.
Hiện nay tại TP.HCM, các phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã đang được gấp rút triển khai để làm cơ sở trước khi thực hiện chủ trương không tổ chức cấp huyện.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần có những phương án tối ưu khi sắp xếp ĐVHC cấp xã tại TP.HCM, nhất là cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về diện tích, dân số, đặc điểm địa lý, lịch sử và văn hóa của từng khu vực.

Một điều quan trọng khi sắp xếp phường, xã là rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thiểu giấy tờ và thời gian chờ đợi cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG GIANG
Xem xét kỹ đặc điểm nội thành và ngoại thành
TS Nguyễn Đức Quyền, chuyên gia quản lý công Học viện Cán bộ TP.HCM, nhấn mạnh việc sắp xếp phường, xã tại TP trước hết phải tuân thủ các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Đảm bảo tính khoa học, hợp lý, dựa trên tiêu chí về diện tích, dân số, mật độ dân cư và các yếu tố kinh tế - xã hội khác. Đồng thời, không quên giữ gìn bản sắc địa phương, ưu tiên giữ lại những tên gọi có giá trị lịch sử, văn hóa, được người dân địa phương đồng thuận.
Theo TS Quyền, đối với khu vực nội thành nên ưu tiên sáp nhập các phường có diện tích nhỏ và dân số ít để tạo ra các ĐVHC có quy mô phù hợp. “Với những quận nội thành có mật độ dân số cao, phương án sáp nhập để tinh gọn bộ máy hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý đô thị là một quá trình phức tạp. Do đó, phải đảm bảo tính hiệu quả cũng như bền vững của phương án sáp nhập” - TS Quyền nêu.
Còn ở những khu vực ngoại thành có diện tích lớn, dân số phân bổ không đều, TS Quyền cho rằng nên xem xét kỹ lưỡng đặc điểm địa lý và dân cư của từng nơi.
“Có thể giữ lại những xã có diện tích và dân số phù hợp, đồng thời sáp nhập các xã có diện tích nhỏ và dân số thấp; chia các xã có diện tích quá lớn thành nhiều ĐVHC nhỏ hơn để đảm bảo hiệu quả quản lý” - ông Quyền nói, đồng thời nhấn mạnh cần đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn nông thôn, nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân ở khu vực này.
Còn TS Nguyễn Thị Thiện Trí, giảng viên khoa Luật hành chính - nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng bên cạnh các tiêu chuẩn chung khi sáp nhập thì cần tính toán đến đặc điểm nổi bật của địa phương đó.
Như làng ĐH Thủ Đức, các khu vực đặc trưng về ngành nghề lâu đời… cũng cần được tính toán để không bị chia rẽ, trộn lẫn những đặc trưng này.
TS Trí cho rằng TP.HCM là một đô thị có bề dày lịch sử, sự phân chia về mặt dân cư đã ổn định, ăn sâu vào trong lối sống của người dân, tạo thành những nhóm dân cư tự nhiên. Chính vì vậy có thể dựa vào điều này để thành lập phường mới.
“Con số sáp nhập bao nhiêu phường, tạo thành bao nhiêu phường là điều cần quan tâm nhưng không nên chia theo con số cơ học” - TS Trí nói và cho rằng Trung ương có thể trao cho TP.HCM sự chủ động trong việc quyết định sẽ sắp xếp ra sao hay được khoán biên chế để quản lý địa phương mới tốt hơn.

Khi sắp xếp lại phường, xã, TP.HCM phải có kế hoạch để máy giữ lại những cán bộ có năng lực, có đức, có tài và tận tâm với dân. Ảnh: THUẬN VĂN
Trao nhiều quyền để cấp xã tự quyết
Về vận hành của chính quyền cấp cơ sở sau sáp nhập, TS Trí cho rằng chính quyền mới phải phản ứng nhanh với mọi việc, muốn vậy thì bộ máy phải theo chế độ thủ trưởng, giảm bớt họp hành. Cùng với đó, phải trao quyền tự quyết những vấn đề phát sinh tại địa phương, không phải chờ tỉnh quyết nữa. Bởi cấp xã sắp tới sẽ xa “trung tâm đầu não”, nếu phải hỏi ý kiến và chờ trả lời sẽ rất khó khăn.
“Cấp xã sẽ được phân cấp, phân quyền nhiều hơn nhưng điều quan trọng là cấp xã được tự quyết bao nhiêu quyền, hay trao quyền nhưng việc gì cũng phải hỏi cấp tỉnh?” - TS Trí bày tỏ.
Theo bà, cấp tỉnh chỉ cần làm công tác kiểm tra, thanh tra, bảo đảm sự hợp lý, đúng đắn khi vận hành bộ máy. “Cấp tỉnh chỉ hướng dẫn, chỉ đạo, điều phối, đưa ra chính sách, đường hướng phát triển địa phương, không ôm vụ việc cụ thể” - bà Trí nói và nhấn mạnh cấp xã phải có bộ phận chuyên môn, chuyên sâu về từng lĩnh vực và phải được nâng tầm hơn. Đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính phải giúp người dân giải quyết tại chỗ, không để người dân phải lên tỉnh và cấp tỉnh cũng không giải quyết những vụ việc cụ thể nữa.
212.606
là số cán bộ, công chức cấp xã của cả nước trong giai đoạn 2019-2021 với 82,3% có trình độ ĐH. Theo Bộ Nội vụ, căn cứ vào quy mô về dân số và diện tích thì giai đoạn sau năm 2023, cả nước cần 228.620 cán bộ, công chức cấp xã.
Hiện nay, Nghị định 33/2023 quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại ĐVHC cấp xã. Cụ thể, phường loại I là 23 người, loại II là 21 người và loại III là 19 người. Xã, thị trấn loại I là 22 người, loại II là 20 người, loại III là 18 người.
Theo TS Quyền, khi sắp xếp cấp xã thì điều đầu tiên là cần đảm bảo các dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục… và các thủ tục hành chính không bị gián đoạn trong quá trình chuyển đổi. Có kế hoạch chuyển giao, bàn giao công việc rõ ràng giữa các ĐVHC cũ và mới. Đồng thời, thông báo kịp thời và đầy đủ cho người dân về các thay đổi liên quan đến địa điểm, số điện thoại cùng quy trình làm việc của các cơ quan hành chính.
Mặt khác, cũng cần thiết lập các kênh thông tin đa dạng để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin. Sớm rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thiểu giấy tờ và thời gian chờ đợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Quyền cũng cho rằng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm mang đến sự tiện lợi tối đa cho người dân, có cơ chế khuyến khích và khen thưởng đối với những cán bộ, công chức thực hiện tốt điều này.
Bên cạnh đó là công khai các thông tin về hoạt động của chính quyền, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ công, đẩy mạnh phát triển hạ tầng và các dịch vụ công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân trong TP.
Ngoài ra còn cần đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn nông thôn, nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là ưu tiên các khu vực đặc biệt.
Kiện toàn mô hình chính quyền địa phương hai cấp trước 10-6
Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch về sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương chú trọng việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tạo sự đồng thuận của cử tri trên địa bàn trước khi tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (gọi chung là đề án). Sở Nội vụ được giao chủ trì hoàn thiện việc xây dựng đề án này trong tháng 4.
HĐND TP.HCM, TP Thủ Đức, năm huyện và 63 xã, thị trấn ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trước ngày 5-5. Sở Nội vụ sẽ tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ đề án tham mưu UBND TP trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 10-5.
UBND TP yêu cầu chậm nhất 60 ngày làm việc, sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương phải tổ chức công bố nghị quyết; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư và sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công; thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới khi hình thành ĐVHC mới. Thời gian thực hiện trước ngày 10-6.
Cũng theo kế hoạch, cơ quan, đơn vị phải đảm bảo kịp thời cấu hình hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP cho các ĐVHC trước, trong và sau khi sắp xếp để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính trên môi trường điện tử được thông suốt, không xảy ra ách tắc…
*****
Chính quyền sau sắp xếp phải phục vụ người dân tốt hơn
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về tờ trình, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC, trong đó quy định cụ thể về tiêu chuẩn của ĐVHC hình thành sau sắp xếp. Khi dự thảo được thông qua, căn cứ tình hình thực tế cũng như các tiêu chí, TP.HCM sẽ có phương án sắp xếp phù hợp. Quá trình này đặt ra yêu cầu nhanh nhưng khoa học, làm cơ sở cho sự phát triển mới.
Qua nghiên cứu, tôi đánh giá những tiêu chuẩn mới là có cơ sở và phù hợp với tình hình mới. Một số điểm chú ý như diện tích và dân số tăng gấp ba lần so với tiêu chuẩn cũ; phường mới sau sắp xếp có diện tích 35 km2 (bằng tiêu chuẩn diện tích của một quận theo Nghị quyết 1211/2016), dân số 50.000 người… Từ đó, không gian phát triển sẽ mở rộng hơn theo hướng phường, xã sắp xếp sẽ như là một quận, huyện thu nhỏ, đây cũng là cơ hội mới cho sự phát triển của các địa phương.
Một điểm mới nữa là nếu sắp xếp bốn ĐVHC cấp xã thành một đơn vị thì không phải đánh giá về tiêu chuẩn diện tích và dân số. Theo tôi, đây cũng là một yếu tố phù hợp được tính đến khi sắp xếp tổ chức bộ máy của các ĐVHC phải sáp nhập.
ThS Đậu Ngọc Linh, Học viện Cán bộ TP.HCM. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, các địa phương phải đặt lên hàng đầu mục tiêu chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Do đó, ngoài các tiêu chí nêu trên, các địa phương cần chủ động hơn trong đề xuất sáp nhập cho sự phát triển lâu dài của mình nếu thấy cần thiết. Có thể là ba nhưng cũng có thể là sáu ĐVHC sáp nhập thành một…
Thực tế hiện nay diện tích nhiều quận ở TP.HCM cũng chưa đảm bảo tiêu chí của một phường theo Nghị quyết 1211/2016 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 27/2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dù vậy khi sắp xếp cũng cần lưu ý một số ĐVHC hiện hữu có nhiều tính chất đặc biệt như xã đảo Thạnh An, bởi đây là nơi có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối các ĐVHC liền kề. Do vậy phải xác định lại phương án sắp xếp hoặc nghiên cứu cách tổ chức bộ máy và phương tiện kết nối giao thông thuận lợi sau sắp xếp.
Hay TP Thủ Đức với kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế sáng tạo, đổi mới và là động lực phát triển của TP.HCM cũng như khu vực phía Nam theo quy hoạch trước đó, việc sắp xếp cũng cần nghiên cứu xác định địa giới hành chính phù hợp với ba trục phát triển. Gồm Khu công nghệ cao - trung tâm công nghệ và sản xuất tiên tiến; khu vực ĐH Quốc gia TP.HCM - trung tâm giáo dục - nghiên cứu khoa học; khu vực Thủ Thiêm và khu đô thị mới phía đông - trung tâm tài chính và dịch vụ hiện đại.
Ngoài ra, tên các phường, xã sau sắp xếp cần phải đảm bảo nhiều yếu tố khác nhau, tuy nhiên, theo tôi thì có hai yếu tố cần quan tâm trong bối cảnh hiện nay là lịch sử, văn hóa và tính khoa học, hiệu quả.
Thứ nhất, những yếu tố lịch sử, văn hóa lâu đời của một địa phương, một khu vực sẽ là niềm tự hào, động lực truyền thống để phát triển lâu dài. Các đặc điểm này cũng có thể là yếu tố nhận diện cho địa phương mới trên cơ sở các địa phương trước đó.
Thứ hai, tính khoa học và hiệu quả. Tên của ĐVHC mới sẽ phải đảm bảo các yếu tố như dễ nhận diện theo ĐVHC cấp huyện (cũ), gắn với đặc trưng phát triển về kinh tế, văn hóa hay phù hợp với chiến lược phát triển địa phương giai đoạn mới. Như vậy, phải xem tên ĐVHC mới phải là động lực phát triển mới, thể hiện mũi nhọn chiến lược để nhận diện địa phương.
Sắp xếp ĐVHC cấp xã là bước đi tất yếu để tinh gọn bộ máy, tối ưu nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản trị. Quá trình này cần đảm bảo sự đồng thuận của người dân, ổn định tổ chức và phù hợp với quy hoạch phát triển. Đặc biệt, phải chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa, lịch sử, tránh những xáo trộn lớn trong các hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ công. Sáp nhập không chỉ là giảm đầu mối mà còn phải tạo động lực phát triển bền vững, hiện đại hơn. Quan trọng nhất là chính quyền sau sắp xếp phải hoạt động hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn.
ThS ĐẬU NGỌC LINH, Học viện Cán bộ TP.HCM
******
Ý KIẾN
TS PHẠM ĐÀO THỊNH, ĐH Sài Gòn:
Xây dựng bộ tiêu chí về cán bộ phường, xã
Thực hiện sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, sắp xếp cấp xã, cần chọn những cán bộ có đủ tài năng, tâm huyết để xây dựng bộ máy chính quyền hiệu quả cao, trong sạch, vận hành trôi chảy. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ yếu kém năng lực, phẩm chất đạo đức kém, thiếu nhiệt huyết ra khỏi đội ngũ.
Trong quá trình tinh gọn bộ máy cũng là điều kiện tốt nhất để sàng lọc, lựa chọn lấy những cán bộ có tiềm năng tốt, tiến bộ và loại bỏ những cán bộ sa sút đạo đức, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Đây cũng là lúc phải xây dựng bộ tiêu chí về cán bộ phường, xã đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sau khi lựa chọn đội ngũ cán bộ phường, xã, TP.HCM cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ nhằm thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, kỹ năng chuyên môn. Đồng thời có chính sách bảo đảm đời sống cho đội ngũ cán bộ để họ an tâm công tác, phục vụ công cuộc cải cách hành chính.
Ngay sau khi sáp nhập, TP.HCM cần khẩn trương tổ chức mô hình chính quyền phường, xã tương ứng với bộ máy cấp TP nhằm bảo đảm hoạt động điều hành thông suốt từ UBND TP đến UBND cấp phường, xã.
Bên cạnh đó là phải bảo đảm cho cán bộ phường, xã tiếp cận cách làm việc trong hệ thống chính quyền mới thiết lập. Một bộ máy hoạt động tốt là điều kiện quan trọng để đội ngũ cán bộ phường, xã hoạt động có hiệu quả tốt. Do đó, cần triển khai hệ thống bộ máy sao cho đồng bộ để họ có môi trường hoạt động tốt.
-----
TS NGUYỄN THỊ HÀ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Cấp xã cần được phân cấp mạnh về giải quyết thủ tục hành chính
Theo định hướng sắp xếp các ĐVHC, bỏ cấp huyện và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp thì 1/3 nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển lên tỉnh, 2/3 chuyển xuống xã (cấp cơ sở). Do đó, mở rộng phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực nhất là cho UBND cấp xã là điều phù hợp.
Đây cũng là bước quan trọng trong việc cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở các địa phương. Đặc biệt, khi mô hình chính quyền hai cấp được triển khai, UBND cấp xã sẽ trở thành đầu mối quan trọng trong thực thi các chính sách và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Việc mở rộng phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho UBND cấp xã sẽ làm gia tăng sự gần gũi giữa chính quyền và người dân trong giải quyết các vấn đề liên quan. Đồng thời rút ngắn đáng kể thời gian xử lý các hồ sơ, người dân không phải chờ đợi lâu hoặc di chuyển đến các cấp chính quyền cao hơn. Từ đó giúp cải thiện chất lượng dịch vụ công và làm tăng sự hài lòng của người dân, giúp tăng cường hiệu quả quản lý hành chính tại cơ sở.
UBND cấp xã cũng đóng vai trò quan trọng trong triển khai chuyển đổi số tại các địa phương. Nếu được phân cấp, phân quyền và ủy quyền hợp lý, UBND cấp xã có thể dễ dàng áp dụng các công nghệ mới, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đồng thời trực tiếp kết nối với các hệ thống quản lý hành chính cấp tỉnh và cấp quốc gia. Qua đó, giúp tăng cường hiệu quả quản lý và tiết kiệm chi phí cho các cơ quan nhà nước cũng như người dân.
Riêng với TP.HCM, xuất phát từ vị trí, vai trò là một trong những siêu đô thị của cả nước, chính quyền cấp xã lại càng đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề hằng ngày của người dân, doanh nghiệp.
------
Ông LÊ HOÀNG MINH, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM:
Giữ lại cán bộ có đức, có tài cho bộ máy
Tôi thấy phương án bỏ quận và nhập phường, xã là rất hợp lý, nhằm bớt cồng kềnh cho bộ máy hành chính, người dân cũng thuận tiện, dễ dàng làm việc khi bộ máy hành chính còn hai cấp. Việc nhập phường cũng dễ hình dung địa chỉ khi tìm đường hơn xưa. Nhưng theo tôi, phương án mới được đề xuất có thể cân nhắc có vài sự điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Chẳng hạn phường 17, 19 (quận Bình Thạnh) từ lâu đã gắn với tên Thị Nghè hay những cái tên như Hàng Xanh, Tân Cảng, Thanh Đa, Bà Chiểu… Đây là những địa danh nổi tiếng mà người dân trong và ngoài quận thường hay nhắc tới khi nói về quận Bình Thạnh.
Những địa danh này không chỉ tạo nên những tiếng gọi quen thuộc, mà còn là bản sắc riêng của địa phương. Vì vậy, tôi rất mong muốn việc giữ lại những cái tên vốn mang dấu ấn riêng của quận. Phần khác mỗi lần nghe việc chia tách, sáp nhập, người dân cũng rất ngại làm lại giấy tờ vì điều này làm mất khá nhiều thời gian cho cả cán bộ cũng như người dân. Bởi vậy, tôi mong sau đợt sắp xếp này, mọi thứ sẽ hoạt động trơn tru, đi vào hiệu quả và có sự ổn định lâu dài.
Việc sáp nhập cũng nhằm sắp xếp lại bộ máy, giảm cán bộ, vì thế tôi mong sẽ có kế hoạch cụ thể, chi tiết để bộ máy giữ lại những cán bộ có năng lực, có đức, có tài và tận tâm với dân, đó mới là điều tiên quyết nhất khi sắp xếp bộ máy hành chính hai cấp.
LÊ THOA - BẢO PHƯƠNG