Thị trường chứng khoán tuần mới (31/3-4/4/2025): Có thể 'test' ngưỡng 1.300 điểm, cơ hội tái cấu danh mục nếu VN-Index điều chỉnh sâu
Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua (24-28/3) tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh khi có tới 4/5 phiên giảm điểm, nối dài tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp kể từ đỉnh 1.340 điểm. Với việc dòng tiền đang suy giảm, sự bất định của chính sách thuế quan toàn cầu, thiên tai… khiến tâm lý thận trọng có thể còn duy trì trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xu thế tăng điểm trung hạn vẫn duy trì, do đó, một số ý kiến cho rằng, cơ hội tái cơ cấu danh mục sẽ xuất hiện trong những phiên điều chỉnh sâu.

Áp lực giảm khá đều, VN-Index giảm nhẹ sang tuần thứ 2
Cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục leo thang trong tuần qua khiến giới đầu tư gia tăng quan ngại. Điều này dự kiến sẽ còn nóng hơn khi giới đầu tư đang hồi hộp chờ đợi những tuyên bố mới của ông Trump vào tuần này. Cùng với đó, kinh tế Mỹ đang cho thấy một vài tín hiệu giảm tăng trưởng đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ có thêm tuần giảm điểm.
Trong tuần, một số thị trường khu vực hồi phục như Indonesia, Ấn Độ… trong khi Thái Lan, Philipines vẫn trong trạng thái đi xuống.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua (24-28/3) diễn biến khá sát với những dự báo trước đó. Thị trường trong nước vẫn chịu áp lực điều chỉnh và giảm điểm sang tuần thứ 2 liên tiếp sau khi đạt đỉnh ngắn hạn ở mức 1.340 điểm.
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index chốt tuần ở 1.317,46 điểm, giảm -4,42 điểm, tương đương sụt -0,33% so với tuần trước. Trên sàn HNX, HNX-Index cũng chịu áp lực giảm mạnh hơn, mất 7,62 điểm, tương đương 3,10%, đóng cửa ở mức 238,2 điểm. UPCoM-Index cũng có tuần điều chỉnh khi giảm -0,7%, về còn 98,62 điểm khi đóng cửa phiên cuối tuần.


Áp lực giảm lên chỉ số VN-Index đến từ tất cả các nhóm ngành như VN30, cổ phiếu vốn hóa nhỏ và nhóm vốn hóa vừa. Tuy nhiên, thị trường phân hóa mạnh mẽ với mức giảm tập trung chủ yếu ở nhóm: Thủy sản (-5,12%), Viettel (-3,72%), Công nghệ (- 3,16%). Ngược dòng thị trường là các nhóm: Cao su tự nhiên (+7,83%), Vingroup (+7,54%), Hàng không (+1,90%)…

Cùng như điểm số, thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua duy trì xu hướng giảm khi sự thận trọng biểu hiện rõ hơn. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường chỉ còn 20.338 tỷ đồng/phiên, giảm -6,5% so với tuần trước đó, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng sụt -11,4%, còn 16.981 tỷ đồng/phiên.
Thống kê cho thấy, thanh khoản bình quân phiên thị trường tháng 3 đạt 22.733 tỷ đồng/phiên, tăng +27,3% so tháng 2 nhưng vẫn thấp hơn -23,6% so cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, thanh khoản toàn thị trường đạt 17.806 tỷ đồng/phiên, giảm -15,5% so mức bình quân năm 2024.

Dù áp lực bán ròng của khối ngoại giảm so với tuần trước đó, tuy nhiên khối này tiếp tục là một nguyên nhân khiến thị trường gia tăng sự điều chỉnh. Theo đó, khối ngoại bán ròng hơn -2.284 tỷ đồng trong tuần vừa qua trên toàn thị trường, nâng lũy kế bán ròng từ đầu năm lên -26.191 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bị bán ròng trong tuần vừa qua tập trung ở TPB (-563 tỷ đồng), FPT (-530 tỷ đồng), PNJ (-272 tỷ đồng)… trong khi mua ròng đối với VRE (+455 tỷ đồng), VIX (+226 tỷ đồng), VPI (+178 tỷ đồng)...
Hiện tại chỉ số P/E (ttm) của thị trường đã tăng từ mức 13,5 lần ở giai đoạn giữa tháng 2 lên mức 14,5 lần nhưng vẫn thấp hơn 14,5% so với mức bình quân 5 năm.
Áp lực còn vì chờ tin thuế quan, những có thể hồi cuối tuần
Thị trường chứng khoán tuần nay đang hồi hộp chờ đợi thông tin từ ông Donald Trump. Ngày 2/4 tới được cho sẽ là điểm nóng nếu đánh dấu thêm bước leo thang mới của cuộc chiến thuế quan bắt đầu từ Tổng thống Trump.
Thị trường chứng khoán Mỹ dự kiến còn chịu thêm áp lực khi chào đón các dữ liệu từ các kinh tế vĩ mô, điển hình nhất là chỉ số PMI, thị trường lao động và các thông điệp từ nhà lãnh đạo của FED.
Ở trong nước, diễn biến thị trường quốc tế cũng tiếp tục được nhà đầu tư hóng đợi. Chính sách thuế quan dù không tác động trực tiếp quá lớn tới Việt Nam, nhưng khi chưa rõ ràng thì tâm lý còn dao động.
Thông tin vĩ mô trong nước cũng sẽ công bố trong tuần và kỳ vọng sẽ làm cân bằng thông tin hơn. Tăng trưởng GDP quý I/2025, các chỉ số vĩ mô khác sẽ được Cục Thống kê công bố nửa đầu tuần sau, nhưng cuối tuần qua đã được Thủ tướng thông tin là xấp xỉ 7%.
Bên cạnh đó, tin tức về kết quả kinh doanh và mùa đại hội đồng cổ đông 2025 cũng kỳ vọng sẽ có tín hiệu tích cực để củng cố cho tâm lý nhà đầu tư.

Tuy vậy, nhìn ở góc độ kỹ thuật, rủi ro ngắn hạn gia tăng khi thị trường để mất ngưỡng kỹ thuật MA20, kết hợp với tác động từ bên ngoài có thể là tín hiệu bất lợi cho thị trường. Thị trường vẫn đang được chốt chặn khá tốt ở ngưỡng dưới tại vùng 1.300 điểm. Trong trường hợp điều chỉnh về dưới vùng này, cơ hội chọn lựa cổ phiếu cơ bản tốt sẽ xuất hiện cho xu hướng đầu tư trung hạn.
Thanh khoản vẫn điều chỉnh giảm nhưng nhìn chung vẫn ở ngưỡng khá tốt trên 20.000 tỷ đồng/phiên. Điều này cho thấy sự thận trọng trong tâm lý chứ chưa phải là tâm lý bán ra vì lo ngại rủi ro.
Ngày 2/4, Mỹ dự kiến công bố chính sách thuế đối ứng nhắm vào nhóm 15 quốc gia có mức thuế cao và thặng dư thương mại lớn, trong đó Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số nhận định cho thấy, thị trường Việt Nam sẽ không chịu tác động quá nhiều từ chính sách thuế quan của Mỹ. Đầu tiên là lo ngại thuế quan đã phản ánh phần lớn vào đợt điều chỉnh của thị trường 2 tuần gần đây; đồng thời, nhóm chịu tác động trực tiếp từ thuế quan của Mỹ không nhiều trên thị trường chứng khoán.
Mặt khác, Việt Nam gần đây đã có những bước đi mạnh mẽ, linh hoạt và kịp thời để giảm thiểu nguy cơ bị phía Mỹ áp thuế quan như: ký kết các thỏa thuận thương mại với các đối tác Mỹ và xem xét giảm thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu như ô tô, ethanol, LNG, nông sản…
Trong khi đó, về các yếu tố nội tại trong nước thì thị trường vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó bao gồm cả tín hiệu vĩ mô và các thông tin tích cực sẽ xuất hiện như kết quả kinh doanh quý I/2025 của doanh nghiệp, triển vọng nâng hạng, triển khai hệ thống KRX… Vì thế, có thể vùng hỗ trợ cho nhịp điều chỉnh tuần tới là khu vực 1.300-1.305 điểm và có khả năng hồi phục nếu tâm lý được cởi bỏ khi các tin trong nước xuất hiện.