Sáp nhập tỉnh thành không nhất thiết mỗi địa phương phải có một trường chuyên
Mô hình trường chuyên hiện nay cần thay đổi để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào giáo dục toàn diện, không chỉ dựa vào thi cử và thành tích.
.t1 { text-align: justify; }
Mô hình trường chuyên hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc đào tạo học sinh khi tập trung chủ yếu vào thành tích thi cử mà bỏ quên sự phát triển toàn diện và sáng tạo của các em.
Theo các chuyên gia giáo dục, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, cần phải điều chỉnh phương thức giáo dục, tập trung vào việc nuôi dưỡng tiềm năng của từng học sinh, giúp các em phát triển không chỉ về kiến thức mà còn về tư duy sáng tạo, khả năng ứng dụng thực tiễn.
Mô hình trường chuyên tiêu tốn nguồn lực lớn nhưng chưa đạt hiệu quả bền vững
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng nhìn nhận, mô hình đào tạo trường trung học phổ thông chuyên đang tiêu tốn khá nhiều nguồn lực từ ngân sách Nhà nước nhưng phần lớn chỉ phục vụ cho mục tiêu thi cử, giành giải thưởng.
Việc tham dự các kỳ thi quốc gia, quốc tế chỉ nên là một phần trong quá trình phát triển của học sinh, không phải là mục tiêu cuối cùng của giáo dục. Tuy nhiên, ở nhiều trường trung học phổ thông chuyên, các em tập trung ôn thi phải bỏ lại hầu hết các môn học khác, chỉ chú tâm vào đơn lẻ một nội dung, khiến mục tiêu giáo dục toàn diện bị sai lệch. Điều này đi ngược lại tinh thần phát triển tiềm năng cá nhân vốn là cốt lõi của giáo dục.
Về mục tiêu dài hạn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đến nay vẫn chưa được các trường triển khai rõ ràng, thậm chí, chưa có hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên. Vì vậy, cần xây dựng phương thức tuyển chọn và đào tạo bài bản, phù hợp với mục tiêu dài hạn, thay vì chỉ tập trung vào thành tích trước mắt.
Các cuộc thi có thể đánh giá được kỹ năng giải đề hoặc khả năng ghi nhớ nhưng chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng phát triển và năng lực sáng tạo của học sinh. Để phát hiện nhân tài cần áp dụng phương thức khác như tham gia dự án thực tiễn, viết bài luận, qua đó thấy rõ khả năng tư duy, sáng tạo và ứng dụng thực tế của mỗi em. Chỉ khi khơi dậy và nuôi dưỡng tiềm năng đa dạng của từng cá nhân mới có thể phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, không nên giới hạn học sinh trong khuôn mẫu thi cử cứng nhắc, cần tạo cơ hội để các em thể hiện toàn diện năng lực của bản thân.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Nguyên Phương.
Thầy Lâm cho rằng, mô hình trường chuyên không còn phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước và cần có sự thay đổi. Khi đất nước chuyển mình, giáo dục cũng cần phải chuyển mình để phát triển thành nền giáo dục quốc dân hiện đại, tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh thành như hiện nay, không nhất thiết mỗi tỉnh phải có một trường chuyên. Các địa phương cần xem xét về điều kiện, nhu cầu thực tế và dựa vào đặc điểm dân số, chiến lược kinh tế vùng để đưa ra quyết định phù hợp. Việc thành lập, duy trì trường chuyên nên phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển của địa phương, thay vì áp dụng máy móc mô hình trường chuyên ở nhiều nơi mà không tính đến hiệu quả thực tiễn.
Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, mô hình trường trung học phổ thông chuyên được triển khai từ trước đến nay đang dần trở nên lỗi thời và không còn đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới của xã hội.
Trước đây, nhiều quan điểm cho rằng việc đào tạo một số tài năng trẻ sẽ tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao trong tương lai. Tuy nhiên, khi thực hiện các trường chuyên đi theo hướng chuyên môn hóa quá mức, chỉ tập trung vào một môn học chuyên như chuyên Toán, Văn, Sinh, tiếng Anh. Cách tiếp cận này khiến học sinh chỉ đi sâu vào một môn học, trong khi xã hội hiện đại đòi hỏi người học phải có tư duy liên ngành và khả năng vận dụng kiến thức đa dạng.
Để có thể làm tốt ở một lĩnh vực chuyên sâu cần phải có nền tảng hiểu biết sâu rộng. Vì vậy, mô hình đào tạo tại cả trường đại học trong và ngoài nước đều cho sinh viên học từ các kiến thức đại cương. Sau khi đã có kiến thức nền tảng cơ bản, sinh viên mới bắt đầu đi sâu vào chuyên môn. Đây là cách tiếp cận phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại với tư duy linh hoạt, hiểu biết rộng nhưng vẫn có chiều sâu.
Trong khi đó, mô hình trường trung học phổ thông chuyên ở nước ta đang quá chú trọng vào việc đào tạo chuyên sâu từ sớm theo từng môn học với hy vọng sẽ tạo ra chuyên gia trong lĩnh vực đó. Học sinh sẽ tập trung học, ôn luyện để tham gia các kỳ thi trong nước và quốc tế nhằm đạt giải, giành thành tích và được vinh danh. Tuy nhiên, các em đạt giải cao môn Toán, môn Tin chưa chắc đã giỏi trong các lĩnh vực như kinh doanh, sản xuất dịch vụ hay công nghệ thông tin.
Việc học chuyên sâu một môn học ở phổ thông mà môn học này không nằm trong hệ thống kiến thức liên ngành hay chuyên ngành cần thiết sẽ dẫn đến hạn chế trong phát triển. Chính cách hiểu “hẹp” như vậy có thể làm lệch hướng phát triển nhân tài.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh Thùy Linh.
“Tôi không đồng tình với việc duy trì các trường chuyên như hiện nay. Mô hình này không phải là giải pháp giáo dục dành cho đại chúng và cũng không phải hướng đi chuyên sâu Nhà nước có thể phát triển. Hướng đi chuyên sâu thực sự cần phải được triển khai ở bậc đại học, nơi chuyên gia được đào tạo và phát triển.
Quan trọng hơn, giáo dục hiện đại phải tập trung vào quá trình học tập suốt đời. Học sinh cần được trang bị kiến thức nền tảng vững chắc, nhưng cũng cần tiếp tục học hỏi và đào tạo chuyên sâu trong suốt sự nghiệp. Khi công nghệ thay đổi, họ phải có khả năng cập nhật và hiểu rõ lý do tại sao phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới. Đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận và cách thức tổ chức giáo dục hiện nay”, vị giáo sư nhấn mạnh.
Trường chuyên cần hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: Nguyên Phương.
Trước những băn khoăn về mô hình trường chuyên, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, mô hình trường trung học phổ thông chuyên, lớp chọn như hiện nay có còn còn phù hợp. Việc sáp nhập các tỉnh sắp tới có thể dẫn tới tranh cãi chuyện bỏ trường chuyên nào, giữ trường chuyên nào. Vì vậy, không nên quá chú trọng vào danh xưng trường chuyên, nên tập trung vào chất lượng học tập và môi trường phát triển của học sinh. Sự cạnh tranh về chất lượng sẽ giúp các trường nâng cao được giá trị mà không cần phải gắn liền với danh hiệu chuyên.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm để thay đổi về chất lượng, định hướng đào tạo nhằm phát triển tài năng hiệu quả, cần phải chú trọng 4 yếu tố.
Thứ nhất, cần mạnh dạn thay đổi tư duy đào tạo. Hiện nay, các mô hình đào tạo chủ yếu tập trung vào việc bồi dưỡng một nhóm học sinh ưu tú nhằm giành giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Mặc dù, những thành tích này mang lại niềm tự hào, nhưng chưa phản ánh đầy đủ mục tiêu toàn diện của giáo dục.
Vì vậy, mô hình đào tạo trường chuyên cần được định hình lại theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu phát triển của từng địa phương. Để đạt được mục tiêu này, triết lý giáo dục của nhà trường cần thay đổi, từ việc coi trọng thi tuyển và thành tích, chuyển sang phát triển toàn diện năng lực cá nhân, tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, cũng như năng lực nghiên cứu và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.
Thứ hai, chương trình và phương pháp dạy học cần phải thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là việc cá nhân hóa quá trình học tập. Mỗi học sinh cần được tạo điều kiện phát triển theo năng lực, sở trường và đam mê riêng nhằm phát huy tối đa tiềm năng cá nhân.
Ngoài việc duy trì việc phân chia môn học theo kiểu truyền thống như chuyên Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, cần tạo điều kiện để các em khám phá và phát triển tài năng đặc biệt của bản thân thông qua những dự án, đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp với lứa tuổi. Các em nên được tiếp cận sớm với những chuyên ngành có liên quan đến năng khiếu của mình nhằm từng bước đáp ứng tốt các yêu cầu chuyên môn mà đề tài nghiên cứu đặt ra.
Thứ ba, quy trình tuyển sinh cũng cần được cải cách mạnh mẽ. Các trường trung học phổ thông nên cân nhắc chuyển sang phương thức phỏng vấn tuyển chọn, giúp phát hiện sớm những học sinh có năng lực và đam mê đặc biệt. Đồng thời, các em sẽ được bồi dưỡng và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tham gia phỏng vấn. Trong quá trình này, học sinh có cơ hội thể hiện khả năng của mình qua các sản phẩm, bài luận và những trải nghiệm xã hội. Mặc dù vẫn có thể dựa vào điểm tổng kết cuối năm nhưng không nên coi đó là yếu tố quyết định duy nhất.
Thứ tư, việc xây dựng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cần có sự khác biệt. Trường chuyên phải trở thành một trung tâm sáng tạo với phòng thí nghiệm và các điều kiện học tập chuyên biệt. Học sinh có năng khiếu nghệ thuật nên được đào tạo tại các trường nghệ thuật, còn những em giỏi về quản lý, lãnh đạo nên được học tập chuyên sâu trong các môi trường phù hợp.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm nhìn nhận, giáo dục cần phát triển mạnh mẽ để trở thành nền tảng quan trọng của sự đổi mới. Mục tiêu thực sự phải là phát triển những học sinh có năng khiếu đặc biệt và khả năng nghiên cứu khoa học. Những học sinh này sẽ được đào tạo chuyên sâu để phát triển kỹ năng sáng tạo riêng biệt.
Không chỉ vậy, mô hình trường chuyên cần kết nối chặt chẽ với các khu công nghiệp và nhà máy sản xuất hiện đại, nơi ứng dụng các công nghệ mới, giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế và phát triển tư duy sáng tạo. Sự hợp tác giữa giáo dục và doanh nghiệp không chỉ mang lại cơ hội học hỏi thực tiễn, mà còn khơi dậy những ý tưởng sáng tạo độc đáo từ chính các em học sinh.
"Đây là một chuyên đề lớn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với lãnh đạo các địa phương, đặc biệt nên lấy ý kiến từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cựu học sinh trường chuyên, nay là những nhà khoa học, nhà quản lý tại các địa phương. Việc này nhằm bảo đảm công cuộc đổi mới trường chuyên thực sự thiết thực, phù hợp với bối cảnh chuyển mình của đất nước.
Vì vậy, tôi kiến nghị trường chuyên cần đi đầu trong việc triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; cũng như thực hiện nghiêm túc Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới là một trong các giải pháp căn cơ để khắc phục nguy cơ tụt hậu. Đồng thời, giáo dục cũng cần đi đầu để thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia”, thầy Tùng Lâm nhấn mạnh.