Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai: Chủ động từ cơ sở
Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục không chỉ giúp học sinh tiếp cận với nguồn tài liệu quốc tế phong phú, mà còn mở ra cơ hội cạnh tranh cao hơn trong học thuật và làm việc thời hội nhập.

Giờ học tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Lào Cai. Ảnh minh họa: NTCC
Để triển khai việc này có nhiều nội dung cần chuẩn bị, trong đó đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được xem là điều kiện tiên quyết và nan giải nhất.
Cả nước hiện còn thiếu nhiều giáo viên dạy tiếng Anh, đặc biệt ở cấp tiểu học, THCS do thiếu nguồn tuyển. Mức lương khởi điểm của nhân sự thành thạo tiếng Anh ngoài thị trường thường cao từ 1,5 đến 3 lần so với thu nhập giáo viên dạy tiếng Anh trong trường công lập.
Vì thế dù các trường sư phạm đào tạo khá nhiều nhưng sinh viên có trình độ đại học môn này có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác với thu nhập cao hơn. Không chỉ khó tuyển dụng, không ít trường học còn phải đối diện với tình trạng giáo viên tiếng Anh xin nghỉ việc.
Giáo viên dạy tiếng Anh đã thiếu, số thầy cô dạy được các môn học khác bằng tiếng Anh càng hiếm hoi hơn. Hiện, nhu cầu tuyển dụng giáo viên song ngữ tại các thành phố lớn khá cao nhưng các trường luôn đỏ mắt tìm ứng viên, bởi để có thể dạy được các môn bằng tiếng Anh, người thầy không chỉ cần kiến thức chuyên ngành, năng lực sư phạm đáp ứng, mà còn phải có năng lực ngoại ngữ cao. Trong khi đó trình độ tiếng Anh của giáo viên các môn nói chung hiện rất thấp.
Kết quả khảo sát năng lực tiếng Anh của gần 50.300 giáo viên công lập từ tiểu học đến THPT của Sở GD&ĐT TPHCM mới đây cho thấy có 31% giáo viên địa phương này - nơi có điều kiện dạy học tiếng Anh nhất nhì cả nước, có năng lực tiếng Anh chỉ ở mức A1, A2 - hai bậc thấp nhất trong khung trình độ 6 bậc.
Đáp ứng nhu cầu dạy học song ngữ, khoảng hơn 10 năm nay, một số trường sư phạm tuyển sinh và đào tạo giáo viên dạy một số môn bằng tiếng Anh như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học… Tuy vậy chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo không nhiều, do các trường vướng bài toán kinh phí. Hiện kinh phí cho khối ngành sư phạm vẫn do các trường tự lo, không được thu thêm dù đào tạo chương trình tiếng Việt hay tiếng Anh. Trong khi đó, giảng dạy bằng tiếng Anh cần mức chi trả nhân đôi hoặc 1,5.
Phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược, có ý nghĩa quyết định. Hiện, “Đề án Quốc gia đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045” đang được xây dựng.
Nhiều giải pháp cụ thể cũng được đưa ra để giải quyết vấn đề nhân sự như: Bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh; có chính sách đặc thù với chương trình đào tạo giáo viên bằng tiếng Anh, cử nhân các ngành khoa học cơ bản bằng tiếng Anh; ban hành chế độ, chính sách đặc thù để thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp… Tuy vậy trong điều kiện nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, để có được đội ngũ giáo viên bảo đảm số lượng lẫn chất lượng không phải là chuyện ngày một ngày hai.
Trong khi chờ đợi chính sách vĩ mô từ Nhà nước, sự chủ động, linh động, sáng tạo từ cơ sở vẫn cần thiết. Thời gian qua từ ngân sách địa phương và xã hội hóa, một số tỉnh, thành như TPHCM, Bình Dương… đã thực hiện ưu đãi trong tuyển dụng giáo viên để triển khai dạy học một số môn bằng tiếng Anh cho học sinh các trường chuyên, trường tiên tiến.
Song song đó là tăng cường dạy học qua lớp học trực tuyến, hoạt động trải nghiệm, chương trình thiện nguyện, nguồn học liệu… Đây là những mô hình cần khuyến khích nhân rộng, góp phần từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.