Sắp có thêm 3 đại học quốc gia
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và sư phạm sẽ có nhiều điều chỉnh từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kì 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050, Bộ GD&ĐT cho biết hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục ĐH, trong đó 172 cơ sở công lập; 67 cơ sở ngoài công lập (5 cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài). Ngoài ra, còn có 20 trường cao đẳng sư phạm (3 trực thuộc Bộ GD&ĐT, 17 trực thuộc các địa phương).
Số lượng các trường tăng khá nhiều tuy nhiên không đồng đều giữa các vùng miền. Các trường phân bổ tập trung chủ yếu vào các vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng ( trên 44%), Đông Nam Bộ (trên 18%), thấp nhất ở vùng Tây Nguyên (1,6%); Trung du miền núi phía Bắc (5,7%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (18,4%); Đồng bằng sông Cửu Long (7,0%).
“Mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị; quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ĐH phân mảnh vì số trực thuộc các bộ, ngành (không phải Bộ GD&ĐT) có tỉ lệ cao; số lượng các trường ĐH địa phương khá lớn trong khi quy mô đào tạo chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đào tạo của cả nước”, Bộ GD&ĐT thông tin . Tính đến nay, Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên. Hầu hết các cơ sở này khá độc lập trong hoạt động đào tạo, chưa thật sự tạo thành một mạng lưới thống nhất, tính liên thông trong hệ thống còn yếu, chưa có sự chia sẻ nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của toàn ngành.
Các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam phần lớn có diện tích nhỏ, diện tích sàn xây dựng thấp đặc biệt là tại các vùng có mức độ phát triển kinh tế cao như vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ.
Tính đến năm 2030, cả hệ thống giáo dục ĐH sẽ thiếu khoảng 3.041 ha cho tất cả các vùng, tập trung chủ yếu vào vùng Đồng bằng sông Hồng, gần 1.132 ha (Hà Nội khoảng 938 ha) và Đông Nam Bộ, 1.110 ha (TPHCM khoảng 799 ha).
Chủ trương không thành lập trường ĐH mới
Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT dự kiến đến năm 2030, cả nước có khoảng 250 cơ sở giáo dục ĐH và 50 phân hiệu. Trong đó có 30 cơ sở đào tạo trọng điểm (gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng, 18-20 trường trọng điểm ngành). Khoảng 100 cơ sở giáo dục ĐH đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; ít nhất 70 cơ sở giáo dục ĐH tư thục. Trong đó, phát triển thêm 3 ĐH quốc gia trên cơ sở ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Bách khoa Hà Nội, cùng với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM.
Với các trường đào tạo giáo viên, Bộ dự kiến sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, căn cứ năng lực và uy tín, khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của các địa phương, từng vùng và cả nước. Đến năm 2030, cả nước có khoảng 50 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo giáo viên các trình độ. Trong đó, 11 trường giữ vai trò hạt nhân với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo sư phạm toàn quốc.
Những trường này là: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm 2, Sư phạm TP HCM, trường ĐH Sư phạm (thuộc Đại học Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng), Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Cần Thơ.
Cũng theo dự thảo này, những trường ĐH công lập không đạt chuẩn của Bộ sẽ được tái cấu trúc, tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong 3-5 năm; sáp nhập vào trường khác; hoặc đình chỉ hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030. Cách làm cũng tương tự với các phân hiệu trường ĐH không đạt chuẩn.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT có chủ trương không thành lập trường ĐH công lập mới, trừ các trường hợp: cần thiết thành lập tại một số vùng có mức độ tiếp cận ĐH thấp, cụ thể Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm sẽ xác định chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn liền với phát triển đất nước. Quy hoạch này sẽ tập trung nguồn lực cho những ngành, nghề, trình độ mà thị trường lao động cần. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ông Khuyến cho rằng, để thực hiện chiến lược nguồn nhân lực, cần sự chung sức từ phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2013, Việt Nam từng quy hoạch mạng lưới ĐH. Một số mục tiêu đến năm 2020 là cả nước có 460 cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng, với 2,2 triệu sinh viên. Ngoài ra, một cơ sở đào tạo lọt top 200 thế giới, khoảng 3% tổng số sinh viên là người nước ngoài.