Băn khoăn một chương trình nhiều sách giáo khoa

Sau 5 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó là thay sách giáo khoa (SGK) cuốn chiếu theo từng cấp học, dư luận và nhà giáo vẫn còn thấy những khó khăn, bất cập. Thậm chí cử tri cũng đã lên tiếng về vấn đề này.

Một tiết học của học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Nghiêm Huê

Một tiết học của học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Nghiêm Huê

Khó mua, khó tái sử dụng

Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội, Luật Giáo dục 2019 quy định một chương trình nhiều SGK được áp dụng khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có một số vấn đề xảy ra, khiến phụ huynh và bản thân giáo viên trở tay không kịp gây nên những bức xúc và phản ứng tiêu cực.

Gửi kiến nghị đến trước kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hưng Yên đề nghị xem xét, thống nhất một bộ SGK chung cho học sinh cùng cấp học trong cả nước. Cử tri cho rằng, không nên thường xuyên thay đổi SGK, bởi điều này gây lãng phí, do sách không thể tái sử dụng. Cử tri cũng phản ánh tình trạng, khi xảy ra bão lụt, các cơ quan, đơn vị, nhân dân ủng hộ sách nhưng lại không đúng bộ sách các học sinh đang học nên không sử dụng được, gây lãng phí, bất cập.

Nhìn lại chặng đường 5 năm thay SGK các cấp học, có thể thấy những phản ứng của dư luận có lí.

Năm học 2020 - 2021, năm học đầu tiên thay SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, có 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt ban hành và đưa vào giảng dạy, bao gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự Dân chủ và bình đẳng trong giáo dục, Cánh diều. Nhưng đến năm học 2021 - 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kí quyết định phê duyệt Danh mục SGK lớp 2 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông chỉ có 3 bộ SGK là Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Như vậy sau 1 năm thay SGK, 2 bộ là Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự dân chủ và bình đẳng trong giáo dục đã không còn tồn tại. Phía đơn vị biên soạn và phát hành khi đó cho rằng, khác với lớp 1, từ lớp 2 trở lên, bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống được hợp nhất từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực; bộ SGK Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn SGK, phát triển SGK giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử cũng như nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng SGK mới; tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ SGK có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lí về giá thành.

Việc hợp nhất này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn SGK, bởi mỗi cuốn SGK đều bám sát và cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc hợp nhất này đúng là không ảnh hưởng đến việc dạy và học nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến phụ huynh khi 2 bộ sách bị hợp nhất cũng đồng thời không được trường nào trên cả nước tiếp tục tổ chức dạy ở lớp 1. Như vậy, chỉ sau 1 năm học, 2 bộ sách này không tái sử dụng được và trở thành giấy vụn. Đây là sự lãng phí không nhỏ.

Những hạt sạn trong SGK cũng được nhắc đến ở giai đoạn đầu khi triển khai. Việc khó khăn khi mua SGK đầu năm học của phụ huynh cũng thường xuyên xảy ra. Bởi hiếm có một trường nào đó sử dụng duy nhất 1 bộ SGK để giảng dạy. Các trường đều “trộn” 2 - 3 bộ SGK. Vì vậy nếu không đăng kí trong nhà trường, phụ huynh phải đi nhiều hiệu sách mới mua đủ SGK cho con em học. Hoặc trong năm phải mua bổ sung cũng rất khó khăn.

Cần hiểu đúng về một chương trình nhiều SGK

Trong tổng kết 5 năm xã hội hóa giáo dục, Bộ GD-ĐT khẳng định, phải thừa nhận rằng, việc xã hội hóa SGK lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục của Việt Nam có mặt tích cực của việc một chương trình nhiều SGK.

Có thể thấy, lần đầu tiên, việc viết SGK huy động số lượng tác giả là các chuyên gia, GS, PGS, tiến sĩ, giáo viên đông đảo lên tới 2.656 tác giả gấp 3 lần số tác giả tham gia biên soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Cơ cấu đội ngũ tác giả đa dạng gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông tham gia biên soạn SGK góp phần phát huy được trí tuệ của thầy cô giáo. Tác giả biên soạn SGK công tác ở các vùng miền khác nhau, các bộ SGK được biên soạn với cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm giáo dục của từng vùng miền, sát với thực tế giảng dạy của các địa phương trong điều kiện cùng một chương trình giáo dục phổ thông.

Thời gian qua, trên diễn đàn Quốc hội, không ít lần đại biểu đưa ra đề xuất thống nhất một bộ SGK trên toàn quốc.

Có những điều mà người dân đang hiểu chưa đúng về SGK xã hội hóa. Thứ nhất, không có chuyện năm nào cũng thay sách. Việc thay sách theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nằm trong chu trình được thực hiện cuốn chiếu trong 5 năm. Mỗi năm chỉ có một số lớp thay đổi sách cho tới khi hết chu trình từ lớp 1 đến lớp 12 thì sẽ ổn định trong một thời gian dài, trừ năm thứ 2 triển khai, 2 bộ SGK nói trên bị hợp nhất.

Thứ hai, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ có một, thống nhất trên cả nước. Việc dạy và học, kiểm tra, đánh giá, thi cử đều căn cứ theo chương trình. Nhưng nhiều người đang đánh đồng SGK là chương trình và phát hoảng vì mỗi trường học, vùng miền thực hiện một “chương trình” khác nhau. Những hiểu nhầm này không được làm rõ và truyền thông tốt dẫn tới nhiều ý kiến chưa chuẩn xác.

Có thể nói, để xảy ra việc hiểu chưa đúng và thiếu tin tưởng vào một chương trình, nhiều SGK cũng cần phải nói đến điểm yếu ở khâu triển khai trong các năm qua.

Trên thực tế ở nhiều nhà trường, việc tổ chức dạy học không có nhiều chuyển biến so với trước đây, chỉ đơn thuần là áp dụng chương trình, SGK. Khi những vấn đề căn cốt phải thay đổi chưa được làm đúng, làm tới cùng thì việc có nhiều SGK không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận sau 5 năm triển khai xã hội hóa SGK vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số ngữ liệu đưa vào SGK ở một số môn học (Tiếng Việt lớp 1, Ngữ văn lớp 6 và Khoa học tự nhiên lớp 6) còn xuất hiện những quan điểm khác nhau, gây băn khoăn trong dư luận khi đưa vào sử dụng. Việc lựa chọn SGK ở một số nơi, ở một số thời điểm còn có khó khăn trong tổ chức thực hiện; gây băn khoăn trong dư luận. Việc tập huấn giáo viên sử dụng SGK đối với một số môn học được thực hiện bằng hình thức trực tuyến nên việc trao đổi, tương tác hai chiều giữa giáo viên và học viên có hạn chế…

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ban-khoan-mot-chuong-trinh-nhieu-sach-giao-khoa-post1710799.tpo
Zalo