Sắp bùng nổ nguồn cung LNG toàn cầu, ai sẽ hưởng lợi?
Năm tới, nhiều dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới sẽ đi vào hoạt động, mang lại lợi ích lớn cho các quốc gia nhập khẩu khí đốt, bao gồm châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản, theo Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol. Ảnh AFP
Từ năm 2026 trở đi, nguồn cung LNG toàn cầu dự kiến sẽ tăng mạnh trong ít nhất 3 năm tiếp theo, tạo ra những chuyển biến tích cực cho châu Âu, ông Birol cho biết trong cuộc trao đổi với hãng tin AFP.
Sau các cuộc họp tại Brussels với Nhà vua Bỉ Philippe, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Tổng thư ký NATO Mark Rutte, Birol nhận định: "Một lượng lớn nguồn cung LNG sắp tràn vào thị trường, giúp kéo giá khí đốt xuống thấp hơn", nhờ hàng loạt dự án LNG tại Mỹ và Qatar sắp hoàn thành sau 6-7 năm triển khai.
Cơ hội cho các nước nhập khẩu khí đốt
Đây là tin vui cho các quốc gia nhập khẩu lớn như châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, vì thị trường LNG đang dần dịch chuyển từ thế người bán nắm ưu thế sang có lợi cho bên mua, giúp các nước nhập khẩu đàm phán với vị thế tốt hơn.
"Đây là diễn biến tích cực cho châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản”, ông Birol nhấn mạnh.
Dữ liệu của IEA cho thấy, nguồn cung LNG toàn cầu chỉ tăng 2% vào năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua, tương đương chỉ 10 tỷ m³.
Tuy nhiên, năm nay, sản lượng LNG dự kiến sẽ tăng 6% (tương đương thêm 30 tỷ m³), nhờ các dự án mới tại Bắc Mỹ đi vào hoạt động.
Trong khi đó, cùng với kế hoạch mở rộng của Qatar, các nhà máy hóa lỏng LNG đã được chốt đầu tư hoặc đang trong quá trình xây dựng dự kiến sẽ bổ sung hơn 270 tỷ m³ công suất xuất khẩu mỗi năm từ nay đến 2030.
Giá cao ở châu Âu gây khủng hoảng
Ông Birol cho biết, giá khí đốt tại châu Âu vẫn đang ở mức cao, một phần do thời tiết lạnh giá, và khu vực này vẫn chưa giải quyết được triệt để bài toán nguồn cung.
Từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra cách đây 3 năm, các nước EU đã nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, dẫn đến lượng LNG nhập khẩu tăng mạnh và đẩy giá LNG lên mức kỷ lục.
Tuy nhiên, EU cũng đang đối mặt với sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước khi nhậm chức vào tháng 1, ông Trump đã cảnh báo EU rằng họ có thể bị áp thuế thương mại nếu không mua thêm dầu khí từ Mỹ.
Hiện nay, Mỹ là nhà cung cấp LNG lớn nhất của châu Âu. Sau khi EU cắt giảm mạnh khí đốt từ Nga, lượng LNG mua từ Mỹ đã tăng đáng kể, giúp Mỹ củng cố vị thế trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Brussels muốn chấm dứt phụ thuộc vào Nga vào năm 2027, nhưng hiện tại Moscow vẫn là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU.
Liên minh châu Âu (EU) đã đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, nhưng quy tắc thị trường điện của khối vẫn dựa vào giá khí đốt để định giá điện, và tuần trước giá khí đốt đã chạm mức cao nhất trong hai năm qua.
"Giá năng lượng ở châu Âu cao hơn đáng kể so với các cường quốc kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ”, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận định.
"Trung bình, giá khí đốt ở châu Âu cao gấp 5 lần so với Mỹ, trong khi giá điện cao gấp 4 lần so với Trung Quốc”, ông nói.
Dù châu Âu vẫn là nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới, vượt cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng chi phí năng lượng cao đang làm suy giảm khả năng cạnh tranh của khu vực này trên thị trường toàn cầu.
"Nếu không tìm ra giải pháp, nền kinh tế châu Âu – đặc biệt là ngành công nghiệp – có thể rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, kéo theo những thách thức lớn về việc làm”, ông Birol cảnh báo.
Thách thức lớn nhất lúc này của châu Âu là khôi phục ngành công nghiệp về mức trước xung đột mà không gây ra những xáo trộn lớn.
Mở rộng điện hạt nhân lớn nhất trong 30 năm qua
Ông Birol cũng cho biết, điện hạt nhân đang trở thành trọng tâm toàn cầu trong bối cảnh các nước ngày càng quan tâm đến an ninh năng lượng và chuyển đổi sang năng lượng sạch.
"Với lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng tăng, chúng ta đang chứng kiến một sự hồi sinh mạnh mẽ của năng lượng hạt nhân”, ông nói.
Hiện có hơn 60 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng trên toàn cầu, đánh dấu đợt mở rộng lớn nhất của ngành này trong 30 năm qua.
Sản lượng điện hạt nhân dự kiến sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay.
Ông Birol cũng đề cập đến sự thay đổi trong quan điểm của Bỉ đối với điện hạt nhân. Trước đây, nước này có kế hoạch đóng cửa các nhà máy hạt nhân, nhưng sau chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ, Bỉ đang xem xét xây dựng các lò phản ứng mới.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) có thể trở thành xu hướng công nghệ quan trọng trong ngành điện hạt nhân từ năm 2030.