Sáng tác văn học sau dấu mốc 1975, vài phác thảo

Đại thắng mùa xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước. Văn học, nghệ thuật bước vào chặng đường phát triển mới.

Tuy nhiên, do những vấn đề khách quan và chủ quan, đất nước sau năm 1975 phải đối mặt với tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, hậu quả của chiến tranh cộng với chính sách cấm vận của Mỹ và phương Tây; cùng với những chủ quan, duy ý chí trong xây dựng kinh tế thời kỳ bao cấp. Văn học Việt Nam nằm trong bối cảnh đó.

Hơn ai hết, các nhà văn, đặc biệt là những người viết tiểu thuyết thấy rõ được điều này, nhưng để tự thoát ra lại là vấn đề khác.

Những nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam sau dấu mốc 1975 vấn đề nhân cách con người luôn được đặt ra riết róng. Hiện thực cuộc sống đa dạng, phức tạp, sinh động, luôn là đối tượng phản ánh của văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Nếu như tiểu thuyết Việt Nam khoảng hơn hai mươi năm trước luôn đòi hỏi một quan niệm lạc quan về hiện thực, cái nhìn lý tưởng hóa người anh hùng, tính tô hồng, tính minh họa luôn nổi trội thì những năm sau này, tiểu thuyết đã có những biên độ mở rộng hơn rất nhiều. Nhân vật trong tiểu thuyết thời điểm sau này được khám phá toàn diện hơn, ở các mặt sáng - tối, thiện - ác, cả phần vô thức, tiềm thức cũng được đặt ra. Chất người ở các nhân vật tiểu thuyết thời gian gần đây luôn được mổ xẻ, định dạng, đóng đinh một cách rốt ráo hơn. Đã có nhiều nhân vật tiểu thuyết trong đó con người mang số phận bi kịch. Điển hình như các nhân vật chính trong các tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh; "Ăn mày dĩ vãng", "Vòng tròn bội bạc" của nhà văn Chu Lai; "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông" của nhà văn Lê Lựu; "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng… Cũng thấy ngay một điều, các nhân vật trong tiểu thuyết đã định hình và ăn sâu bám dễ trong đời sống, là thực thể của đời sống. Với sự giản dị, tự nhiên giống như cuộc đời thực bên ngoài, đã đặt ra những vấn đề cốt lõi của cuộc sống hôm nay, trình bày ra những gì vốn có của đời sống một cách chân thực, sinh động, khách quan nhất.

Các tiểu thuyết sau Đổi mới 1986 đã đề cập và mổ xẻ sâu sắc nhân cách con người Việt Nam một cách toàn diện, đã chạm tới những giới hạn cuối cùng của nhân tính. Đó là một loạt các tiểu thuyết: "Mùa lá rụng trong vườn" của nhà văn Ma Văn Kháng; "Cha và con và…", "Một cõi nhân gian bé tí" của nhà văn Nguyễn Khải; "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường; "Thời xa vắng", "Chuyện làng Cuội", "Hai nhà" của nhà văn Lê Lựu; "Lão khổ", "Bước qua lời nguyền", "Thiên thần sám hối" của nhà văn Tạ Duy Anh; "Những đứa trẻ chết già", "Thoạt kỳ thủy" của nhà văn Nguyễn Bình Phương; "Đi về nơi hoang dã" của nhà văn Nhật Tuấn; "Cõi người rung chuông tận thế" của nhà văn Hồ Anh Thái; "Dòng sông mía" của nhà văn Đào Thắng; "Cánh đồng bất tận" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư… đã cho thấy sự đa thanh, đa sắc của số phận con người, nhân cách con người được hiện lên ở đủ các cung bậc trong tiểu thuyết Việt Nam. Đó là những đóng góp lớn của đội ngũ các nhà văn Việt Nam với văn học, với nhân dân một cách thiết thực, hữu ích.

Đã có nhiều nhà văn đã xông thẳng vào vùng đất khó - tham nhũng và chống tham nhũng. Tuy nhiên, viết về đề tài này nhiều nhà văn khá loay hoay, tác phẩm phần lớn còn phiến diện, mô tả theo lối tuyến tính, tính chủ quan, áp đặt, đơn điệu, thậm chí tự đặt ra những vùng cấm, vùng nhạy cảm, đâu đó còn thấy rõ sự hằn học, nông cạn… những thứ làm văn học xa rời cuộc sống nhân dân.

Xông vào vùng đất khó, nhà văn phải tự tạo cho mình một hướng đi, một thủ pháp, đó chính là góc nhìn, quan điểm, nhãn tự theo cách nói của nhà Phật. Chính bằng điểm nhìn này, đã cho mỗi nhà văn bước ra khỏi những khó khăn của người cầm bút đương thời mà bình thản và thanh thản nhận diện lại lộ trình ái ố hỉ nộ của kiếp người một cách nhân văn và khoa học. Vòng xoáy tham nhũng - tiêu cực - chạy quyền chạy chức trong một vòng quay ma trận đang diễn ra thách thức ngòi bút nhà văn.

Một điểm nhìn khác, nhà văn có thể rơi vào việc bôi đen, thái quá, sử dụng những biểu hiện đầy rẫy ngoài xã hội áp vào sáng tác dẫn đến suy diễn, xuyên tạc, câu khách của tiểu thuyết. Nhà văn phải thoát ra được cạm bẫy này. Bằng ngòi bút bình tĩnh, hài hước, thâm thúy, tự nhiên, nhà văn phải chủ động và dẫn dắt người đọc đi theo một trường thẩm mỹ riêng. Cái khác biệt của văn chương chính là sự tinh tế, đôi chỗ đã thấy sự mờ hóa, đẩy nhân vật đến tận cùng mâu thuẫn, bày ra, đặt ra một cách phong phú, những gợi ý, những câu chuyện bình thường ai cũng thấy theo cách riêng độc đáo… chính những điều đó đã tạo nên sức nặng của các tiểu thuyết của nhà văn đương đại.

Sự tha hóa, biến chất; tính cơ hội, trục lợi cá nhân; sự biến dạng nhân tính thông qua hàng loạt tình tiết từ cuộc đời các nhân vật trong tác phẩm gần đây đã như một hồi chuông nhân - quả gióng lên khiến chúng ta không khỏi giật mình.

Trong bối cảnh xã hội đang phát triển đa dạng, phức tạp, nhiều vấn đề đạo đức phi truyền thống nảy sinh, sự ứng xử trước văn minh vật chất và quyền lực vừa mâu thuẫn vừa thỏa hiệp của một nhóm người trong các tác phẩm gần đây là những thông điệp lớn của nhà văn với xã hội. Sự trăn trở đến tận cùng của ngòi bút được biểu hiện bằng trái tim và cách nghĩ của con người yêu con người, yêu và gìn giữ những giá trị nhân văn đang ngày càng mai một.

Hiện nay, với sự thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ đã và đang dẫn đến sự chuyển động sâu sắc, mãnh liệt các vấn đề xã hội nhân văn trong đó nổi nên, vấn đề về tư tưởng. Văn học góp phần bồi dưỡng lên cội nguồn nhân văn trong mỗi con người đồng thời làm sâu sắc, phong phú tấm căn cước giá trị văn hóa mỗi dân tộc trong cộng đồng thế giới đang phải chịu những thách thức vô cùng to lớn. Nhiệm vụ của nhà văn, hơn lúc nào hết đang được đặt ở tuyến đầu. Những cuộc suy thoái về kinh tế, khủng hoảng về chính trị, thoái hóa về đạo đức xã hội trên bình diện toàn cầu đã và đang tác động rất lớn đến các nhà văn. Điều này cần được nhìn nhận thẳng thắn và cần phải khích lệ các nhà văn vào cuộc mổ xẻ dưới góc độ văn học. Chúng ta đã từng né tránh, im lặng, mũ ni che tai hoặc hời hợt, thậm chí là phó mặc những gì đang diễn biến xấu với loài người.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của nhà văn, sự phát triển của văn học thật không dễ dàng gì.

Phải thấy một điều rằng, các nhà văn trưởng thành sau dấu mốc 1975 đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh sáng tác của mình, xứng đáng với sự mong mỏi của nhân dân. Chúng ta, nhất là các nhà phê bình hay đặt ra mục tiêu phải có tác phẩm văn học đỉnh cao. Tôi tự hỏi: Thế nào là đỉnh cao? Lấy thước đo là giải Nobel? Các giải thưởng văn chương trong nước, khu vực, châu lục? Điều này, tôi nghĩ không ít lúc khiến các nhà văn và độc giả mọi thế hệ khó phân định được.

Văn chương đích thực hay văn học đỉnh cao đều phải lấy bạn đọc, thời gian và đương nhiên có cả hàm lượng giải thưởng để làm thước đo. Điều ấy chỉ ra rằng, không riêng đối với tôi mà còn với nhiều người khác, thế hệ các nhà văn kế tiếp nhau của chúng ta đã có được tác phẩm tốt nhất, cao nhất, đáp ứng nguyện vọng nhân dân. Tuy nhiên, nếu bây giờ người ta mong mỏi, chờ đợi những gì cao hơn "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh; "Bến không chồng" của Dương Hướng; "Mở rừng", "Thời xa vắng" của Lê Lựu; "Ăn mày dĩ vãng", "Phố", "Ba lần và một lần" của Chu Lai… cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng văn chương khác nhau ở chỗ khó có thể thể lấy tác phẩm này đặt lên trên tác phẩm khác, cho rằng cao hơn hoặc thấp hơn. Vẻ đẹp của văn chương chính là sự khác biệt, sự độc đáo. Điều này nhà văn các thế hệ đã làm rất tốt.

Tôi luôn nghĩ bao giờ những nhà văn dù thế hệ nào cũng phải làm tốt công việc của mình, đặc biệt là trong ngày hôm nay và trong lúc này càng đòi hỏi đức hy sinh của những người cầm bút. Người cầm bút sau dấu mốc 1975 đang ở đâu, đã ở đúng vị trí hay chưa, đã làm tròn bổn phận hay chưa là một tự vấn luôn treo lơ lửng trên đầu ngọn bút. Bầu trời văn chương mênh mông hay hạn định, cánh rừng văn chương thăm thẳm hay khuôn chừng, trong hành trình ấy, có ga dừng, trạm nghỉ không, hay là như sóng biển không bao giờ cho bờ tĩnh lặng vẫn miên man, trùng trùng những con sóng dội.

Đối với các nhà văn, nhất là các nhà văn sau dấu mốc 1975, chúng ta phải xác định rằng, viết về đề tài chiến tranh cũng bình đẳng như các đề tài khác. Tôi không tham gia chiến tranh, nhưng cha mẹ tôi, chú bác tôi đều có mặt, đổ máu ở trong cuộc chiến ấy. Là con cháu các anh hùng liệt sĩ, việc viết về chiến tranh giống như máu thịt chảy trong thân thể mình. Với tôi là tự nhiên. Các truyện ngắn, tiểu thuyết, chân dung văn học phần lớn là chiến tranh, từ chiến tranh bước ra, từ thời bình đi ngược về quá khứ thời chiến.

Nhiệm vụ của nhà văn là hướng tới con người. Chiến tranh cũng là việc con người phải giải quyết với nhau, nên với một đất nước như Việt Nam, việc trội lên, đậm đặc tác phẩm viết về chiến tranh là đương nhiên. Không riêng gì thời chống Mỹ, trước đó và sau này, các đề tài khác cũng luôn được các nhà văn quan tâm, nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao. Ma Văn Kháng là một trường hợp như thế. Nhưng cũng không thể tách các tác phẩm ra khỏi bối cảnh chiến tranh dù nó được viết sau chiến tranh. Một đất nước từng hàng chục, thậm chí hàng trăm năm chiến tranh thì con người xã hội sẽ không thể tách rời những ảnh hưởng đặc trưng của nó. Điều đó cũng là bình thường. Nhà văn phải có bổn phận phục vụ nhân dân và Tổ quốc của mình. Trái tim và ngòi bút nhà văn phải thuộc về nhân dân và Tổ quốc.

Nhưng cũng hãy để các nhà văn tự do sáng tạo, văn học đích thực sẽ đến với họ, với nhân dân.

Nhà văn Phùng Văn Khai

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sang-tac-van-hoc-sau-dau-moc-1975-vai-phac-thao-10302822.html
Zalo