Sáng mãi tinh thần 'Bộ đội Cụ Hồ' giữa thời bình

Trở về quê hương từ khói lửa chiến tranh với thương tật 65%, thương binh Nguyễn Văn Tún ở xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình vẫn tiếp tục hành trình mới - cứu người bằng y học cổ truyền, tiếp nối lý tưởng

Trở về quê hương từ khói lửa chiến tranh với thương tật 65%, thương binh Nguyễn Văn Tún ở xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình vẫn tiếp tục hành trình mới - cứu người bằng y học cổ truyền, tiếp nối lý tưởng "Bộ đội Cụ Hồ”, sống vì cộng đồng và phụng sự Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Tún, một trong những cựu chiến binh tiêu biểu trong các phong trào thi đua tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tún, một trong những cựu chiến binh tiêu biểu trong các phong trào thi đua tại địa phương.

Người trở về từ giấy báo tử

Năm 1971, chàng trai Nguyễn Văn Tún khi đó mới 17 tuổi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và được biên chế vào Đại đội D2, Quân khu 9, đóng quân tại chiến trường miền Tây Nam Bộ. Nhớ lại những năm tháng chiến đấu, ông Tún chia sẻ: Chiến trường rất ác liệt, khi đi ai cũng xác định lành ít, dữ nhiều. Trận đánh địa pháo ở Cà Mau và trận pháo trên kênh 9 vào các năm 1973, 1974 là 2 trận tôi bị thương nặng nhất. Đến giờ, mảnh đạn vẫn còn găm trong cơ thể.

Bị thương nặng sau chiến đấu, năm 1976, ông Tún được đưa trở về miền Bắc để điều trị và tiếp tục phục vụ trong quân đội đến năm 1979. Tuy nhiên, do điều kiện thông tin liên lạc thời kỳ đó còn hạn chế, một giấy báo tử đã được gửi về quê hương. Gia đình đau đớn nhận tin ông hy sinh và tên ông từng được ghi là "đã hy sinh vì Tổ quốc”. Song một điều kỳ diệu đã xảy ra, năm 1979 ông Tún trở về quê trong sự ngỡ ngàng và vỡ òa của gia đình cùng bà con lối xóm. Trở về từ cõi chết, ông được xếp loại thương binh 2/4, trong đó có những mảnh đạn vẫn còn nằm trong đầu, tạo thành vết sẹo dài lõm trên trán ông. Hậu quả của chiến tranh không chỉ là những vết thương thể xác, mà còn là những cơn đau tái phát mỗi khi trái gió trở trời, những đêm dài mất ngủ vì ám ảnh bom đạn, những ký ức về đồng đội nằm lại nơi chiến trường.

Người lính ấy học cách làm quen với cuộc sống đời thường dù gặp muôn vàn khó khăn. Ông từng bước vượt qua thương tật, tiếp tục sống có ích cho gia đình và xã hội. Đó là minh chứng cho tinh thần người lính Cụ Hồ, kiên cường và bất khuất.

Người lính, người thầy thuốc tận tụy

Trở về quê hương, với nền tảng nghề y gia truyền, ông Tún tiếp tục hành trình mới - cứu người bằng y học cổ truyền. Từ những kiến thức học được từ gia đình và tìm tòi nghiên cứu không ngừng, ông bắt đầu bốc thuốc chữa bệnh cho bà con trong vùng. Tiếng lành đồn xa, giờ đây bệnh nhân của ông đến từ khắp mọi miền đất nước để chữa các bệnh ngoài da, trĩ, dạ dày, gai đốt sống... Năm 2024, phòng khám đông y tại nhà ông đã tiếp đón và điều trị cho gần 4.000 lượt bệnh nhân. Dù đã ngoài 70 tuổi, hằng ngày ông vẫn thức dậy từ 4 giờ sáng để kê đơn, bốc thuốc, tận tụy vì người bệnh. Ngoài ra, ông Tún còn tích cực phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi tổng hợp và trồng rừng sản xuất, tạo thêm việc làm cho một số hội viên cựu chiến binh hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Với những cống hiến của mình, năm 1989, ông Tún đã được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Ông cũng đã được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Hội Người cao tuổi tỉnh công nhận là gương sáng trong phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng”. 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, những người lính trở về như ông Nguyễn Văn Tún vẫn đang tiếp tục cống hiến thầm lặng trong thời bình.

Huyền Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/200583/sang-mai-tinh-than-bo-doi-cu-ho-giua-thoi-binh.htm
Zalo