Đi qua chiến tranh để trân trọng hòa bình

Triển lãm 'Chân dung Quốc Thái' lần đầu tiên giới thiệu tới người yêu hội họa bộ tranh gồm 150 tác phẩm tranh lụa và bột màu đặc sắc mà cố họa sĩ Nguyễn Quốc Thái đã vẽ những năm 1966 đến trước khi mất, năm 2020.

Triển lãm được tổ chức bởi gia đình cố họa sĩ, họa sĩ Lê Thiết Cương là giám tuyển triển lãm này. Thời gian diễn ra triển lãm bắt đầu từ 17h00 ngày 29.4.2025 tại tầng 1 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Triển lãm kéo dài đến 5.5.2025.

Cố họa sĩ Nguyễn Quốc Thái. Ảnh gia đình cố họa sĩ cung cấp.

Cố họa sĩ Nguyễn Quốc Thái. Ảnh gia đình cố họa sĩ cung cấp.

Như mọi họa sĩ thuộc thế hệ trong kháng chiến chống Mỹ, trung thành với bút pháp tả thực, bút pháp mà ông học được trong trường mỹ thuật, bút pháp để ghi nhận thực tế như nó có. Ông vẽ phong cảnh, chân dung, tĩnh vật một cách chân tình, điềm đạm, bức tranh thường bình lặng tới mức, như là không phải sinh ra trong khói lửa đạn bom.

Sương sớm. Chất liệu lụa. Kích thước: 44x58 cm. Năm sáng tác: 1991

Sương sớm. Chất liệu lụa. Kích thước: 44x58 cm. Năm sáng tác: 1991

Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái, sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Tốt nghiệp khoa Hội họa năm 1982, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Quốc Thái là hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên hội Mỹ thuật Hải Phòng.

Ông đã nhận Huy chương "Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam". Ông từng 5 lần triển lãm cá nhân; Có tranh lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đạt Giải nhì bộ tem quân đội năm 1972; Giải nhì bộ tem về Đảng cộng sản Việt Nam năm 1976; Giải nhất tranh cổ động năm 1976; Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm và giải thưởng Hoa phượng đỏ các năm 1990, 1991, 1992, 1994, 1995; Giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng - Hải Phòng 2016…

Họa sĩ Đặng Tiến nhận xét về tác phẩm của ông: “Vẫn đề tài quen thuộc của mình - phong cảnh, con người miền biển - những dãy nhà lô xô, những chiếc thuyền trên dòng Tam Bạc, làng quê yên bình, thiếu nữ với hoa, dân chài làng biển... vẫn một Quốc Thái cá tính ào ạt, nhưng người xem nhận thấy sự sâu sắc hơn trong bút pháp, hòa sắc và bố cục. Đằm thắm ở màu, tinh tế hơn ở kỹ thuật xử lý chất liệu…”.

Gánh nước. Chất liệu lụa. Kích thước: 60x80 cm. Năm sáng tác: 1999

Gánh nước. Chất liệu lụa. Kích thước: 60x80 cm. Năm sáng tác: 1999

Khi mới 7 tuổi, họa sĩ Nguyễn Quốc Thái đã tự mày mò học vẽ. “Tôi sinh ra, lớn lên ở Hải Phòng trong những năm tháng hào hùng của dân tộc, của đất nước và gắn bó với thành phố biết bao kỷ niệm khó quên. Hải Phòng xưa với ống khói Xi măng bến Sáu kho, quán Bà Mau, những Cầu Rào, Cầu Đất, Lạch Tray những cái tên thật thân thương của một thời để nhớ”, Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái từng tâm sự.

Trưởng thành, ông được tuyển vào Sở Công an Hải Phòng vẽ tranh an toàn giao thông, kẻ vẽ khẩu hiệu… Sau đó, ông về công tác tại báo An ninh Hải Phòng. Ngoài tự học, họa sĩ Nguyễn Quốc Thái còn học hỏi thêm ở các đàn anh, ông làm việc chăm chỉ với đam mê mãnh liệt, đặc biệt thể hiện qua những bức ký họa, trong đó, nổi bật là ký họa chiến tranh từ những năm 60 đến 70 thế kỷ trước. Mảng đề tài cổ động, tem cũng được ông sáng tác trong khoảng thời gian ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ này. Năm 1980, họa sĩ Nguyễn Quốc Thái tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông thuộc thế hệ họa sĩ thứ 3 của Hải Phòng. Là cái tên quen thuộc với công chúng yêu mỹ thuật thành phố, các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quốc Thái được nhiều cá nhân trong nước và quốc tế sưu tập.

Chân dung tự họa. Kích thước: 40x60 cm. Bột màu trên giấy bìa. Năm sáng tác: 1982

Chân dung tự họa. Kích thước: 40x60 cm. Bột màu trên giấy bìa. Năm sáng tác: 1982

“Tôi nói với bạn, tôi là người lính trong lực lượng vũ trang, tôi hoạt động cho tới ngày về hưu. Những tháng năm Hải Phòng chìm trong lửa đạn, những khu dân cư bị bom tàn phá, hình ảnh những người đồng đội tôi, những chiến sĩ công an quả cảm đã anh dũng hy sinh vẫn in đậm trong trái tim tôi”. Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái từng tự sự. “Nay chiến tranh đã lùi xa, chúng ta đang xây dựng lại đất nước, nhưng không thể quên những chiến sĩ, anh hùng đã ngã xuống cho nền độc lập tự do, cho hạnh phúc hôm nay. Tôi vẽ họ cũng chính là nhắc nhở thế hệ sau uống nước nhớ nguồn, đối với thế hệ trẻ các em ít vẽ về đề tài chiến tranh, vì các em được sống trong hòa bình, được tiếp cận với đổi mới, ít chú ý đến quá khứ, do vậy việc giáo dục là trách nhiệm của chúng ta. Tôi tin thế hệ họa sĩ trẻ, các em có tài, có đức, được trang bị kiến thức lịch sử xã hội nhất định sẽ là lớp người thay thế xứng đáng các lớp đàn anh đàn chị.”.

Một ghi chép nhanh góc phố Hà Nội bằng bột màu. Năm sáng tác: 1978

Một ghi chép nhanh góc phố Hà Nội bằng bột màu. Năm sáng tác: 1978

Thưởng lãm 150 bức tranh trong “Chân dung Quốc Thái”, tổng kết cuộc đời sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Quốc Thái, thấy được sự bình yên, an yên, hiền hòa, nhân hậu đầy xúc cảm qua từng nét vẽ, cảnh vật, phối màu của cố họa sĩ, người đã đi qua chiến tranh để thêm trân trọng biết ơn khi chúng ta được hưởng cuộc sống hòa bình: “Nhưng có một điều ai cũng nhận thấy: Cái tình của anh trong những bức tranh. Điều ấy thật khó diễn đạt. Đứng trước nhiều bức tranh Quốc Thái ta thường vấn vương đến những gì ngoài chúng. Ta sẽ tìm thấy tuổi thơ đã mất trong bức "Đi câu". Và đứng trước bức "Sau cơn mưa", trời, nhà, cây như còn láng một lớp nước mưa trong suốt, ta cảm thấy hơi nước mát lạnh đang tỏa quanh ta, tâm hồn ta đang được mưa thanh lọc...” (Nhà văn Bùi Ngọc Tấn).

An Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-qua-chien-tranh-de-tran-trong-hoa-binh-10304609.html
Zalo