Sáng mãi tinh thần bất khuất, kiên cường của Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá

Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá, sinh năm 1919, tại bản Cọ, xã Chiềng An, châu Mường La (nay thuộc thành phố Sơn La) trong một gia đình nông dân nghèo. Lớn lên trong cảnh quê hương lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, anh đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng được lan tỏa từ Nhà tù Sơn La.

Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá. Ảnh Tư liệu

Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá. Ảnh Tư liệu

Ngược dòng lịch sử, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn 1930-1945, thực dân Pháp đày ải hàng trăm chiến sĩ cộng sản lên nhà ngục Sơn La. Đến đầu năm 1943, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã xây dựng được hai cơ sở bên ngoài nhà tù, trong đó, anh Lò Văn Giá tham gia vào tổ chức Thanh niên cứu quốc Mường La. Đến tháng 8/1943, Chi bộ Nhà tù Sơn La quyết định tổ chức vượt ngục cho một số tù chính trị cốt cán để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Là người thông minh, dũng cảm, có lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng và thông thạo địa hình Tây Bắc, anh Lò Văn Giá được Chi bộ Nhà tù Sơn La chọn làm người dẫn đường cho cuộc vượt ngục của 4 đồng chí: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu.

Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá tại bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La.

Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá tại bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La.

Với sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần quyết tâm, lòng gan dạ, mưu trí của các chiến sĩ cộng sản, anh Giá dẫn đường dũng cảm, thông minh, bình tĩnh, khéo léo, nên sau 5 ngày vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, cuộc vượt ngục đã thành công. Các chiến sĩ cộng sản trở về đã nhanh chóng bắt liên lạc với Thành ủy Hà Nội và cơ quan liên lạc Trung ương Đảng, sau này đều trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Cuộc vượt ngục thành công đã góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh, củng cố niềm tin của tù nhân vào sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù, giúp các đồng chí ở lại có thêm quyết tâm phấn đấu, rèn luyện, kiên trì chờ thời cơ.

Sau khi dẫn đoàn tù vượt ngục thành công, anh Lò Văn Giá quay lại Sơn La đã bị thực dân Pháp bắt. Thất bại trước tinh thần dũng cảm, trung thành tuyệt đối với cách mạng của anh, không khai thác được gì để kết án, chúng đã lén lút thủ tiêu anh một cách hèn hạ. Người đoàn viên thanh niên ấy đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương, hy sinh cho Tổ quốc, để lại người mẹ già, vợ trẻ, con thơ.

Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá, tại bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La.

Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá, tại bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La.

Tiếp tục dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Nhà tù Sơn La, cuối năm 1944 đầu năm 1945, Sơn La đã phát triển 60 cơ sở cách mạng trong toàn tỉnh. Hội “Người Thái cứu quốc” (Côn tay chất mương) được thành lập với lực lượng nòng cốt là các tổ Thanh niên cứu quốc. Tấm gương hy sinh anh dũng của anh Lò Văn Giá tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ thanh niên hăng hái tiến lên dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, góp phần cùng với nhân dân làm nên cách mạng tháng Tám năm 1945 và khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La ngày 26/8/1945.

Với công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ngày 20/12/1994, anh Lò Văn Giá đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Người con ưu tú, Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá luôn là niềm tự hào của các thế hệ ở Sơn La. Tên anh được đặt cho một đường phố lớn từ bản Lầu đến cầu bản Cá, đây cũng là con đường từ trung tâm thành phố Sơn La về quê hương anh, ngôi trường tiểu học gần khu tưởng niệm anh cũng mang tên Lò Văn Giá.

Một góc bản Cọ hiện nay.

Một góc bản Cọ hiện nay.

Tấm gương chiến đấu và hy sinh của anh Lò Văn Giá năm xưa đã trở thành bất hủ, nhắc nhở hậu thế về tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc; thôi thúc các thế hệ hôm nay luôn một lòng, quyết tâm xây dựng quê hương Sơn La ngày càng văn minh và giàu đẹp.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nhan-vat-su-kien/sang-mai-tinh-than-bat-khuat-kien-cuong-cua-anh-hung-liet-si-lo-van-gia-pFoisAHNR.html
Zalo