Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nơi biên giới
Tại vùng biên giới cực Tây của Tổ quốc, giữa đại ngàn và những cột mốc thiêng liêng, có những con người đang lặng lẽ góp phần giữ vững biên cương. Trong số đó có Đại úy Vũ Đức Hưng, một người con của miền xuôi, từ bỏ nhịp sống quen thuộc nơi đồng bằng để gắn bó với vùng biên viễn đầy gian nan, thử thách. Với tinh thần trách nhiệm và ý chí kiên cường, anh đã trở thành biểu tượng cho phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Nam Định - một vùng đất đã in sâu truyền thống yêu nước và cách mạng, do đó ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đại úy Vũ Đức Hưng đã ấp ủ lý tưởng cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc. “Lý tưởng, truyền thống quê hương và nhận thức về trách nhiệm của tuổi trẻ đã thôi thúc tôi chọn con đường binh nghiệp, trực tiếp là lực lượng Bộ đội Biên phòng” - anh Hưng chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2014, anh đã trải qua nhiều cương vị khác nhau trên khắp các địa bàn từ Đồng Tháp đến Điện Biên. Từ tháng 6 năm 2023, anh được điều động về nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng A Pa Chải. Anh Hưng cho biết: "Sau khi được giao tăng cường cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp, đến tháng 6/2023 về nhận công tác tại Đồn A Pa Chải. Trải qua các cương vị đội trưởng, trợ lý và hiện nay là Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn Biên phòng A Pa Chải".
Công tác tại A Pa Chải đã mở ra nhiều bài học quý giá cho Đại úy Hưng, nhưng cũng đặt anh trước không ít thách thức: “Khó khăn nhất là việc nghiên cứu văn hóa, tiếng nói của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Là người dưới xuôi lên, việc tiếp cận những giá trị văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ không dễ dàng”.
Mỗi ngày, anh bắt đầu bằng việc nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, chỉ huy các đội công tác nắm tình hình biên giới, địa bàn. Qua đó, anh tổng hợp và tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy đơn vị các nội dung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh biên giới.
Những ngày hòa vào đất trời vùng biên, những đêm tuần tra trong giá rét, mưa rừng, những lần đối mặt với hiểm nguy từ tội phạm ma túy... đã trở thành một phần trong hành trình đầy thách thức mà anh và đồng đội luôn sẵn sàng đón nhận. Ngoài ra, nỗi nhớ nhà da diết, nhưng anh luôn nhớ lời trong tác phẩm “Những người đi biển” của nhà thơ Thanh Thảo: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ (Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc). Nhũng lời thơ đó như tiếp thêm động lực để anh vượt qua những ngày đêm bên ải.
Giữa những thử thách, anh Hưng cùng đồng đội đã lập nên nhiều chiến công đáng tự hào. Điển hình là chuyên án ĐB824P, anh cùng lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm bắt giữ một đối tượng người nước ngoài, thu giữ 10kg nhựa thuốc phiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia. Thành tích này không chỉ là minh chứng cho sự mưu trí, dũng cảm mà còn là tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ trong toàn đơn vị.
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, anh Hưng và đồng đội còn góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Từ việc hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi đến xây dựng cơ sở hạ tầng, mỗi đóng góp nhỏ đều mang lại những thay đổi lớn, giúp vùng biên cương ngày càng khởi sắc. “Đồn Biên phòng là một tập thể, vai trò cá nhân tôi không thể nằm ngoài vai trò của tập thể. Chúng tôi đã quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, đề án giúp dân phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh, qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân” - Đại úy Vũ Văn Hưng nhấn mạnh.
Xa gia đình, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, động lực nào đã giúp anh Hưng kiên trì bám trụ nơi biên giới? Tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm của một người lính và sự gắn bó với đồng bào các dân tộc khi "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" chính là động lực để anh Hưng gắn bó với vùng biên giới cực tây của Tổ quốc. “Nhớ nhà và nhiệm vụ phải hoàn thành là những gì chúng tôi phải trải qua hằng ngày. Song nhờ sự quan tâm, chia sẻ của gia đình, tinh thần đoàn kết của đồng chí, đồng đội và sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương chính là những yếu tố giúp tôi vững vàng” - Đại úy Hưng xúc động tâm sự.
Những năm tháng ở A Pa Chải đã hun đúc lên một Vũ Văn Hưng với tinh thần thép, trái tim nhiệt huyết và trách nhiệm lớn lao. Anh không chỉ là một người lính, mà còn là cầu nối giữa Đảng, chính quyền, quân đội và Nhân dân, là chỗ dựa vững chắc cho đồng bào nơi biên cương.
Khi được hỏi về lời khuyên dành cho những người trẻ muốn gắn bó với công việc biên phòng, anh không ngần ngại: Nếu bảo tôi đưa ra một lời khuyên, tôi khuyên các bạn hãy học thuộc và suy nghĩ kỹ về câu hát: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay". Lời hát ấy sẽ giúp các bạn nhận thức rõ trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc nói chung và sự nghiệp bảo vệ biên cương nói riêng.
Câu chuyện của Đại úy Vũ Đức Hưng không chỉ là hành trình của một người lính trẻ nơi biên giới, mà còn là biểu tượng sáng ngời của tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại mới. Những khó khăn, vất vả không làm anh chùn bước, mà trái lại, càng hun đúc thêm ý chí và nghị lực để anh cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững từng tấc đất biên cương.
Những người lính trẻ nơi biên cương như Đại úy Vũ Đức Hưng không chỉ truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, mà còn là lời nhắc nhở mỗi chúng ta về trách nhiệm đối với Tổ quốc, để ánh sáng của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” mãi mãi rạng ngời nơi biên giới xa xôi.