Tiếng đàn còn mãi ngân vang tưởng nhớ Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên

Tối ngày 28/12, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc đặc biệt 'Tiếng đàn còn mãi ngân vang' để tưởng niệm Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên, một trong 7 người tham gia thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), người thầy đứng đầu ngành Piano đầu tiên và lâu nhất của nhà trường.

Nhà giáo Nhân dân (NGND) Thái Thị Liên sinh ngày 4 tháng 8 năm 1918 trong một gia đình trí thức danh giá ở Sài Gòn, cha là kỹ sư Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư người Việt đầu tiên tốt nghiệp tại Pháp. Chị gái bà là Thái Thị Lang, nhà soạn nhạc - nghệ sĩ piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris ở cả hai chuyên ngành biểu diễn và sáng tác, anh trai bà là luật sư Thái Văn Lung, Đại biểu Quốc Hội khóa I, liệt sỹ hy sinh năm 1946 và tên ông được đặt cho một con đường giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh.

NGND Thái Thị Liên

NGND Thái Thị Liên

Bà Thái Thị Liên học đàn piano từ năm 4 tuổi tại trường dòng và tiểu học dành cho con em người Pháp trong 7 năm. Từ năm 11 tuổi, cùng lúc khi theo học trường Trung học Marie Curie, bà đã bước vào con đường chuyên nghiệp với bà giáo Armande Caron, người đã giành giải nhất piano nhạc viện Paris, học trò của Giáo sư Nhạc viện Paris Isidore Philipp, giải nhất ngành biểu diễn piano năm 1883.

Là học trò xuất sắc của Armande Caron, năm 16 tuổi bà đã có buổi biểu diễn ra mắt công chúng tại tòa thị chính Sài Gòn.

Năm 1946, bà sang Pháp với dự định tiếp tục học cao hơn về âm nhạc nhưng cùng với những biến cố lịch sử của Việt Nam, bà đã từ Paris sang Praha năm 1948 và theo học ngành biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha, một trong những trường âm nhạc lâu đời nhất châu Âu. Tốt nghiệp xuất sắc năm 1951 lớp giáo sư Ema Dolezalóva với chương trình biểu diễn đồ sộ gồm các tác phẩm của D. Scarlatti, J. S. Bach, L. V. Beethoven và B. Smetana.

Cuối 1951, bà theo chồng về Việt Bắc tham gia kháng chiến và công tác tại Đoàn văn công Trung Ương. Đầu năm 1954, bà tham gia đoàn hợp xướng Hòa bình sang Thượng Hải, Trung Quốc, ghi âm chương trình để phát trên đài phát thanh khi tiếp quản Thủ đô mùa thu năm đó. Cuối năm 1955, bà đã cùng với ca sỹ Minh Đỗ sang Tiệp Khắc ghi âm với Supraphon đĩa nhạc đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 11 năm 1956, bà là một trong 7 nhạc sỹ sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam và là Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Piano cho tới khi nghỉ hưu năm 1977. Trong suốt hơn 20 năm gắn bó với Trường, kể cả trong những năm tháng chiến tranh, khó khăn thiếu thốn nơi sơ tán, bà đã biên soạn chương trình, giáo trình, bồi dưỡng, huấn luyện những giảng viên đầu tiên, trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ giảng viên, nghệ sỹ piano. Nhiều người trong số đó đã trở thành những nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhà giáo nổi tiếng như Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Phương Chi, Tuyết Minh, Kim Dung Trần Thu Hà và Đỗ Hồng Quân. Nổi bật nhất trong số đó là Đặng Thái Sơn, con trai út của bà, là người châu Á đầu tiên giành giải nhất Cuộc thi Piano quốc tế Chopin.

Từ trái qua phải: NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; hai con của NGND Thái Thị Liên: GS, NGND Trần Thu Hà và KTS Trần Thanh Bình chia sẻ về buổi hòa nhạc đặc biệt "Tiếng đàn còn mãi ngân vang"

Từ trái qua phải: NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; hai con của NGND Thái Thị Liên: GS, NGND Trần Thu Hà và KTS Trần Thanh Bình chia sẻ về buổi hòa nhạc đặc biệt "Tiếng đàn còn mãi ngân vang"

Bên cạnh sự nghiệp đào tạo, bà đã có những hoạt động biểu diễn không ngừng nghỉ. Bà là người đầu tiên đã biểu diễn chương trình recital từ cuối những năm 50 ở Hà Nội, tham gia các chương trình hòa tấu với các chuyên gia từ Liên Xô cũ như Giáo sư Khódjaev (violon) và Fedoshénko (violoncelle) tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Hải Phòng. Bà đã biểu diễn không chỉ trong các khán phòng lớn đầy ánh sáng, mà còn cả trong những đêm nhạc chỉ có ánh trăng trên sân kho hợp tác xã nơi sơ tán, như những đêm chuyên đề với các tác phẩm của Chopin hay đêm hòa tấu Trio Weber với các giáo sư Vũ Hướng (violoncelle) và Lê Bích (flute).

Sinh thời, bà nói tài sản lớn nhất của bà là 3 người con. Ngoài NSND Đặng Thái Sơn, một "cựu học trò" nổi tiếng nữa của bà chính là con gái, GS. NGND Trần Thu Hà - nguyên Chủ nhiệm Khoa Piano, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Và con trai bà, kiến trúc sư Trần Thanh Bình, tuy không theo nghiệp âm nhạc, nhưng vẫn để lại dấu ấn của mình tại Học viện Âm nhạc với vai trò kiến trúc sư, tác giả thiết kế toàn bộ cơ ngơi mới và Phòng hòa nhạc hiện đại.

NGND Thái Thị Liên và con trai- NSND Đặng Thái Sơn

NGND Thái Thị Liên và con trai- NSND Đặng Thái Sơn

GS.NGND Trần Thu Hà chia sẻ, cuộc đời mẹ tôi chỉ có 2 tâm nguyện, làm sao để chăm lo, giáo dục thế hệ học trò kế cận cho piano và xây dựng cơ sở vật chất cho Trường Âm nhạc. Ngày 31 tháng 1 năm 2023, bà qua đời tại Hà Nội. Cuộc đời bà như một huyền thoại, và huyền thoại ấy đã được viết bằng kỷ lục hiếm có: một nghệ sĩ hơn thế kỷ tuổi đời vẫn dạy học và biểu diễn. Bà không chỉ là mẹ của ba người con mà còn là người mẹ, người thầy huyền thoại của nhiều thế hệ pianist Việt Nam.

Đêm nhạc "Tiếng đàn còn mãi ngân vang" với sự tham gia của các giảng viên – nghệ sĩ khoa Piano Học viện Âm nhạc Việt Nam, đại diện cho các thế hệ giảng viên – học trò của khoa. Từ những lứa học trò đầu tiên được học bà trực tiếp, nay đã ở tuổi 80 như NGƯT Kim Dung và NSƯT Tuyết Minh đến những thế hệ trẻ - giảng viên chủ chốt của Khoa hôm nay, những học trò của học trò như TS Đào Trọng Tuyên, Trưởng Khoa, PGS. TS Nguyễn Huy Phương Chủ tịch Hội đồng Học viện...Từ những học trò - con như GS NGND Trần Thu Hà đến cháu, chắt của bà như những tiếng đàn được ngân vang bất tận.

Đặc biệt, phần II của chương trình là món quà đặc biệt của NSND Đặng Thái Sơn dành tặng cho mẹ với những bản nhạc ưa thích của bà.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tieng-dan-con-mai-ngan-vang-tuong-nho-nha-giao-nhan-dan-thai-thi-lien-20241223195848268.htm
Zalo