Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc và sự tham gia của Việt Nam

Sáng kiến Vành đai và Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9-2013) và Đông Nam Á (tháng 10-2013)

Về phạm vi địa lý, sáng kiến "Vành đai và Con đường" trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ La-tinh. Hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26-4-2019. Ảnh: TTXVN

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26-4-2019. Ảnh: TTXVN

Trong đó, vành đai kinh tế con đường tơ lụa hình thành 6 tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia gồm:

- Hành lang đường bộ Á - Âu mới: chạy từ phía Đông Trung Quốc, qua miền Trung, Tân Cương - Kazakhstan - Nga - Belarus - Ba Lan - một số cảng biển ở Châu Âu.

- Hành lang kinh tế Trung Quốc - Mông Cổ - Nga kết nối ba nước này.

- Hành lang kinh tế Trung Quốc - Trung Á - Tây Á: Chạy từ Tân Cương, Trung Quốc qua Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan) đến vùng Vịnh Péc-xích, bờ biển Địa Trung Hải và bán đảo Ảrập (Iran và Thổ Nhĩ Kỳ).

- Hành lang kinh tế Trung Quốc - Đông Nam Á lục địa.

- Hành lang kinh tế Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar.

- Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan.

Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 hình thành 2 tuyến hàng hải:

- Tuyến thứ nhất trải theo duyên hải Đông Nam Trung Quốc - Biển Đông - Đông Nam Á - Ấn Độ Dương (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh) - rẽ 2 nhánh: Đến Đông Bắc Phi (Kenya, Ethiopia) và qua Vịnh Péc-xích, Địa Trung Hải - đến Nam Âu (Ý, Thổ Nhĩ Kỳ).

- Tuyến thứ hai kết nối vùng duyên hải Trung Quốc - Biển Đông - Nam Thái Bình Dương (Úc, New Zealand).

- Hành lang trên biển, trên bộ quốc tế mới.

Trung Quốc đề xuất 5 mảng hợp tác chính trong khuôn khổ sáng kiến là: Kết nối chính sách, Kết nối cơ sở hạ tầng, Kết nối thương mại và đầu tư, Kết nối tài chính - tiền tệ, Kết nối con người.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đến hết năm 2022, Trung Quốc đã ký 206 thỏa thuận hợp tác về BRI với 151 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế, triển khai khoảng 3.000 dự án trong nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ USD.

Trong đó, Kết nối cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy xây dựng các tuyến giao thông xương sống quốc tế kết nối giữa các tiểu vùng trong Châu Á và giữa Châu Á, Châu Âu với Châu Phi, bao gồm: Tập trung xây dựng các tuyến đường quan trọng; xây dựng cơ chế liên kết vận tải toàn tuyến; thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng các cửa khẩu, tăng cường hợp tác xây dựng các cảng biển; đẩy mạnh hợp tác vận tải biển, hàng không dân dụng; tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng về năng lượng; thúc đẩy xây dựng mạng lưới cáp thông tin, cáp quang xuyên biên giới, tiến tới quy hoạch, xây dựng hệ thống cáp quang ngầm dưới biển liên kết với các châu lục, hoàn thiện liên kết thông tin vệ tinh.

Về Kết nối thương mại và đầu tư: Tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, xây dựng các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới và khu công nghiệp...

Kết nối tài chính - tiền tệ: Hợp tác tài chính, thúc đẩy xây dựng hệ thống tiền tệ, hệ thống đầu tư vốn và hệ thống tín dụng ở Châu Á ổn định; mở rộng hoán đổi tiền tệ, phạm vi và quy mô thanh toán song phương; tăng cường mở cửa và phát triển thị trường chứng khoán Châu Á; tăng cường hoạt động của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), Ngân hàng BRICS, Cơ cấu tiền tệ của Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Quỹ Con đường tơ lụa; đi sâu hợp tác thực chất trong hệ thống liên ngân hàng Trung Quốc- ASEAN, hệ thống liên ngân hàng SCO; tăng cường hợp tác giám sát tài chính, hoàn thiện cơ chế ứng phó rủi ro và xử lý khủng hoảng; tăng cường hợp tác liên khu vực giữa các cơ quan, tổ chức tín dụng và các tổ chức đánh giá tài chính.

Sự tham gia của Việt Nam

Ngày 12-11-2017, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường". Hai bên đang tiếp tục thảo luận các nội dung để cụ thể hóa Bản ghi nhớ này.

Ngày 14, 15-5-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế về "Vành đai và Con đường" lần đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực nói chung, Sáng kiến "Vành đai và Con đường" nói riêng, và sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đem lại lợi ích chung, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

Ngày 25 đến 27-4-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế về "Vành đai và Con đường" lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Thủ tướng đã có bài phát biểu tại hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo, nhấn mạnh phát triển là trách nhiệm của mỗi quốc gia và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng là nền tảng cho hợp tác thành công. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế xã hội trong nước, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có hợp tác với Sáng kiến "Vành đai và Con đường"; nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, trong đó tham gia tích cực vào các sáng kiến giảm chất thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học.

Từ ngày 17 đến ngày 20-10 tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ ba tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Chuyến công tác có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc cũng như thể hiện sự hoan nghênh, coi trọng đối với các sáng kiến kết nối, trong đó có BRI, vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phồn vinh tại khu vực và trên thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, trong trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hướng đến mục tiêu đóng góp cho phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia.

Thời gian qua, quan hệ hữu nghị Việt - Trung duy trì xu thế phát triển, trong đó có các khuôn khổ hợp tác kết nối Việt Nam - Trung Quốc nói chung và kết nối trong khuôn khổ Vành đai và Con đường nói riêng.

Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc đã tích cực hợp tác vận chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kết nối từ TP Trùng Khánh của Trung Quốc đi qua Việt Nam và một số nước Asean, và từ Việt Nam đi tới Trung Á và châu Âu.

"Chúng tôi mong sáng kiến Vành đai và Con đường tiếp tục thúc đẩy kết nối kinh tế và kết nối khu vực, hỗ trợ các nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường, thu hẹp khoảng cách phát triển, mang lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, người dân ở trong khu vực và trên thế giới"- bà Phạm Thu Hằng nói.

Trong cuộc gặp gần đây nhất giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy kết nối chiến lược, hợp tác xây dựng Vành đai và Con đường chất lượng cao, tăng cường kết nối đồng bộ, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức, hiệu quả cao và bền bỉ, đem lại hiệu quả cao cho người dân và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-tri/sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc-va-su-tham-gia-cua-viet-nam-20231016225830055.htm
Zalo